058 - GIÔ-SÉP GẶP VUA PHA RA ÔN (Sáng 41: 1-45).

            Sau khi bàn mộng cho hai quan, Giô sép nhờ Quan Tửu Chánh tâu với vua để giải oan cho mình. Khi biết Quan Tửu Chánh đã được phục chức, chàng mong đợi, nhưng suốt hai năm không thấy gì cả.
            Sau hai năm có việc quan trọng xảy ra trong triều đình. Ðó là vua Pha ra ôn nằm mộng với hai giấc chiêm bao. Vua thấy có bảy con bò mập và tốt, ăn cỏ trong bưng. Nhưng kìa, bảy con bò khác, gầy guộc, ở dưới sông đi theo lên sau, chúng nuốt bảy con bò mập. Pha-ra-ôn thức giấc, rồi ngủ lại. Vua thấy bảy gié lúa chắc, tốt tươi, mọc chung trên một cộng rạ. Kế đó, có bảy gié lúa khác lép nuốt bảy gié lúa chắc. Sáng hôm sau, tâm thần vua bối rối và truyền cho mời tất cả pháp sư và các bác sĩ là những người thông minh học giỏi để bảo họ bàn ý nghĩa chiêm bao cho vua. Nhưng không ai giải được cho vua cả. Các quan của vua không thể giải chiêm bao cho vua về những việc trong tương lai là phải, vì không ai có thể biết được tương lai.
            Có chuyện vui kể là có hai vợ chồng trẻ kia cố gắng làm ăn nhưng vẫn nghèo. Vợ bảo chồng hai vợ chồng mình đi xem bói coi tương lai có khá hơn không? Gặp thầy bói, đặt tiền xong, Cô nói:
            - Thưa Thầy sao mà hai vợ chồng tôi 34 tuổi rồi, cố gắng làm ăn hoài mà vẫn nghèo khổ quá chịu không nổi!
            - Ðể tôi xem chỉ tay của Cô Chú xem sao? Xem xong thầy nói:        
            - Quẻ của Cô Chú, 3 năm nữa, khi 37 tuổi sẽ dễ chịu hơn.
            - Chúng tôi làm ăn phát đạt phải không? Cô vợ mừng hỏi.  
            - Không. Lúc đó Cô Chú chịu khổ quen rồi nên dễ chịu hơn! Thầy bói đáp.
            Sự thật thì các thầy bói chỉ đoán mò mà thôi, loài người không ai biết được tương lai. Kinh Thánh dạy rằng: “Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta.” (Phục truyền 29:29). Học điều nầy Chúa nhắc nhở chúng ta rằng đừng bao giờ đoán để định tương lai là ngày nào Chúa tái sẽ lâm. Nghĩa là đừng đoán ngày tận thế. Nếu chúng ta cố đoán mò thì chúng ta sẽ bị rối trí, và chắc chắn là không đúng. Vì Chúa không cho chúng ta biết ngày giờ Chúa đến. Chính Ðức Chúa Jêsus phán rằng: “Kìa, ta đến như kẻ trộm.” (Khải huyền 16:15). 
            Trong triều đình vua Pha ra ơn, ở vào hoàn cảnh bế tắt nầy, quan Tửu Chánh mới nhớ lại Giô sép nên tâu với vua rằng: “Ngày trước, Bệ hạ có cầm ngục quan thượng thiện và tôi. Một đêm kia, chúng tôi thấy điềm chiêm bao. Ở  trong ngục, có một người trẻ Hê-bơ-rơ; chúng tôi thuật lại cho chàng nghe điềm chiêm bao của chúng tôi; chàng bàn rõ ra cho chúng tôi nghe. Sau đó, công việc xảy đến y như lời chàng bàn là Bệ hạ phục chức tôi lại, và xử treo quan kia.” 
            Pha-ra-ôn bèn sai đi đòi Giô-sép; họ lập tức tha người ra khỏi ngục, cạo râu, thay đổi áo mới, rồi vào chầu vua Pha-ra-ôn. Chúng ta còn nhớ Giô sép đã bị các anh cởi cái áo sặc sở nhiều màu sắc để bán làm nô lệ. Chàng đã cởi bó cái áo tôi đòi ở nhà Phô ti pha rồi đi vào tù. Nay chàng được cổi áo tù để mặc chiếc áo sang trọng của vua ban. Học điều nầy mỗi con dân Chúa, nhờ dòng huyết cứu chuộc của Đức Chúa Giê su, đều sẽ được cởi bỏ thân thể hèn mạt của chúng ta để mang lấy thân thể "giống như thân thể vinh hiển Ngài," (Phi líp 3:21) khi gặp Chúa. Cảm tạ ơn Chúa.
            Vua phán cùng Giô sép rằng: “Trẫm có thấy một điềm chiêm bao mà chẳng ai bàn ra, trẫm nghe rằng ngươi bàn được.” (Sáng thế ký 41: 15). Giô-sép tâu rằng: “Ðó chẳng phải tôi, nhưng ấy là Ðức Chúa Trời đem sự bình an đáp cho bệ hạ vậy.” (Sáng thế ký 41: 16). Ở đây chúng ta thấy Giô sép bày tỏ lòng tôn vinh Chúa, chớ chàng không tự cao khoe mình.
            Pha ra ôn thuật lại cho Giô sép nghe hai điềm chiêm bao. Giô sép tâu cùng vua rằng: “Hai điềm chiêm bao của bệ hạ thấy đó đồng một nghĩa mà thôi; Ðức Chúa Trời mách cho bệ hạ biết trước những việc Ngài sẽ làm.” Nghĩa là Ðức Chúa Trời sẽ ban cho nước Ê díp tô được trúng mùa dư dật trong 7 năm. Nhưng sau đó lại bị thất mùa liên tiếp 7 năm. Sự đói kém rất lớn xảy ra trong xứ cho đến nỗi người ta quên đi bảy năm đã trúng mùa. Giô sép nói tiếp: "Điềm chiêm bao đến hai lần cho bệ hạ, ấy bởi Ðức Chúa Trời đã quyết định điều đó rồi, và Ngài mau mau lo làm cho thành vậy.” (Sáng thế ký 41: 32). Sau khi giải bày ý nghĩa hai điềm chiêm bao cho vua, Giô sép đề nghị với vua rằng: Tâu Bệ hạ: “Bây giờ Bệ hạ khá chọn một người thông minh trí-huệ, lập người lên làm đầu trong xứ Ê-díp-tô, cùng lập các ủy viên trong xứ, để góp một phần năm của số thâu vào trong bảy năm được mùa dư dật đó.…. cùng thâu thập lúa mì sẵn dành cho Pha-ra-ôn, … Các lương thực nầy phải để dành cho bảy năm đói kém sẽ đến trong xứ Ê-díp-tô, hầu cho xứ nầy khỏi bị diệt bởi sự đói kém đó.” (Sáng thế ký 41: 26-36).
         Nếu Quý vị là vua Pha ra ôn thì Quý vị có chấp thuận đề nghị của Giô sép không?  Chúng ta thấy đề nghị nầy ra sao, có bài học gì không?
Nội dung ngắn gọn của đề nghị nầy là: “Lúc có dư, phải xài cẩn thận để dành cho lúc thiếu.”  Chúa đã dạy cho Giô sép một nguyên tắc và là một nguyên tắc rất hay. Nguyên tắc nầy, chúng ta có thể áp dụng cho nhiều lãnh vực. Chẳng hạn như:
-   Các Bạn thanh niên bây giờ sức khỏe dồi dào, không nên xử dụng quá sức làm tổn thương sức khỏe của mình. Ví dụ mình vác nổi 50 kgs thì không nên ỷ sức mà vác 100 kgs làm cho trẹo xương sống. Lúc dư sức khỏe, phải xử dụng sức khỏe khôn ngoan, để dành sức khỏe cho lúc yếu.
Vợ chồng khi chỉ có một người có việc làm, có tiền lương, tức là có thế lực trong gia đình; lại đem thế lực ra xài hết, coi người phối ngẫu không ra gì. Như vậy không nên. Ngày xưa có vài người chồng làm quan, coi vợ không ra gì, đến khi b đi tù cải tạo, vợ ở nhà không thăm nuôi!
-   Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
      Xin nhớ nguyên tắc quản trị những gì mình có mà Ðức Chúa Trời đã dạy cho Giô sép, đó là phải sống cẩn thận lúc lên cao, để phòng khi mình bị xuống thấp. Vì là con người, chúng ta ai biết được ngày sau mình sẽ ra sao?
Sau khi nghe lời đề nghị của Giô sép thì Pha-ra-ôn phán cùng quần thần rằng: “Chúng ta há dễ tìm một người như người nầy, có thần-minh của Ðức Chúa Trời được sao? Pha-ra-ôn phán cùng Giô-sép rằng: Vì Ðức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi việc nầy, thì chẳng còn ai được thông minh, trí-huệ như ngươi nữa. Vậy, ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi. Pha-ra-ôn lại phán cùng Giô-sép rằng: Hãy xem! trẫm lập ngươi cầm quyền trên cả xứ Ê-díp-tô.” (Sáng thế ký 41: 38-41).
            Pha ra ôn là vua Ai cập. Ông ta là người thờ hình tượng. Ông ta không biết gì về Ðức Chúa Trời cả. Nhưng trong khi tiếp xúc với Giô sép thì vua đã ngợi khen Ðức Chúa Trời rằng: “Vì Ðức Chúa Trời xui cho ngươi biết mọi việc nầy, thì chẳng còn ai được thông minh trí-huệ như ngươi nữa.” Nghĩa là điều ngươi biết là do Ðức Chúa Trời ban cho, và người được Ðức Chúa Trời ban cho sự khôn ngoan thì không ai khôn ngoan hơn được. Thưa Quý vị, khi chúng ta tiếp xúc với những người không thờ Chúa, thì Chúa của chúng ta có được tôn vinh như vậy không? Khi nói đến việc  bàn chiêm bao, thì Giô sép tâu với vua rằng: “Không phải là tôi mà là Ðức Chúa Trời của tôi.” Mỗi chúng ta có tấm lòng tôn cao Danh Chúa như vậy không?
Sau khi bày tỏ tấm lòng kính trọng Ðức Chúa Trời, Pha ra ôn phán cùng Giô sép: “Trẫm lập ngươi cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô.” (Sáng 41:41). Thưa Quý vị, khi Pha ra ôn ca ngợi Danh Chúa, thì Giô sép được phước. Xin nhớ, khi chúng ta tôn vinh Danh Chúa để Danh Ngài được tôn cao thì chúng ta được phước. Cho nên đừng ai cố ý tôn danh mình, hãy tôn danh Chúa. Khi Chúa đẹp lòng Ngài ban phước cho chúng ta.
         Giô sép được vua Ai cập lập lên làm Thủ Tướng cai trị cả nước. Vua phán: “ngươi sẽ lên cai trị nhà trẫm; hết thảy dân sự của trẫm đều sẽ vâng lời ngươi. Trẫm lớn hơn ngươi chỉ vì ngự ngôi vua mà thôi.” Ðể thực hiện lời phán của mình, “Vua liền cổi chiếc nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc áo vải gai mịn, và đeo vòng vàng vào cổ người; rồi, truyền cho lên ngồi sau xe vua, có người đi trước hô rằng: Hãy quì xuống! Ấy, Giô-sép được lập lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô.” (Sáng 41: 42-43).
Khi Giô sép được làm Thủ Tướng Ai cập thì chàng "ba mươi tuổi" (Sáng thế ký 41: 46).
            Sau những năm tháng biến đổi của cuộc đời, Giô sép chịu quá nhiều bất công. Nhưng chúng ta có nhận xét là Giô sép không giận ai cả. Nếu giận, thì chàng có thể giận ai?
–  Giận cha, vì sai mình đi trong nguy hiểm.
–  Giận các anh, vì nở nào dứt tình cốt nhục với mình.
–  Giận bà chủ, vì có tấm lòng bất chánh.
–  Giận Ông chủ, vì không xét sự việc sáng suốt cho chàng.
Giận Quan Tửu Chánh, vì nở nào quên lời hứa với người đã bàn mộng vui mừng cho Ông.
            Còn có thể giận ai nữa không? Chàng có thể giận Ðức Chúa Trời vì Chúa để chàng chịu quá nhiều cảnh bất công. Ðây là điều nguy hiểm nhất cho cuộc đời của chàng. Vì nếu chàng giận Chúa và bỏ Chúa, không còn tôn thờ Ngài nữa, thì cuộc đời của chàng về đâu? Nhưng tốt đẹp thay, cuộc đời chàng Giô sép đã phản ánh đời sống của Ðức Chúa Jêsus. “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Ðấng xử đoán công bình” (I Phi e rơ 2: 22-23). Giô sép hoàn toàn phó mình cho Ðấng xử đoán công bình là Ðức Chúa Trời. Ngài luôn luôn ban ơn cho những ai thuận phục Ý Ngài. Vì : “…. ai trông cậy nơi Ðức Giê-hô-va lấy làm có phước thay.” (Châm ngôn 16:20). 
            Thưa Quý vị, có câu hỏi là nếu bị ở trong sự sử thách, Quý vị có oán trách Chúa không, hay Quý vị vẫn vui vẻ thuận phục Ý Chúa và cứ tiếp tục theo Chúa như Giô sép. Như vậy chắc chắn Quý vị sẽ được Chúa thương xót và ban phước.
            Cầu xin Thánh Linh Chúa dùng lời Ngài dạy mỗi chúng ta luôn luôn tuân theo thánh ý của Ngài.   A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét