077 - TAI VẠ THÊM NHIỀU Ở AI CẬP (Xuất 9: 13-35).

         Thưa Quý vị, chúng ta đang học câu chuyện Ðức Chúa Trời sai hai tôi tớ Ngài là Môi se và A rôn ra mắt vua Pha ra ôn nữa, để xin cho dân Y sơ ra ên ra đi tự do để thờ phượng Ðức Chúa Trời, nếu vua không chịu vâng lời Chúa, Ngài sẽ thêm tại vạ, cho cơn mưa đá lớn làm hư hại mùa màng cả xứ.
Bây giờ nhìn lại, Ðức Chúa Trời đã giáng 6 tai vạ cho vua và xứ Ê-díp-tô: (1) Sông bị hóa thành huyết, (2) loài ếch nhái, (3) muỗi, (4) ruồi mòng, (5) súc vật bị dịch lệ, (6) ghẻ chóc.
Xin Quý vị cho biết, qua 6 tai vạ, Ðức Chúa Trời thành công như Ý Ngài muốn chưa? Rõ ràng là chưa. Tại sao vậy? Ngài là Ðức Chúa Trời Toàn năng, tại sao Ý Ngài muốn chưa thành tựu?
Ðức Chúa Trời có phán cùng vua Pha ra ôn rằng: Nếu bây giờ, ta đã giơ tay ra hành hại ngươi bịnh dịch, thì ngươi cùng dân ngươi đều đã bị diệt khỏi đất rồi.” (Xuất Ê díp tô ký 9:15). Thưa Quý vị, Ðức Chúa Trời phán lời nầy và Ngài có khả năng thực hiện không? Nếu Ngài có quyền năng chỉ cần phán một tiếng để tiêu diệt vua Pha ra ôn và người Ai cập để dân Y sơ ra ên ra đi tự do, như ý định của Ngài. Vậy mà tại sao Ngài không thực hiện mà để cho tới ngày nay Ngài vẫn chưa thành công? Tại vì Ðức Chúa Trời nhơn từ. Ngài sẵn sàng nhịn nhục để chờ đợi vua Pha ra ôn ăn năn. Người ta nói “bất quá tam.” Nhưng bây giờ vua Pha ra ôn đã thất tín 6 lần, Chúa vẫn đợi chờ. Ôi, lòng của Chúa thật là hà hải bao dung, không chi có thể so sánh được.
Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói có những người bắt giết các tôi con của Chúa, đốt phá nhà thờ, cấm con dân Chúa nhóm lại thờ phượng, chúng ta đặt câu hỏi: “Tại sao Chúa không tiêu diệt mấy tên nầy, cho tôi con của Chúa tự do thờ phượng Ngài?” Bài học hôm nay cho chúng ta có câu trả lời cho câu hỏi trên. Câu trả lời là vì Chúa nhân từ, như Chúa đã nhân từ với Pha ra ôn.
Thật ra nếu ai phạm tội, Chúa giết hết, thì chắc chắn Quý vị và tôi không còn sống được cho tới hôm nay. Chúng ta còn sống cho tới ngày nay là nhờ Ðức Chúa Trời nhơn từ đối với chúng ta. Như tác giả Thi thiên đã nói: Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tôi luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời. Ngài không đãi chúng tôi theo tội lỗi chúng tôi, Cũng không báo trả chúng tôi tùy sự gian ác của chúng tôi.” (Thi Thiên 103:8-10). Cảm tạ ơn Chúa.
Pha ra ôn đã 6 lần thất hứa, nay Ðức Chúa Trời cho cơn mưa đá lớn xảy ra cho cả xứ Ai cập. Vâng lịnh Chúa, Môi-se bèn giơ gậy mình lên trời, “Đức Giê-hô-va làm cho sấm động, mưa đá sa, lửa chạy trên mặt đất. Vậy, Đức Giê-hô-va khiến mưa đá sa trên xứ Ê-díp-tô. Vả, có mưa đá sa xuống và lửa cháy rất mạnh pha lộn với, đến nỗi từ khi xứ Ê-díp-tô lập quốc đến giờ, chẳng có giống như vậy. Thế thì, trong cả xứ Ê-díp-tô, mưa đá làm hại mọi vật ở ngoài đồng, nào người ta, nào súc vật, nào rau-cỏ, và làm gãy cây cối nữa. Chỉ đất Gô-sen, là nơi dân Y-sơ-ra-ên ở, chẳng có mưa đá mà thôi.” (Xuất Ê díp tô ký 9: 23-26).
Tôi không rõ Quý vị có gặp mưa đá lớn hay chưa. Ở Melbourne, tôi thường thấy hột mưa đá lớn chừng bằng ngón tay út hoặc lớn thì bằng ngón tay cái. Nhưng khi ở Brisbane, tôi thấy có lần mưa đá, hột mưa bằng cái trứng gà hay cái trứng vịt, cửa kiếng nhiều nhà trong vùng bị vỡ, mui xe để ngoài sân bị móp lõm xuống, kiếng xe bị vỡ. Những dealer bán xe bị tổn hại rất nhiều. Mưa đá xong, ngày hôm sau báo chí tổng kết của cải trong vùng bị tiêu hao nhiều triệu Úc kim. Bấy giờ cả nước Ai cập, bị mưa đá như vậy thì thiệt hại biết bao nhiêu!
                Có một điều quan trọng rất nên để ý. Ðó là dù mưa đá cả nước Ê díp tô, nhưng “Đất Gô-sen, là nơi dân Y-sơ-ra-ên ở, chẳng có mưa đá.” (Xuất Ê díp tô ký 9: 26). Quý vị còn nhớ đất Gô-sen có lịch sử như thế nào không? Lúc Giô sép, con của Gia cốp làm quan Tể Tướng nước Ai cập, Giô sép đã giúp đất nước nầy thoát được cơn đói kém 7 năm kinh khiếp, vua Ai cập thời đó cắt đất Gô-sen biệt riêng cho 70 người con cháu Gia cốp ở, để đền ơn cho Giô sép. Việc nầy đã xảy ra cách đây khoảng 400 năm. Nay thì dân Y sơ ra ên già trẻ bé lớn tại Gô-sen, cộng lại khoảng hai triệu người.
Tại sao mưa đá, ruồi mồng, dịch lệ xảy đến cho cả xứ Ai cập, nhưng không hề xảy ra ở vùng đất Gô-sen? Tại vì nơi đó con dân của Chúa cư ngụ, Ngài gìn giữ họ “như con ngươi của mắt mình.” (Phuc truyen 32:10). Ngài thương yêu họ, bảo vệ họ. Kinh nghiệm được sự chăm sóc của Chúa, tác giả Thi Thiên nói với con dân của Ngài rằng: “Ngươi sẽ chẳng sợ hoặc sự kinh khiếp ban đêm, Hoặc tên bay ban ngày, Hoặc dịch lệ lây ra trong tối tăm, Hay là sự tàn diệt phá hoại đương lúc trưa. Sẽ có ngàn người sa ngã bên ngươi, Và muôn người sa ngã bên hữu ngươi. Song tai họa sẽ chẳng đến gần ngươi.” (Thi thiên 91: 5-7). Cám ơn Chúa, trong ơn thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời luôn luôn chăm sóc con dân của Ngài.
Mưa đá và những tai vạ đã xảy ra cho cả dân Ai cập, nhưng không xảy đến cho con dân của Chúa. Vua Pha ra ôn biết điều nầy không? Ông biết chớ. Tại vì trước đây trong nước Ông, súc vật bị dịch lệ “Pha-ra-ôn sai người đi xét, thấy chẳng có một con súc vật nào của dân Y-sơ-ra-ên chết hết.” (Xuất Ê díp tô ký 9:7). Ðiều nầy làm cho chúng ta dễ tức mình cho Ông vua Pha ra ôn.
Tức mình là việc sờ sờ trước mắt như vậy, tại sao vua không biết mọi việc xảy ra là bởi quyền năng của Ðức Chúa Trời Hằng sống. Nếu không bởi bàn tay của Ngài thì ai có quyền khiến cho muôn vàn cát bụi trong Ai cập trở thành muỗi, nhưng cát bụi ở Gô-sen thì cứ nằm yên, không trở thành muỗi? Nếu không bởi bàn tay quyền năng của Ðức Chúa Trời Hằng sống thì ai có quyền khiến cho cả xứ Ai cập bị mưa đá tàn hại, nhưng ở Gô-sen thì dân Y sơ ra ên cứ nhởn nhơ sống khỏe như thường? Tại sao việc xảy ra sờ sờ như vậy mà vua Pha ra ôn không biết cúi đầu thờ phượng Ðức Chúa Trời Toàn năng? Tại sao vậy? Tại vì Pha ra ôn  cứng lòng! Vì vậy đất nước của Ông lâm vào cảnh nạn tai!
Thưa Quý vị, có khi nào nghe tiếng Chúa phán, chúng ta hiểu lời dạy  của Chúa trong Kinh Thánh, nhưng chúng ta lại cứng lòng không chịu vâng theo Lời dạy của Ngài không? Tấm gương cứng lòng của Pha ra ôn không tốt, nhờ ơn Chúa chúng ta phải tránh.
Bị trận mưa đá nguy hiểm quá, vua đòi Môi-se đến mà phán rằng: “Lần nầy trẫm đã phạm tội; Ðức Giê-hô-va là công bình; trẫm cùng dân sự trẫm là kẻ phạm tội. Hãy cầu nguyện Ðức Giê-hô-va, hầu cho tan sấm sét và mưa đá; rồi trẫm sẽ tha các ngươi đi, không đợi lâu nữa đâu.” (Xuất Ê díp tô ký 9:27).  Quý vị nghe vua Pha ra ôn nói nghe có ngọt ngào không? Miệng nói vậy mà lòng không phải vậy.
Nhiều khi người ta nói bằng miệng, nhưng miệng nói có theo tiếng nói của tấm lòng hay không thì chúng ta rất khó biết. Có những người nói lời ngọt ngào, nhưng đáng sợ. Vì có khi: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao!"
Những người nầy dù nham hiểm thế mấy cũng không thể dối  được với Ðức Chúa Trời. Vì “loài người xem bề ngoài, nhưng Ðức Giê hô va nhìn thấy trong lòng.” (I Sa mu ên 16: 7b).
Nghe vua nói vậy, Môi se cầu nguyện xin Chúa cho hết mưa. Nhưng “Khi Pha-ra-ôn thấy mưa, mưa đá và sấm sét đã tạnh rồi, người và quần thần lại rắn lòng, cứ phạm tội nữa.” (Xuất Ê díp tô ký 9:34).  Ðọc những chữ “cứ phạm tội nữa” làm tôi nhớ lại chính chúng ta. Có khi nào chúng ta phạm tội với Chúa, chúng ta ăn năn hứa với Chúa là: “Con sẽ không...” nhưng rồi giống như Pha ra ôn “cứ phạm tội nữa” hay không? Trong bản chất yếu đuối của chúng ta, tội lỗi có mãnh lực mà sức riêng chúng ta không đủ để vượt qua. Chúng ta phải cầu xin Ðức Thánh Linh giúp chúng ta. Xin mỗi chúng ta nhớ rằng, là con của Chúa mà “cứ phạm tội nữa” thì Chúa không vui long, có khi Chúa trách phạt và chúng ta không được phước.
Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng. Ngài đã bày tỏ quyền năng của Ngài để cho vua Pha ra ôn và dân Ê díp tô biết rằng chỉ có một mình Ngài là Ðức Chúa Trời Hằng sống và là Ðức Chúa Trời quyền năng. Nhưng tiếc thay vì cứng lòng, nên Pha ra ôn không nhận biết chân lý nầy.
Vua Pha ra ôn lại phạm tội nữa. Ðức Chúa Trời sai Môi se trở lại và tâu rằng: “Ðức Chúa Trời có phán như vầy: Hãy tha dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta.  Nếu từ chối, … nầy, ngày mai ta sẽ sai cào cào đến địa phận ngươi; nó sẽ phủ rợp trên mặt đất, người ta chẳng còn thấy đất nữa.”  (Xuất Ê díp tô ký 10: 3-6).
                Nghe những lời cảnh cáo nầy, quần thần tâu cùng vua rằng: “Hãy tha dân ấy đi, để chúng nó hầu việc Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng nó! Bệ hạ chưa biết rằng nước Ê-díp-tô đã bị nguy vong sao?” (Xuất Ê díp tô ký 10: 7).
                Những lời quần thần tâu với vua Pha ra ôn những lời rất tốt. Sống trên đời nhiều khi chúng ta gặp hoàn cảnh khó khăn cần suy tính, chúng ta rất cần những ý kiến tốt để tìm phương cách tốt. Nhưng ý kiến dù tốt cách mấy mà cứng lòng không chịu nghe theo thì cũng không có kết quả tốt.
Là con dân của Chúa, chúng ta có Kinh Thánh là Lời Chúa dạy chúng ta những điều quý báu. Tác giả Hê bơ rơ ân cần nhắc nhở chúng ta rằng: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng.” (Hê bơ rơ 4:7). 
Vua Pha ra ôn được quần thần khuyên những lời tốt, nhưng vua không nghe. Vua đã trở thành một người ngạo mạng dám chống nghịch lại Ðức Chúa Trời. Do đó vua đã phải gánh chịu những đớn đau cho chính Ông, cho gia đình và cho cả đất nước của Ông.
                Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta biết rút ra được bài học quý báu qua Lời của Chúa hôm nay, để biết vâng lời Chúa sống trong Ý Chúa đẹp lòng Ngài. A men.
Mục sư Trần Hữu Thành.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét