Vì hết lương thực, nên các con của Gia cốp nài nỉ Ông cho họ dẫn Bên gia min đi Ai cập mua lúa. Giu đa hứa với Gia cốp rằng nếu Bên gia min có mệnh hệ gì, Giu đa hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vì hoàn cảnh không thể không đi mua lúa, nên Gia cốp buộc phải bằng lòng. Như vậy nay 10 con trai của Gia cốp đi Ai cập để mua lúa lần thứ hai, trong khi đó thì Si-mê-ôn đang bị bắt ở Ai cập làm con tin.
Khi
các anh em đến nơi, Giô sép nhìn thấy Bên gia min liền bảo quản gia đem tất cả
họ về nhà và giết gia súc làm thịt dọn cơm trưa. Lần trước, vì Giô sép muốn cho
họ tiền để chi xài khi đi đường, nên trên đường về các người anh thấy những gói
tiền mua lúa của họ được để lại trong các bao lúa của họ mà họ không biết tại
sao? Nay gặp lại quan Tể Tướng, và bị
Quan Tể Tướng ra lịnh dẫn họ về nhà, các anh em lo sợ quá bàn với nhau
rằng chắc họ sẽ bị quan Tể Tướng cầm tù. Họ mau mau đem số bạc ngày trước tìm
thấy trong các bao lúa đưa cho lại quản gia và thưa rằng: “Lần trước, chúng tôi vô tình tìm thấy những số tiền nầy trong các bao
lúa của chúng tôi, và nay xin trả lại cho Ông.” Quản
gia đáp rằng: “Mọi việc đều bình yên! đừng sợ chi cả!” (Sáng thế ký 43:23).
Ðoạn, người dẫn Si-mê-ôn đến cùng họ. “Khi Giô-sép trở về, các anh em bèn lấy của
lễ đã đem theo, dâng cho Giô-sép tại nhà; rồi cùng sấp mình xuống đất trước mặt
người.” (Sáng thế ký 43:26).
Chúng ta nhớ lại Giô sép khi xưa có nói cùng các anh
rằng: “Chúng ta đương ở ngoài đồng
bó lúa, nầy bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung
quanh, sấp mình xuống trước bó lúa tôi.” (Sáng
thế ký 37:7). Nghe như vậy, các anh đều nói: “Vậy, mầy
sẽ cai trị chúng ta sao? mầy sẽ hành-quyền trên chúng ta sao? Họ càng ganh ghét
hơn nữa, vì điềm chiêm bao và lời nói của chàng.” (Sáng
thế ký 37: 8). Ðức Chúa Trời cho Giô sép và các anh em chàng biết trước như vậy,
dù không ai biết diễn tiến sẽ như thế nào để có việc nầy, nhưng Ðức Chúa Trời biết.
Trong lòng các anh sinh ra ghét chàng. Nên họ cấu kết với nhau làm việc
ác: định giết chàng. Các anh ném
chàng xuống hố sâu, rồi chính họ kéo chàng lên bán đi làm nô lệ. Họ tin chắc chắn
chàng sẽ chết trong đọa đày khổ sai. Như vậy giấc chiêm bao không bao giờ thành
sự thật. Nhưng: “Mưu sự tại nhơn, thành
sự tại Thiên.” Ðúng như Kinh
Thánh dạy: “…. đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng
có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê rê mi 10: 23). Ngày
nay, quả thật mười một anh em Giô sép phải sấp mình xuống đất trước mặt chàng,
đúng như ý định của Ðức Chúa Trời. Ở đây chúng ta học được bài học là dù hoàn
cảnh xảy ra như thế nào đi nữa, Ðức Chúa Trời vẫn có quyền khiến cho mọi việc
diễn tiến theo Thánh ý của Ngài cho đời sống của chúng ta. Vì vậy người khôn
ngoan là người biết dâng cuộc đời mình cho Chúa. Như Kinh Thánh dạy: “…. trong
các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.” (Châm
ngôn 3:6).
Trưa về Giô sép ăn trưa với các
anh em. Giô sép hỏi thăm về gia đình của các anh. Nhìn Bên gia min, Giô sép hỏi:
“Ðó có phải con Út mà các ngươi nói cùng ta không?” Họ đáp: “Phải.” Tất cả những người anh của Giô sép đều
là những người anh cùng cha khác mẹ, chỉ có Bên gia min là em ruột của Giô sép.
Sau bao nhiêu năm xa cách bây giờ mới gặp lại đứa em trai. Thông thường lâu
ngày gặp nhau chúng ta thường nói câu gì?
- Anh mạnh giỏi không?
- Dạo nầy làm ăn khá không?
- Lâu gặp quá, chiều Thứ Bảy nầy tới nhà tôi ăn uống cho vui!
Còn Giô sép thì nói gì khi gặp người em?
Chàng nói: “Con Út ơi, cầu xin Ðức Chúa Trời làm ơn cho ngươi.” (Sáng thế
ký 43:29). Câu nầy có nghĩa gì? Ðây là lời cầu nguyện và cũng là lời chúc phước.
Trong tất cả những lời nói của chúng ta thì lời cầu nguyện cho nhau và lời chúc
phước cho nhau là những lời quý báu rất đáng nói. Quý con dân của Chúa khi từ
giả nhau nên nói: “Xin Chúa ban phước cho
anh.” Lời nói nầy rất tốt và đẹp lòng Chúa.
Sau đó Giô sép bảo quản gia dọn cơm đãi tất cả các anh em. Họ quay quần
bên bữa cơm do quan Tể Tướng thết đãi và ngơ ngẩn nhìn nhau. Lúc đó “Vì
thấy em mình, nên Giô-sép tấc lòng cảm động, lật đật bước ra ngoài, tìm nơi nào
đặng khóc.” (Sáng thế ký 43:30). Tại
sao Giô sép khóc? Tại vì lâu ngày Giô
sép mới gặp lại anh em và nhất là đứa em ruột mình. Tưởng là nghìn trùng xa
cách không bao giờ gặp lại; mà nay Chúa cho lại được có nhau. Ðúng là niềm vui
lớn trào dâng dòng lệ. Giô sép khóc vì quá đổi vui mừng!
Giô sép quá yêu thương anh em còn chúng ta có yêu thương ai không?
Có người trả lời là có: “Tôi yêu thương những người yêu thương
tôi.” Còn những người không yêu thương
mình thì sao?
- Chồng hoặc vợ tôi yêu thương tôi thì tôi thương lại, còn nếu không yêu
thương tôi thì tôi không yêu thương lại.
- Con cái tôi, cha mẹ tôi, anh em tôi yêu thương tôi thì tôi yêu thương lại,
còn nếu không yêu thương tôi thì tôi không yêu thương lại.
Nếu vậy thì không đẹp lòng Chúa. Vì Chúa dạy chúng ta: “Hãy
yêu thương kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi,” (Ma
thi ơ 5: 44). Phao lô dạy chúng ta tình yêu thương: “… chẳng kiếm tư lợi.” (1
Cô rinh tô 13:5). Tại sao Ông dạy như vậy?
Tại vì nếu ai yêu thương tôi, tôi mới yêu thương lại, thì tình yêu thương nầy
là tình yêu thương đổi chác, và có khi còn đổi chác kiếm lời: “Mình cho người
đó vài kí chơm chơm để người đó biếu mình món quà, nhiều tiền hơn.” Vậy là có lời!
Sau khi ăn Giô sép bảo Quản gia
rằng: “Hễ các người đó chở nổi bao nhiêu, thì hãy đổ lương thực cho họ đầy
bao bấy nhiêu, rồi để bạc của mỗi người lại nơi miệng bao của họ. Lại hãy để
cái chén bằng bạc ta tại miệng bao chung với bạc mua lúa của người út nữa.”
(Sáng thế ký 44: 1-2).
Giô sép bảo quản gia họ chở được
bao nhiêu, đổ đầy bao cho họ bấy nhiêu. Giô sép rộng rãi quá, hào phóng quá. Tại
vì Giô sép cố tình lo lương thực cho cha, cho mẹ, cho anh em và cho các cháu của
chàng. Chúng ta thấy Giô sép phản ảnh
mỹ đức của Ðức Chúa Trời. Ðó là Ðức Chúa Trời rất hào phóng với chúng ta. Ðức
Chúa Trời là Ðấng Tạo dựng chúng ta. Ngài là Cha Thiên Thượng của chúng ta. Ðức
Chúa Trời ban sự nhơn từ của Ngài đầy dẫy cho chúng ta, ban sự cứu rỗi của Ngài
thật to lớn cho chúng ta, ban ân điển của
Ngài dư dật cho chúng ta, ban tình yêu thương Ngài rộng bao la cho chúng ta. “Tạ
ơn Ðức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2 Cô rinh tô
9:15).
Sáng hôm sau các anh em của Giô
sép đi về. Có thể nói đây là giây phút họ hết sức vui mừng. Tại vì họ mua được
lúa, Si mê ôn được giao lại, và cậu Út Bên gia min cũng đi về bình an. Nhưng họ
đi một đổi xa thì người quản gia chạy theo và trách họ rằng:
- Tại
sao các ngươi lấy cấp cái chén của Quan Tể Tướng thường dùng để uống rượu và
xem bói?
- Không có. Ông cứ xét đi, ai lấy cái chén đó
thì sẽ chết.
- Thôi
được, để ta xét. Ai lấy chén đó sẽ làm tôi mọi cho ta.
Ðoạn
Quản gia xét và thấy cái chén đó ở trong bao lúa của Bên gia min. Các anh
đau khổ quá. Họ phải cùng nhau trở lại để gặp Quan Tể Tướng. Thật là niềm vui
chưa trọn, thì nỗi buồn đến nơi! Tại vì tội lỗi của các anh chưa được giải
quyết với Giô sép. Họ đã nói dối: “Kẻ tôi
tớ chúa có mười hai anh em, … nầy một người đã đi mất biệt, còn người út hiện
bây giờ hãy ở tại nhà cùng cha chúng tôi.” (Sáng
thế ký 42: 13). Nhưng có phải đứa em của họ đi mất biệt không? Hay là họ đã bán
nó làm nô lệ? Họ đã nói dối. Kinh Thánh
dạy rằng: “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; Nhưng ai xưng nó ra
và lìa bỏ nó sẽ được thương xót.” (Châm ngôn 28:13). Quý vị có lỗi nào với Chúa và còn giấu giếm với
Ngài không? Mỗi chúng ta phải xưng tội với
Chúa để xin sự thương xót tha thứ của Ngài, như vậy mới được phước.
Bấy giờ Giu đa nói với Quan Tể
Tướng là tất cả anh em xin chịu làm tôi mọi cho Quan Tể Tướng. Nhưng Quan Tể
Tướng nói là chỉ có Bên gia min làm tôi mọi cho ta còn các ngươi thì hãy ra về
bình an.
Giu đa thay mặt cho anh em giải
bày với Quan Tể Tướng để xin cho Bên gia min là con Út trở về cùng cha và nói
rằng: “Cha thương em út tôi lắm đến đỗi hai linh hồn khắng
khít nhau; nếu bây giờ, khi tôi trở về với cha tôi, mà không có em út đó, chắc
người sẽ chết. Nếu vậy, chúng tôi sẽ làm cha già tóc bạc của chúng tôi, … đau
lòng xót dạ xuống âm phủ.” Giu đa nói tiếp: “Vậy bây giờ, xin cho kẻ tôi tớ
chúa làm tôi mọi thế cho đứa trẻ, đặng
nó theo trở về cùng các anh mình.” (Sáng thế ký 44:33).
Thưa Quý vị, ở đây chúng ta thấy
Giu đa phản chiếu hình ảnh Ðức Chúa Jêsus. Giu đa bằng lòng gánh chịu hoàn toàn
mọi hình phạt thay cho Bên gia min. Ðức Chúa Jêsus cũng đã bằng lòng gánh chịu
tất cả hình phạt tội lỗi của Quý vị và tôi. Bao nhiêu nhục hình, bao nhiêu đoán
phạt vì tội lỗi của Quý vị và tôi, Ðức Chúa Jêsus bằng lòng chịu hết trên thập
giá. Ngài không kèo nài, không trả giá. Chúng ta là những người có tội và kết quả của "tội lỗi là sự chết" (Rô ma 6:23) thì Ðức
Chúa Jêsus đã bằng lòng chịu chết thay cho chúng ta. Ngài đã dâng “chính
mình Ngài làm tế lễ” ( Hê bơ rơ 7:27) chuộc tội cho chúng ta.
Sau khi nghe tất cả nỗi lòng của
Giu đa, Giô sép tha thứ cho các anh của Ông. Cũng vậy, qua nỗi lòng của Ðức
Chúa Jêsus chịu hết nhận hết tội lỗi của chúng ta và chịu chết thay cho chúng
ta, Ðức Chúa Trời đã bằng lòng tha thứ cho chúng ta. Cảm tạ ơn Chúa.
Trong tháng 5, cả nước Úc tổ
chức Lễ ANZ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh ngoài chiến trận để bảo vệ dân
tộc, đất nước. Những bài hát buồn, những lời truy điệu trổi lên thật là cảm
động. Nhìn vào những hình ảnh trong cuộc diễn hành hôm đó, tôi không thể quên
được một người. Ông nầy không nói gì, Ông chỉ cầm trên tay tấm bảng có viết mấy
chữ: “Dear Soldiers, We Thank You.”
Các anh chiến sĩ quý mến ơi, chúng tôi cám ơn các anh.
Quý anh chị em ơi, mỗi chúng ta
phải thưa với Ðức Chúa Jêsus rằng: “Chúa Jêsus ơi, con cám ơn Ngài đã chết cho
con.” A-men.
Mục
sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét