Thưa quý Ðộc giả, trong cuộc đời
chúng ta, những lần Ðức Chúa Trời cứu chúng ta thoát khỏi hoạn nạn hiểm nguy,
chúng ta có hết lòng cảm tạ ơn Chúa không? Chúng ta có thưa với Chúa rằng:
"Lạy Chúa Ngài là Ðức Chúa Trời của con, của gia đình con" không? Xin
hãy thưa với Chúa rằng: "Hằng
ngày miệng con đầy sự ngợi khen và sự tôn vinh Chúa." (Thi thiên 71:8).
Sau khi lên khỏi Biển Ðỏ, dân Y
sơ ra ên tiếp tục hành trình đi vào đồng vắng. Họ đi suốt 3 ngày không tìm được
nước đâu cả. Đến một chỗ kia họ thấy có nước. Nhưng "nước tại đó đắng"
(Xuất Ê díp tô ký 15: 23), không uống được. Chúng ta biết rõ là “khát nước nguy
hiểm hơn đói cơm.” Chúng ta nhịn đói một tuần được, nhưng không thể nhịn khát một
tuần được! Dân sự oán trách Môi se rằng: “ Chúng tôi lấy chi uống?” (Xuất Ê
díp tô ký 15:24). Thưa Quý vị, dân sự thiếu nước uống. Họ mong mỏi có nước uống
là đúng. Nếu Quý vị là dân Y sơ ra ên lúc nầy, Quý vị tính sao?
Quý
vị nghĩ trong hoàn cảnh như vậy, đoàn dân oán trách Môi se, rồi lớn tiếng với
Môi se có đúng không? Chúng ta để ý thấy
dân Y sơ ra ên hay trách móc tôi tớ Chúa quá! Việc dân Y sơ ra ên ra khỏi xứ Ê
díp tô là do họ làm tôi mọi quá khổ cực, họ kêu cầu xin Chúa giải cứu họ. Chúa
kêu gọi Môi se phục vụ Chúa để dẫn họ ra khỏi Ê díp tô là nhà nô lệ. Khi gặp hoạn nạn, dân chúng buồn cho thân họ,
trái lại Môi se là người hầu việc Chúa, không phải Ông chỉ lo cho thân Ông,
nhưng Ông lo lắng cho mọi người, không phải Ông chỉ lo tìm nước uống, nhưng Ông
còn lo chỗ ở, lo thức ăn, lo sức khỏe cho cả đoàn dân. Chúng ta hãy nghe tâm
tình của Phao lô để biết tấm lòng của một người hầu việc Chúa. Ông nói tôi “… chịu
khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn…. Còn
chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.…
Nào có ai vấp ngã mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” (2 Cô rinh tô 11: 27-29).
Trong
những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, Ðức Chúa Trời đều đã giải cứu dân Y sơ ra
ên, đáng lẽ bây giờ họ đến nói với Môi se rằng: “Thưa Ông Môi se đã 3 ngày rồi
chúng tôi không có nước, nhất là nước uống. Bây giờ chúng tôi tìm thấy nước,
nhưng lại là nước đắng. Xin Ông cầu nguyện Chúa cho chúng tôi.” Nếu vậy Môi se
sẽ cùng với họ cầu nguyện với Chúa. Chúa sẽ giải cứu họ. Nhưng họ chỉ la hoảng
với Môi se: “Chúng tôi lấy chi uống?” (15:24)
Thưa Quý vị, trong đời sống gia
đình, nhiều khi chúng ta cũng gặp hoàn cảnh khó khăn, bế tắc không biết tính
sao? Những lúc đó không phải là lúc chúng ta bực dọc rồi la người nầy, trách
người kia, không giải quyết được gì cả. Nhưng lúc đó là lúc chúng ta phải bình
tỉnh. Chúng ta nên mời vợ, mời chồng, mời cha mẹ, mời con cái ngồi lại cùng
nhau cầu nguyện với Chúa, cầu xin Chúa hướng dẫn, cầu xin Chúa soi sáng, để
chúng ta biết chọn con đường đẹp Ý Chúa, để giải quyết vấn đề khó khăn trong
gia đình.
Trong
Hội Thánh, trong sở làm của chúng ta cũng vậy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại
chỗ nào, khi gặp khó khăn, chúng ta cũng nên cầu nguyện với Chúa ngay và thiết
tha cầu xin Ngài thương xót giải quyết cho hoàn cảnh khó mà chúng ta đang gặp.
Ðức Thánh Linh sẽ dẫn dắt, chỉ dạy chúng ta hành động theo ý của Ngài.
Khi
bị dân Y sơ ra ên trách móc phiền hà, Môi se cầu khẩn cùng Ðức Chúa Trời. Một lần
nữa, chúng ta nên học cách giải quyết khó khăn của Môi se. Khi Ông gặp khó
khăn, Ông đến với Chúa, chớ không tìm cách cãi vã với dân sự. Ðức Chúa Trời đáp
lời cho Môi se bằng cách “chỉ cho Môi se một cây gỗ, người lấy liệng
xuống nước, nước bèn hóa ra ngọt.” (Xuất Ê díp tô ký 15:25).
Vậy
thì người đặt lòng tin nơi Chúa như Môi se không bị cảnh bế tắc. Vì Ðức Chúa Trời sẵn sàng giúp đỡ những ai
trông đợi Ngài. Ða vít khẳng định rằng: “Thật, chẳng ai trông cậy Ngài mà bị hổ thẹn.”
(Thi thiên 25: 5). Cả đoàn dân thiếu nước đã ba ngày. Ðây quả là sự khó khăn lớn
lao đối với mọi người, kể cả Môi se. Nhưng đối với Ðức Chúa Trời thì quá dễ
dàng. Ngài chỉ cần bảo Môi se dùng một cây gỗ liệng xuống nước, nước đắng trở
thành nước ngọt!
Thưa
Quý vị, bài học nầy giúp chúng ta nhớ lại một cây gỗ. Tân Ước chép, Ðức Chúa
Jesus “…..gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho
chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình.” (1 Phi
e rơ 2:24). Vây cây gỗ ở đây là Thập tự
giá của Ðấng Christ.
Biết bao nhiêu cuộc đời đắng, đắng
lắm, đắng cho đến nỗi những người xung quanh chịu không nỗi. Nhưng khi người đó
bằng lòng tiếp nhận thập giá của Ðấng Christ, người đó được biến đổi, tấm lòng
đắng cay của người đó trở thành dòng nước ngọt ngào, dịu mát cho nhiều người
chung quanh.
Cuộc đời Phao lô đã là tấm gương rõ ràng về quyền
năng thập tự giá của Ðấng Christ. Phao lô chính là một người độc ác, Ông “hằng
ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi,” (Công vụ các Sứ đồ
9:1). Vậy mà từ ngày Ông bằng lòng quỳ gối dưới chân thập tự giá để ăn năn tội
với Chúa, cuộc đời Ông hoàn toàn đổi khác. Từ ngày đó trở đi, Ông không hề làm
khổ người khác, nhưng Ông lại vui lòng chịu khổ để giảng Ðạo Tin Lành,
giúp cho nhiều người khác biết Chúa và họ được Chúa cứu. Ðược như vậy ông tâm sự
với mọi người rằng: “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Ðức
Chúa Jêsus Christ chúng ta!” (Galati 6:14).
Tự xét lấy mình chính chúng ta có là dòng nước đắng
cho người khác không? Xin hãy đến với thập
giá của Ðức Chúa Jesus, để quyền năng của Ngài tái tạo chúng ta trở thành dòng
nước ngọt ngào cho những người xung quanh mình. Và những người đầu tiên được hưởng
sự ngọt ngào nầy là những người trong gia đình của chính mình.
Thưa
Quý vị, cho tới hôm nay thì dân Y sơ ra ên vượt qua Biển Ðỏ chỉ có 3 ngày gặp
ngay sự khó khăn là không nước uống. Việc khó khăn nầy xảy ra như vậy tốt hay xấu?
Sự khó khăn nầy xấu, vì làm cho mọi người phải lo âu. Nhưng nó cũng tốt để biết
tánh tình và khả năng của nhiều người. Có những người nói giỏi nhưng đụng chuyện
chỉ biết chạy loanh quanh chớ không làm được việc gì cả. Còn tệ hơn nữa là còn
đi trách người nầy, đổ thừa người kia. Trái lại có những người gặp khó thì rất
bình tỉnh, biết nhờ cậy Chúa, biết cách ứng xử, giải quyết vấn đề để giúp đỡ
nhiều người.
Trong
dịp nầy, chắc chắn Ông Môi se nhận biết rằng dân Y sơ ra ên rất dễ nãn lòng và
rất dễ “lằm bằm” người khác. Nhưng cũng nhờ dịp nầy, một lần nữa Ông Môi
se kinh nghiệm thêm quyền năng tuyệt vời của Ðức Chúa Trời. Do đó, đức tin của
Ông lớn thêm lên!
Cho
nên về phần chúng ta, sau khi gặp sự khó khăn, chúng ta nên ngồi lại cầu nguyện
với Chúa, xin Chúa chỉ dạy mình học được điều gì? Chúng ta có cần gần gũi Chúa cầu
nguyện với Chúa nhiều hơn không? Chúng ta cần học lời Chúa, đức tin chúng ta có
tăng trưởng lớn lên trong Chúa không?
Ðối với dân Y sơ ra ên, Ðức Chúa
Trời phán dạy họ rằng: “Nếu ngươi chăm chỉ nghe lời Giê-hô-va Ðức
Chúa Trời ngươi, làm sự ngay thẳng trước mặt Ngài,… thì ta chẳng giáng cho
ngươi một trong các bịnh nào mà ta đã giáng cho xứ Ê-díp-tô; vì ta là Ðức
Giê-hô-va, Ðấng chữa bịnh cho ngươi.” (Xuất Ê díp tô ký 15: 26).
Ðức Chúa Trời thật sự biết dân Y
sơ ra ên là những con người thích lằm bằm và mau quên ơn. Nhưng vì lòng nhơn từ,
Ðức Chúa Trời sẵn sàng dạy biểu họ làm những việc đẹp lòng Chúa để họ được phước.
Nhiều khi chúng ta làm việc
khác hơn tấm lòng của Chúa. Nếu giận ai, chúng ta không bắt lỗi là may lắm rồi,
có đâu chịu khó dạy những điều phải, quấy cho nghe! Nhiều khi chúng ta
nghĩ thầm: “Giận rồi, ta không thèm nói, cho chết rán chịu!”
Ở đây, dân Y sơ ra ên dù đáng
trách, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn bày tỏ tấm lòng yêu thương dỗ về họ. Ngài hứa rằng: “Nếu họ tuân theo những điều Chúa phán dặn, Ngài sẽ không giáng bịnh hoạn
cho họ, trái lại Ngài còn chữa bịnh cho họ.”
Theo Quý vị thì bịnh nào khó chịu nhất. Chúng ta thấy
bịnh nhức đầu, bịnh đau bụng, bịnh nhức răng, bịnh nào cũng khó chịu cả. Nhưng
đối với Môi se thì có một bịnh Ông rất sợ. Ðó là bịnh “lằm bằm” của dân Y sơ ra ên. Có lần “dân
Y-sơ-ra-ên lằm bằm cùng Môi-se và A-rôn…rằng: Chớ chi chúng tôi đã chết trong xứ
Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng nầy!” (Dân số ký 14:2).
Bịnh “lằm
bằm” có triệu chứng là hay trách móc, hay kiếm chuyện, hay cằn nhằn,
hay nói dai, nói dài không chịu ngừng lại. Bịnh lao phổi rất nguy hiểm vì truyền
nhiễm vi trùng gây ra “bịnh phổi”
cho người khác. Bịnh “lằm bằm” cũng truyền nhiểm, và cũng là nguyên nhân
gây ra bịnh “nhức óc” cho người
khác.
Kinh Thánh cho biết: “Dân sự
bèn lằm bằm, và điều đó chẳng đẹp tai Ðức Giê-hô-va.” (Dân số ký 11:1).
Xin Chúa cho
chúng ta đừng mắc bịnh “lằm bằm.” Nếu có, xin Chúa chữa lành cho chúng ta. Vì bịnh
nầy không tốt. Bịnh nầy gây nhức đầu và làm buồn phiền những người xung quanh.
Bịnh nầy khiến cho gia đình buồn tẻ, và khiến cho Hội Thánh mất vui, và nhất là
bịnh nầy Chúa không hài lòng.
Xin Chúa dạy cho mỗi chúng ta biết tuân phục lời Ngài
luôn. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành.
msthanh18@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét