082 - ÐỨC TIN THẤY ÐƯỢC QUYỀN NĂNG (Xuất 14: 21-27).

               Sau khi dân Y sơ ra ên đi ra khỏi Ai cập, thì Pha ra ôn và quần thần triều đình đuổi theo để bắt họ lại làm tôi mọi nữa. Kinh Thánh chép: “Người Ê-díp-tô và cả ngựa xe, lính kỵ, cùng toán binh của Pha-ra-ôn đều đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê díp tô ký 14:9). Dân Y-sơ-ra-ên thấy dân Ê-díp-tô đuổi theo lấy làm kinh hãi, khiếp sợ. Nhưng Môi se nói với họ rằng: “Chớ  sợ, hãy ở đó…. Ðức Giê hô va sẽ chiến đấu  cho, còn các ngươi thì cứ  yên lặng.” (Xuất Ê díp tô ký 14: 13-14).
                Học về việc nên yên lặng hay nói ra, thông thường chúng ta hay khuyến khích các con dân của Chúa đứng lên giữa Hội Thánh cầu nguyện hoặc là làm chứng lại những ơn phước của Chúa. Nhưng có vài người nói rằng: “Nói không quen, ngại quá!” Thưa Quý vị, theo Quý vị thì nói là khó hay yên lặng là khó?  Thật ra nói cũng khó mà yên lặng cũng khó.
        Nói khó là vì: “….khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê phê sô 4:29).  Nghĩa là khi cần nói thì nói những lời có ích cho người nghe. Ðừng nói những lời làm cho người nghe phải ngượng, đừng nói những lời làm cho người khác nổi giận…
                Người Việt Nam có câu rằng: “Biết thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.” Gia cơ dạy chúng ta rằng: “Hỡi anh em yêu dấu, …. người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói.” (Gia 1:19).
                Tại sao giặc đến mà Môi se lại đi dặn dân chúng rằng: “Hãy yên lặng?” Có lẽ tại họ nói nhiều quá! Họ nói nhiều không giải quyết được gì vẫn nói. Có những người rất thích nói. Nói hoài không nghỉ. Xin nhớ Kinh Thánh dạy: “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.” (Châm ngôn 10:19). Người khôn ngoan thường nói ít. Trong gia đình mà vợ hay chồng nói nhiều quá người kia sợ lắm!
                Khi bị quân Ai cập đuổi theo, Môi se bảo dân Y sơ ra ên hãy yên lặng, Ðức Giê hô va sẽ chiến đấu cho. Nhưng cho tới giờ nầy thì không thấy Ðức Giê hô va ra tay giúp cho họ, còn giặc thì gần tới rồi. Môi se kêu cầu cùng Chúa. Ông trình dâng lên Chúa hoàn cảnh nguy nan: Phía sau giặc đuổi theo, phía trước là Biển đỏ, xin Chúa giúp chúng con. Bây giờ Chúa ra lịnh cho Môi se rằng: “Hãy bảo dân Y-sơ-ra-ên cứ đi; còn ngươi hãy giơ gậy lên, đưa tay trên mặt biển, phân rẽ nước ra, thì dân Y-sơ-ra-ên sẽ xuống biển đi như trên đất cạn.” (Xuất Ê díp tô ký 14:16). Môi se vâng lời Chúa. Ông bảo đoàn dân: “Cứ đi tới.” Nếu có Quý vị trong đoàn dân nầy Quý vị tính sao, có dám cứ đi hay không? Vâng lời hay không vâng lời? Ði tới có nghĩa là dẫn vợ con và đem của cải gia tài bước xuống nước. Nếu cãi lại là không tin nơi Chúa. Nhưng tin, thì khó tin quá! Từ trước tới giờ có ai làm cạn được nước biển bằng cách đưa cây gậy lên mà nước biển lại phân rẽ ra làm thành con đường như trên đất cạn để đi được đâu! Sao dễ quá vậy? Rủi mình đang đi giữa hai bên nước phân rẽ mà nước hai bên chập lại thì chết hết!
                Thưa Quý vị, bây giờ trở lại với chúng ta. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rằng: “Ai tin Con  thì được sự sống đời đời.” (Giăng 3:36). Sao dễ quá vậy? Ðến khi gặp Chúa, Chúa đổi ý, Ngài nói: “Ta không cứu hết những ai tin đâu. Ta chỉ cứu một số thôi!” Nếu Chúa đổi ý, chúng ta chết cả đám. Quý vị tính sao? Quý vị vững lòng tin Chúa hay là từ chối lời Ngài, vì sợ Chúa đổi ý? Ðể trả lời câu hỏi nầy, tác giả Hê bơ rơ dặn mỗi chúng ta rằng: “Về phần chúng ta, nào phải là kẻ lui đi cho hư mất đâu, bèn là kẻ giữ đức tin cho linh hồn được cứu rỗi.” (Hê bơ rơ 10:39).
      Cám tạ ơn Chúa, Môi se đặt hết niềm tin nơi Chúa. Ông bảo dân sự “cứ đi tới.” Dân Y sơ ra ên vâng lịnh cứ bước tới. Bấy giờ “Môi-se giơ tay ra trên biển, Ðức Giê-hô-va dẫn trận gió Ðông thổi mạnh đến đùa nước biển lại trọn cả đêm; Ngài làm cho biển bày ra khô, nước phân rẽ.” (Xuất Ê díp tô ký 14:21).
                Ðây là phép lạ, Ðức Chúa Trời khiến cho nước rẽ ra hai bên làm thành một con đường đi dưới đáy biển. Nhờ đó toàn thể hơn hai triệu dân Y sơ ra ên đi ngang qua đó, thoát khỏi dân Ai cập, được hoàn toàn bình an. Nhưng xin Qúy vị suy nghĩ, nếu Môi se không tin và không vâng lời Chúa, thì phép lạ có xảy ra không?  Ngày nay, là con dân của Chúa, chúng ta phải tin Chúa và vâng lời của Ngài, chúng ta mới thấy được quyền năng của Chúa và mới được phước. 
                Khi người Ai cập rượt đuổi dân Y sơ ra ên tới Biển đỏ, họ thấy có một con đường khô cạn và dân Y sơ ra ên đã đi ngang qua Biển bình an. Họ hăng hái đổ quân vào con đường đó để đuổi theo để bắt dân Y sơ ra ên. Kinh Thánh cho biết: “đến canh sáng, Ðức Giê-hô-va ở trong lòng trụ mây và lửa, nhìn ra thấy trại quân Ê-díp-tô, bèn làm cho họ phải rối loạn. Ngài tháo bánh xe của họ, khiến họ dẫn dắt cực nhọc.” (Xuất Ê díp tô ký 14: 24-25).  Tại sao Ðức Chúa Trời làm cho đoàn quân Ai-cập bị rối loạn? Tại sao Ngài tháo bánh xe của họ? Tại vì quân đội Ai cập đang hành quân để làm hại con dân của Chúa. Ðối với con dân của Chúa, Ngài phán rằng: “….ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài.” (Xa cha ri 2:8). Ðức Chúa Trời rất thương yêu con dân của Ngài, nên Ngài bênh vực họ, ai cố tâm hại họ không được bình an.
                Khi dân Y sơ ra ên đi lên khỏi mé biển thì Ðức Giê hô va phán cùng Môi se rằng: “Hãy giơ tay ngươi ra trên biển, nước sẽ trở lại  lấp người Ê-díp-tô, binh xa và lính kỵ của chúng.  Môi-se bèn giơ tay mình ra trên biển, lối sáng mai, nước lấp phủ đáy biển trở lại, người Ê-díp-tô chạy trốn bị nước chận; vậy Ðức Giê-hô-va xô họ xuống giữa biển.” (Xuất Ê díp tô ký 14: 26-27).
                Khung cảnh chúng ta học hôm nay là hình ảnh của đoàn đoàn quân vua Pha ra ôn đuổi theo bắt người Y sơ ra ên trở lại làm nô lệ. Còn đoàn dân Y sơ ra ên không khí giới, không lính kỵ cố sức vừa than thở, vừa chạy. Môi se nói với đoàn dân rằng: “Ðức Giê-hô-va sẽ chiến đấu  cho, còn các ngươi cứ yên lặng.” (Xuất Ê díp tô ký 14: 14). Thật sự Ðức Giê hô va đã chiến đấu cùng Pha ra ôn, chớ dân Y sơ ra ên không chiến đấu gì cả. Kết quả là: “Ðức Giê hô va đã xô người Ê díp tô chết ở giữa biển.” Trong chiến trận nầy vua, quan người Ai cập dù hùng mạnh bậc nhất thời đó đã phải thua một trận không còn manh giáp. Tại sao họ thua lớn lao như vậy. Tại vì họ chống cự lại Ðức Chúa Trời.
                Kinh Thánh nói rằng: “Nước nào có Giê-hô-va làm Ðức Chúa Trời mình, ……….. có phước thay!” (Thi Thiên 33:12).  Nghĩa là Nước nào chống lại Ðức Chúa Trời thật là khổ thay! Vua Pha ra ôn không nhận Ðức Giê hô va làm Ðức Chúa Trời của Ông. Ông chống lại Ðức Chúa Trời khiến cho biết bao tai vạ xảy ra trên nước của Ông và ngày nay thì đoàn quân hùng mạnh của Ông phải thất trận và bị chết chìm dưới đáy biển, thật là khổ thay!
                Xin mời Quý vị suy nghĩ: Khi Ðức Chúa Trời cho nước biển lấp con đường đi ở dưới biển trở lại đầy nước như trước, thì có ý nghĩa gì đối với dân Y sơ ra ên?
        Thứ nhất, khi Ðức Chúa Trời cho biển nước lấp lại để  dân Y sơ ra ên thấy quyền năng lớn lao của Ðức Chúa Trời ngay trước mắt họ, chớ không phải do ai nói lại. Ðiều nầy rất quan trọng. Vì khi còn ở trong xứ Ai cập, thì có những người Y sơ ra ên đã sa ngã đi thờ “hình tượng của Ê díp tô.” (Ê xê chi ên 20:7-8). Nghĩa là họ coi hình tượng là cao hơn Giê hô va Ðức Chúa Trời của họ. Bây giờ đứng trước quyền năng lớn lao nầy, dân Y sơ ra ên phải nhận và tin rằng Ðức Giê hô va là Ðức Chúa Trời của họ. Họ không được quyền lay chuyển đức tin nữa.
           Thứ hai, khi Ðức Chúa Trời cho nước biển lấp lại con đường đã đi có nghĩa là Ngài không muốn họ trở lại con đường cũ nầy nữa. Con đường trở lại đã khóa chặt rồi. Ngài không muốn họ trở lại làm tôi mọi dân Ai cập nữa.
           Cũng vậy, trước kia, chưa biết Chúa, chúng ta làm tôi mọi cho ma quỷ. Ma quỷ sai khiến chúng ta làm những điều trái ý của Ðức Chúa Trời, phạm nhiều tội lỗi với Ngài. Nay được Chúa giải thoát khỏi tội lỗi rồi, chúng ta nhờ cậy Chúa đừng trở lại con đường cũ phạm tội với Chúa nữa, không thờ lạy ma quỷ nữa.
            Thưa Quý vị, chúng ta thấy rõ ràng dân Y sơ ra ên bước trên con đường Chúa rẽ nước ra để đi ngang qua Biển, rồi dân Ai cập cũng đi con đường đó để đi ngang qua Biển. Thế nhưng, tại sao cùng một con đường mà dân Y sơ ra ên đi thì sống, còn dân Ai cập đi thì chết? Tại vì,
     -    Dân Y sơ ra ên đi con đường đó là tuân lịnh Chúa lấy đức tin bước theo sự chỉ dạy của Chúa, để cầu xin sự cứu chuộc của Ngài.
    -    Dân Ai cập cũng đi con đường đó, nhưng không phải đi vì tin Chúa, mà họ đi vì ý riêng để tìm cách bắt bớ con dân của Chúa, chống lại ý của Chúa.
Học điều nầy chúng ta nhìn lại trong Hội Thánh. Cũng là một con đường đi nhà thờ,  nhưng có người đi được phước, trái lại có người đi không được phước. Tại sao?
    -    Tại vì người nầy đến nhà thờ để thờ phượng Chúa, để học về Chúa càng ngày càng biết Chúa, để hầu việc Chúa.
    -    Còn người kia đi đến nhà thờ để tìm cách bắt bớ người nầy, kiếm chuyện với người khác. Họ đến nhà thờ để chỉ trích, để làm cho công việc Chúa khó khăn, cho nên họ không được phước.
                Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta đi con đường của Chúa, không phải để làm khó khăn công việc Chúa, nhưng vì đặt đức tin nơi Chúa để tìm cầu sự cứu rỗi của Chúa, để tôn thờ Chúa và làm vinh hiển Danh Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét