Sứ đồ Ma thi ơ giới
thiệu nguồn gốc về phần thể xác của Ðức Chúa Jesus là “con cháu Ða vít và con cháu Áp
ra ham.” (Ma thi ơ 1:1). Còn Sứ Ðồ Giăng thì giới thiệu nguồn gốc về
phần Thần Tính của Đức Chúa Giê su là “Ngôi
Lời.” Ngôi lời là Ngôi Hai Đức Chúa Trời. Ông nói: “Ban
đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Ðức Chúa
Trời..... Ngôi Lời đã trở nên xác thịt,
ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài,
thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.”
(Giăng 1: 1, 14).
Chúng ta cần học biết về Ðức Chúa Jêsus, để chúng ta vui mừng tôn thờ
Chúa và kế đến là chúng ta làm chứng về ơn cứu rỗi của Ngài cho người khác.
“Ngôi lời là Ðức Chúa Trời.”
(Giăng 1: 1). Hầu hết chúng ta là những
người Việt Nam đều nhận biết rằng Ông Trời, tức là Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo
Hóa. Kinh Thánh dạy rõ thêm cho chúng ta biết rằng Ðức Chúa Jêsus Christ, Ngôi Hai Đức Chúa Trời cũng là Ðấng Tạo Hóa. Vì “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã
làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1: 3).
Ngày nay với những tiến
bộ của khoa học, như người ta có thể ghép tim, ghép phổi, người ta có thể lấy
mẫu tế bào của một con vật rồi tạo nên một con vật khác giống như con vật đã
được lấy tế bào đó...... Nhìn vào những tiến bộ nầy có vài người vội vàng cho
rằng loài người đã cướp quyền Tạo hóa. Nhưng thật ra không ai cướp được quyền
Tạo Hóa, không ai tạo nên được sự sống cả. Chỉ có Ðức Chúa Jêsus “là
Sự sống” (Giăng 14:6), và Ngài có quyền ban sự sống. Ðức Chúa Jêsus phán:
“......
Cha khiến những kẻ chết sống lại và ban sự sống cho họ thể nào, thì Con cũng
ban sự sống cho kẻ Con muốn thể ấy.”
(Giăng 14:6). Ðức Chúa Jêsus đã thực hiện Lời phán nầy, khi La xa rơ đã chết, đến
nơi phần mộ, Ngài phán: “Hỡi La-xa-rơ, hãy ra! Người chết đi ra,”
(Giăng 11:43-44). Ngài đã ban sự sống
cho La xa rơ.
Cả nhân loại chìm sâu
vào tội lỗi, dưới bóng tối bởi sự áp chế của Sa tan. Loài người ở trong sự tối
tăm, không biết Ðấng Tạo Hóa của mình là ai?
Họ lầm lẫn cho đến nỗi đáng lẽ phải thờ phượng Ðức Chúa Trời là Chân
Thần, thì họ thờ phượng đủ hạng người, đủ hạng loài vật, họ thờ phượng kể cả
những cây cao bóng rậm nữa.
Ðức Chúa Jêsus là “Sự
sáng của loài người.” (Giăng 1:4). Ngài là Sự sáng từ trời đến thế
gian, để ban cho thế gian sự sáng và
Ngài dẫn dắt loài người đến với Ðức Chúa Trời là Nguồn Sự sống và Nguồn Cứu rỗi
của nhơn loại.
Trong khi mọi người bị
Sa tan áp chế, thì Ðức Chúa Jêsus vì yêu nhơn loại đến thế gian để cứu rỗi
những người đang lầm than trong tội lỗi. Thế thì có phước biết bao. Vậy thì tất cả
tội nhơn đã vội vàng chạy đến Ðức Chúa Jêsus để nhờ Hồng ân cứu rỗi của Ngài,
phải vậy không?
Rất tiếc là không! Kinh
Thánh nói: “Sự sáng soi trong tối tăm,
tối tăm chẳng hề nhận lấy Sự sáng.” (Giăng
1: 15).
Tôi nhớ khi tôi còn làm
công chức. Lúc còn chiến tranh, sau trận chiến xảy ra trong một làng nào trong
tỉnh thì tại làng đó thường bị tàn phá nhiều cho đến nỗi dân không còn nhà ở,
không có gạo để ăn. Ty xã hội đem gạo phân phát cho đồng bào bị nạn. Ôi, thật
là tội nghiệp cho những nạn nhơn ở đó. Nghe có xe gạo cứu trợ đến, họ nhanh
chân chạy tới để xin. Chỉ xin được vài lít gạo, nhưng tôi cảm thấy họ rất
mừng...... Họ đang đói mà có gạo đem đến
biếu, thì còn gì quý hơn, cho nên mọi người mau mau chạy đến.
Tuy nhiên, có những
người cũng đói, cũng khổ, nhưng họ ở trong những ấp nhỏ xa xôi, họ cũng muốn đi
xin gạo ăn. Nhưng quân thù áp chế không cho họ đi. Họ phải chịu đói, bắt cua,
bắt ốc, củ khoai, củ chuối ăn đỡ dạ mà thôi!
Hoàn cảnh thuộc linh
của những người đang sống dưới ách gông cùm tối tăm của Sa tan cũng vậy. Vì Sa
tan là “quyền của sự tối tăm,”
(Cô lô se 1:13), ngăn cản người ta đến Ðức Chúa Jêsus là “Sự sáng của thế gian.”
Cũng có những người được mời tiếp nhận Ðức Chúa Jêsus là “Sự
sáng của thế gian,” họ nói rằng tôi nghe anh em nói về Chúa thì rất tốt,
nhưng tôi bận quá. Nào là lo trả tiền bills, trả tiền nhà, tiền xe…. Phải lo
cho con đi học, cưới vợ, lo gã chồng cho con, lo sinh nhật cho cháu, và lo nhiều
việc khác. Có khi còn phải "bận việc" nhậu lai rai, cho nên chưa có thì giờ theo Chúa được.
Những người nầy không thấy sự tiếp nhận Chúa để giải cứu đời sống linh hồn của
họ là điều tối quan trọng trong cuộc đời, phải thực hiện ngay. Tại sao họ không
thấy? Tại vì Sa tan là “Chúa đời nầy đã làm mù lòng họ,”
(II Cô rinh tôi 4:4). Tội nghiệp biết bao!
Thưa Quý vị, khi học
điều nầy mỗi con dân của Chúa phải cúi đầu cảm tạ ơn Chúa, vì chúng ta không
phải giỏi hơn người khác, nhưng nhờ ơn Chúa, Ánh Sáng của Ðức Chúa Jêsus đã soi
rọi, nhờ Thánh Linh của Ðức Chúa Giê su dắt dẫn chúng ta, nhờ vậy chúng ta biết
Chúa, tin Chúa và được cứu.
Kinh Thánh chép: “Ngài
đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy.”
(Giăng 1:11). Danh từ “xứ mình” có nghĩa là xứ của Ðức Chúa
Jêsus, vì trái đất do chính Ngài tạo nên. Về danh từ “dân mình” có nghĩa là dân của Ðức Chúa Jêsus. Vì tất cả loài người
đều do Ngài tạo nên.
Ðức Chúa Jêsus đến thế giới nầy để làm gì mà người ta không chịu tiếp nhận
Ngài? Ngài đến để hy sinh, chịu chết, để làm giá chuộc tội cho tội nhơn. Như
Ngài đã phán: “…...Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu
việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mác
10:45).
Nhưng tiếc thay có rất nhiều người không chịu chấp nhận Ðức Chúa Jêsus.
Ngài buồn bã thở than rằng: “bao phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi,
như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!”
(Lu-ca 13:34).
Với lời chân thành như
vậy, nhưng người ta đáp lại với Chúa thế nào? Họ đáp rằng: “Ðâu có ai cứu tôi được, chỉ có tôi cố gắng làm lành lánh dữ để tạo
công đức tốt, để đoái công chuộc tội. Như vậy chỉ có tôi cứu tôi mà được thôi.”
Quý vị có nghe tôn giáo nào đó dạy như vậy không? Người ta đưa ra lý thuyết
như vậy để từ chối, để không tiếp nhận Ðức Chúa Jêsus.
Với lý thuyết nầy,
người ta vô tình tự cao rằng: “Tôi là tất cả. Tôi làm điều thiện và tránh điều
ác. Tôi không cần Ðức Chúa Jêsus chết thế cho tôi, không cần Ðức Chúa Jêsus tha
tội cho tôi, và không cần Ngài cứu tôi.” Nếu hỏi: “Làm điều thiện bao nhiêu thì
đủ?” Họ trả lời: “Tôi không biết.”
Nếu ai đó nhất định không chịu nhờ Ðức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, thì ngoài Ngài ra, không ai có quyền năng cứu người đó
cả, linh hồn người đó sẽ về đâu?
Còn chúng ta là những
người theo Ðạo Chúa thì sao? Cám ơn Chúa là mỗi chúng ta đều đã nhận Ðức Chúa
Jêsus là Ðấng chết thay thế cho chúng ta, chịu hình phạt vì tội lỗi của chúng ta. Nhờ vậy,
chúng ta khỏi bị hình phạt. Ðừng ai nghĩ rằng nhờ tôi có đời sống tốt vâng lời
Chúa trọn vẹn nên tôi được cứu. Vì tiêu chuẩn của Chúa là: “... các
ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”
(Ma thi ơ 5:48). Sự thật thì dù là vĩ nhơn đi nữa, chưa có ai sống được “trọn vẹn như Cha ở trên trời” cả. Cho
nên chúng ta muốn được cứu thì chúng ta phải nhờ và chỉ nhờ ơn cứu chuộc của Ðức Chúa Jêsus.
Ðức Chúa Jêsus đến
trong trái đất của Ngài để tìm cứu dân của Ngài đã phạm tội, nhưng họ không
chấp nhận Ngài. Dù vậy, Ðức Chúa Jêsus vẫn yêu thương họ. Ngài mở rộng vòng tay
sẵn sàng tiếp rước họ. Ngài hứa rằng: “...... hễ
ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời, là
ban cho những kẻ tin danh Ngài,”
(Giăng 1:12). Cảm tạ ơn Chúa, tình yêu của Chúa đối với nhân loại thật cao hơn
núi, rộng hơn biển. Ngài không giận mà nói rằng: “Lâu nay ngươi bướng bỉnh, nhiều
tội lỗi quá, Ta không nhận ngươi.” Không. Ðức Chúa Jêsus không giận tội nhơn.
Trái lại, Ngài “vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn.” (Lu ca 15:7). Ðây là Tin
Lành của Ðức Chúa Trời dành cho mỗi tội nhơn.
Nhưng có câu hỏi đặt ra
như thế nầy: “Ai là người làm chứng Tin Lành cho những tội nhơn ở quanh ta?”
Phao lô nói: “....đức tin đến bởi sự người ta
nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Ðấng Christ được rao truyền.”
(Rô-ma 10: 17).
Mỗi chúng ta được Chúa
cảm động, tin nhận Chúa, là nhờ có ai đó đã nói về Chúa cho chúng ta nghe. Ngay cả
những người sanh ra trong gia đình có Ðạo cũng nhờ được cha mẹ nói về Chúa cho
nghe, rồi cha mẹ dẫn đi nhà thờ, thờ phượng Chúa, nghe giảng Lời của Chúa, mới
biết Chúa và mới tin nhận Ngài.
Bây giờ chúng ta đã
được Chúa cứu, được làm con cái của Ðức Chúa Trời. Chúng ta có bổn phận rao
truyền Danh Chúa cho người khác không? Nếu chúng ta là con dân của Chúa mà
không rao truyền Sự Cứu rỗi của Chúa cho những người chưa tin, thì ai sẽ làm việc
nầy? Cho nên đây là trách nhiệm của mỗi con dân của Chúa. Mỗi khi dự Tiệc
Thánh, chúng ta nghe Lời Chúa nhắc nhở: “....mỗi
lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc
Ngài đến.” (1 Cô rinh tô 11:26). Chúng ta đã nhận, bánh, nhận ly. Chúng ta làm theo Lời nhắc nhở nầy không? (1)
Cầu xin Ðức Chúa Trời
Từ Ái cho mỗi chúng ta biết kính Chúa và yêu mến linh hồn hư mất của đồng bào,
có tấm lòng nôn nả rao truyền Danh Ngài hầu dẫn nhiều tội nhơn đến với Chúa, để
họ cũng được Chúa cứu như chúng ta. A-men.
Mục
sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com
Trở lại Trang Danh Sách các Bài Giảng
(1) Thưa quý vị, nếu
có một vài quý vị nghĩ rằng mình muốn làm chứng đạo nhưng không biết phải nói như thế nào,
thì nhờ ơn Chúa, tôi xin mời quý vị nhấn vào hàng chữ nầy "ÐIỀU RẤT CẦN CHO CHÚNG TA." Quý vị sẽ thấy đây là một quyển sách nhỏ nói về cách chứng đạo. Mời quý vị chịu khó đọc đi, đọc lại năm, ba lần, quý vị
sẽ quen với một cách chứng đạo và quý vị sẽ có thể chứng đạo được. [Cũng xin mời quý vị chịu khó đọc qua quyển sách nhỏ "LỜI CHÂN THÀNH" và quyển "ĐẤNG LẠ LÙNG". Trong 2 quyển sách nhỏ nầy có các bài ngắn trả lời những thắc mắc của những người chưa tin Chúa.] Cầu xin Cha Từ Ái cho quý vị được ơn tứ làm chứng về Chúa cho đồng bào của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét