084 - DÂN Y SƠ RA ÊN NHỚ NỒI THỊT (Xuất Ê díp tô ký 16:1-19).

Ở Ma ra, Sau khi dân chúng có nước ngọt để dùng thì Ðức Chúa Trời dẫn họ “đến đất Ê-lim; nơi đó có mười hai suối nước, và bảy mươi cây chà là; dân sự đóng trại tại đó, gần bên suối nước.” (Xuất Ê díp tô ký 15: 27). Trong Sa mạc rất khó tìm nước, thế mà nay dân Y sơ ra ên có mười hai suối nước để xử dụng, thật là có phước. Nếu chịu suy nghĩ, dân Y sơ ra ên sẽ thấy rằng trong sự chăn dắt của Chúa, Ngài cung cấp nhu cầu cho họ không bị thiếu thốn.  Ðúng như tác giả Thi thiên viết: "Ðức Giê hô va là Ðấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì." (Thi thiên 23:1).
           Từ đất Ê lim cả đoàn dân Y sơ ra ên đi đến đồng vắng Sin.  Ở tại đây dân Y sơ ra ên không thèm nước, nhưng thèm thịt. Họ oán trách hai Ông Môi se và A-rôn rằng: “Ôi! thà rằng chúng tôi chịu chết về tay Ðức Giê-hô-va tại xứ Ê-díp-tô, khi còn ngồi kề nồi thịt và ăn bánh chán hê!” (Xuất Ê díp tô ký 16:3). Chúng ta còn nhờ khi không có nước, dân Y sơ ra ên la hoảng rằng: “Chúng tôi lấy chi uống?” (Xuất Ê díp tô ký 15:24). Bây giờ dư thừa nước, họ đòi ăn thịt! Thật là lòng ham muốn không bao giờ thỏa mãn!
          Ðức Chúa Trời cố ý dẫn dân Y sơ ra ên ra đi khỏi phải làm nô lệ cho dân Ê díp tô, để biệt riêng họ ra làm một dân thánh của Ðức Chúa Trời. Họ nói thà cải lịnh Ðức Chúa Trời và bị Ngài giết, mà được ăn thịt và ăn bánh thì họ thấy thích hơn.  Ồ, vậy thì miếng ăn đối với dân Y sơ ra ên lớn quá!
            Thưa Quý vị, khi làm nô lệ bị đày đọa, dân Y-sơ-ra-ên than thở kêu van vì phải phục dịch khổ sở; tiếng kêu van lên thấu Ðức Chúa Trời.” (Xuất Ê díp tô ký 2:23). Ðức Chúa Trời sai Môi se đến trước mặt Pha ra ôn xin cho họ ra đi. Vua Pha ra ôn không bằng lòng, Ðức Chúa Trời phải đưa cánh tay quyền năng của Ngài làm bao nhiêu phép lạ để buộc vua phải cho họ ra đi tự do. Khi đến Biển đỏ, đoàn quân Pha ra ôn đuổi theo, Ðức Chúa Trời ban phép lạ rẽ nước biển chia ra hai bên, làm thành con đường cho họ đi qua như đi trên đất khô. Ðến xứ Ma ra, Ðức Chúa Trời ban phép lạ hóa nước đắng thành nước ngọt cho họ uống và xử dụng.
            Bây giờ họ đi đến đồng vắng Sin, xa kẻ thù, họ ngồi nhớ lại những ngày qua, họ nhớ về xứ Ai cập. Dân Y sơ ra ên đã nhớ gì? Họ nhớ thịt và nhớ bánh! Người ta nói rằng: “Ăn để sống; chớ không phải sống để ăn.” Trong trường hợp dân Y sơ ra ên, dù họ có thịt có bánh để ăn trong Ai cập, nhưng không phải họ tự do ăn. Họ phải làm nô lệ mới có ăn. Miếng ăn của họ phải đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Có khi còn phải nhục nhã, phải bị mắng nhiếc, bị đánh đập mới có ăn. Thế mà nay họ chỉ nhớ miếng ăn chớ không nhớ quyền năng lớn lao mà Ðức Chúa Trời đã thực hiện để giải cứu họ. Thoát khỏi nô lệ, thoát khỏi đoàn quân Ai cập, là do Ðức Chúa Trời đã làm ơn giải thoát họ. Họ phải biết ơn Ðức Chúa Trời chớ!  Thế mà họ chỉ buông lời oán trách, chớ không phải lời cám ơn Chúa.
           Thưa Quý vị, hôm nay trong cuộc sống, chúng ta nhớ gì về dĩ vãng? Quý vị nhớ lại dù có những ngày sống khó khăn, nhưng Chúa vẫn ở cùng và tiếp trợ cho chúng ta, bây giờ chúng ta oán trách Chúa hay là cảm tạ ơn Ngài? Nếu chúng ta có tấm lòng cảm tạ ơn Chúa, thì chúng ta có sống như một cuộc đời biết cám ơn Chúa hay không?
            Khi đi giảng đạo, Ðức Chúa Jesus gặp mười người phung. Họ thưa với Ðức Chúa Jesus: … lạy Thầy, xin thương xót chúng tôi cùng!” (Luca 17:13). Ðức Chúa Jesus động lòng thương chữa lành cho cả mười người và bảo họ đi trình diện cùng các thầy tế lễ. Khi nhận ra mình được chữa lành, Quý vị còn nhớ không, bao nhiêu người phung trong số mười người nầy trở lại cảm tạ ơn Chúa? Chỉ có một người thôi!  Ðức Chúa Jesus hỏi rằng: “Còn chín người kia ở đâu?” (Lu ca 17: 17). Ðức Chúa Jesus không đòi hỏi chín người kia phải cám ơn Ngài đâu, nhưng Ngài muốn họ nên làm điều đáng phải làm.
  Nhớ về dĩ vãng, dân Y sơ ra ên đang nhớ gì và mỗi chúng ta đang nhớ gì?  Chúng ta có nhớ lại những ơn lành mà Ðức Chúa Trời đã thực hiện để cứu giúp, để ban phước cho mỗi chúng ta bao năm qua và cho tới ngày hôm nay không, hay quên hết những điều Chúa đã thực hiện cho đời sống của mình? Ðức Chúa Trời muốn mỗi chúng ta nên làm điều đáng phải làm.
           Oán trách hai Ông Môi se và A-rôn, Dân Y sơ ra ên nói rằng: Vì hai người dẫn dắt chúng tôi vào nơi đồng vắng nầy đều bị chết đói.” (Xuất Ê díp tô ký 16:3). Dân Y sơ ra ên oán trách Môi se và A-rôn. Hai Ông là tôi tớ của Ðức Chúa Trời. Hai Ông vâng lịnh Chúa hầu việc Ngài giữa vòng dân Y sơ ra ên. Hai Ông dẫn dắt họ là theo ý của Chúa sai bảo họ. Họ oán trách hai tôi tớ của Chúa chính là họ đã oán trách Chúa. Môi se nói cho dân Y sơ ra ên biết rằng: “Chúng ta là ai mà các ngươi oán trách chúng ta? …Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi.” (Xuất Ê díp tô ký 16: 7-8).
          Khi một con dân của Chúa oán trách Ngài thì có nên không? Có phước không? Chắc chắn là không! Vì vậy chúng ta phải cẩn thận, vì khi chúng ta oán trách một tôi tớ của Chúa, coi chừng chúng ta đã vô tình oán trách Ðức Chúa Trời.
          Nghe dân Y sơ ra ên đòi ăn thịt, ăn bánh, Ðức Chúa Trời phán cùng Môi se rằng: “…Ta sẽ từ trên trời cao làm mưa bánh xuống cho các ngươi.” (Xuất Ê díp tô ký 16:4). Có lẽ học tới đây, chúng ta nói dân Y sơ ra ên sung sướng quá, khi họ thiếu thốn bánh ăn Ðức Chúa Trời từ trên trời ban bánh cho họ.
          Nhưng chúng ta nên tự hỏi: “Ngày nay Ðức Chúa Trời có ban bánh đủ ăn cho chúng ta là những con dân của Ngài không?” Thật, Ðức Chúa Trời có ban cho chúng ta đủ sự cần dùng mỗi ngày. Cảm ơn Chúa. Ðức Chúa Trời yêu thương chúng ta cho đến nỗi Ngài phán rằng: "Ðờn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đờn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi." (Ê sai 49:15)
           Môi-se nói cùng A-rôn và cả hội chúng Y-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi hãy đến trước mặt Ðức Giê-hô-va. Khi A-rôn nói chuyện cùng dân Y sơ ra ên, thì họ thấy “vinh quang của Ðức Chúa Trời hiện ra trong đám mây.” (Xuất Ê díp tô ký 16:10).
          Dân Y sơ ra ên lo về việc ăn uống. Họ nhớ nồi thịt, nồi bánh nhưng Ðức Chúa Trời muốn họ thấy vinh quang Ðức Chúa Trời trước hơn việc ăn uống. Khi đề cập đến cuộc sống hằng ngày chính Ðức Chúa Giê su dạy chúng ta rằng: “… các ngươi chớ lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? uống gì? mặc gì? …. Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Ðức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma thi ơ  6: 31-33).
           Thông thường thì trong việc ăn uống và việc tìm kiếm Ðức Chúa Trời chúng ta đặt ưu tiên khác hơn Ðức Chúa Giê su dạy. Ðức Chúa Giê su dạy chúng ta,
-     Tìm kiếm sự vinh hiển Chúa trước, tìm kiếm Ngài trước, tìm kiếm Nước Ðức Chúa Trời trước, rồi sau đó sẽ lo lắng về của cải tiền bạc, ăn gì, mặc gì?
-     Còn chúng ta thì tìm tiền bạc trước, của cải, giàu sang trước hơn là tìm kiếm Chúa.  Nghĩa là chúng ta làm nghịch lại điều Chúa dạy.
              Mỗi chúng ta nên học Kinh Thánh tìm hiểu Ý Chúa để sống theo Ý Ngài. Như vậy chúng ta mới được phước.
Ðức Chúa Trời phán: “…Lối chiều các ngươi sẽ ăn thịt; sáng mai sẽ ăn bánh no nê.” (Xuất Ê díp tô ký 16:12). Vào buổi chiều, có chim cút bay lên phủ trên trại quân; đến sáng mai lại có một lớp sương ở chung quanh trại quân. Lớp sương đó tan đi, dân Y sơ ra ên thấy có vật chi nhỏ, tròn, như hột sương đóng trên mặt đất. Họ bèn hỏi nhau rằng: Cái chi vậy? Môi-se bèn nói cùng dân sự rằng: Ấy là bánh Ma na, Ðức Giê-hô-va ban cho các ngươi làm lương thực đó.
Về bánh nầy, Ðức Chúa Trời có phán dặn: “Hãy tùy sức ăn của mỗi người, và tùy số người trong trại mà góp cho mỗi người một ô-me…. Môi-se nói cùng dân sự rằng: Ðừng ai để dư lại cho đến sáng mai.” (Xuất Ê díp tô ký 16: 16, 19). Sau khi họ lượm đủ ăn, mặt trời lên, nắng nóng thì vật nầy tan mất.
Ðức Chúa Trời bảo mỗi người chỉ lượm đủ ăn tùy sức của mình thôi. Ðừng để lại sáng mai. Quý vị nghĩ sao?  Bánh từ trời rơi xuống, không cho để dành ngày mai. Rủi mà mai không có thì lấy gì ăn, nhịn đói sao? Cũng vậy. Chúa bảo làm việc một tuần sáu ngày dành ngày Chúa nhật thờ phượng Chúa. Ồ, nếu vậy Chúa nhật không làm thêm sao, phải làm thêm để dư chút đỉnh chớ! Mình muốn dư chút đỉnh, còn Kinh Thánh thì dạy: “Ðủ ăn, đủ mặc phải thỏa lòng.” (1 Ti mô thê 6: 8). Vậy nghe Lời Chúa dạy hay nghe túi tiền đây?
Ðức Chúa Giê su dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.” Có ai dám sửa lại: “Xin cho chúng con đồ ăn, đồ xài, mỗi ngày đều dư, không?” Chúa bảo “đừng để đến sáng mai” có nghĩa là Chúa muốn chúng ta siêng năng làm việc mỗi ngày nhưng đừng tham lam mong để dành dư dả để làm giàu. Vì Chúa dạy: "… ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy." (Ma thi ơ 6:34).
Về lương thực thuộc linh là Lời Ðức Chúa Trời, trong Kinh Thánh, Chúa muốn bao lâu chúng ta lượm một lần?  Chúa muốn chúng ta lượm mỗi ngày. Nghĩa là Lời Chúa chúng ta phải “suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo …. như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.” (Giô suê 1:8). Câu nầy có nghĩa là nếu chúng ta không cẩn thận làm theo Lời Chúa mỗi ngày, thì chúng ta sẽ “không được may mắn trong con đường mình, và không  được phước.” Mỗi chúng ta muốn con đường nào?
         Cầu xin Chúa ban ơn dạy dỗ bởi Đức Thánh Linh để mỗi chúng ta biết tuân giữ Lời Ngài.  A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét