033 - VÌ SAO GIA ĐÌNH Y-SÁC LY TÁN? (Sáng 27: 6-29)

             Kinh Thánh Sáng thế ký có ghi lại việc Ðức Chúa Trời kêu gọi Áp ra ham để từ Ông, Ngài tạo nên dân tộc Y sơ ra ên. Từ dân tộc Y sơ ra ên, Ðức Chúa Trời ban cho nhơn loại Chúa Cứu Thế. Khi Áp ra ham được 100 tuổi, Ðức Chúa Trời ban cho Ông một người con trai tên là Y sác. Khi Y sác 40 tuổi thì cưới vợ là "Rê bê ca." (Sáng thế ký 25:20). Khi mang thai, Rê bê ca mang nặng nề. Bà cầu khẩn Ðức Giê hô va về thai mang trong lòng. Ðức Chúa Trời phán: “Hai nước hiện ở trong bụng ngươi, và hai thứ dân sẽ do lòng ngươi mà ra; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ.” (Sáng thế ký 25: 23).
             Sau đó, Bà Rêbêca sanh đôi được hai con trai, con trưởng tên là Ê sau và con kế tên là Gia cốp. Khi lớn lên Ê sau thích dong ruổi ngoài đồng săn bắn. Còn Gia cốp là người hiền lành cứ ở lại trong trại với cha mẹ. “Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-be-ca lại yêu Gia-cốp.” (Sáng thế ký 25: 28). Trong gia đình, cha thương yêu đứa nầy, mẹ thương yêu đứa kia. Ðứa thì thương nhiều đứa thì thương ít, nếu nhận xét kỹ, chúng ta thấy có sự chia rẽ.
             Trong gia đình hai vợ chồng hết lòng cộng tác nhau dạy dỗ các con, tốt hơn là chia phe với nhau….. Ngày nay có khi có tình trạng buồn là những cặp vợ chồng gây gổ nhau, hai người là cha là mẹ của các con lại cố gắng lôi kéo con cái về phe với mình bằng cách người nầy nói người kia có lỗi. Nghe mãi các đứa con thấy sao cha mẹ của mình ai cũng có lỗi nhiều quá! Thế thì cha mẹ làm sao dạy con cái được?
             Một ngày kia, Ê sau đi săn về vừa mệt, vừa đói. Lúc đó Gia cốp đang nấu nồi canh phạn đậu nóng hổi vừa thơm vừa ngon. Ê sau xin ăn. Gia cốp nói anh bán quyền trưởng nam cho em đi, em sẽ cho anh ăn. Ê sau nói: Ðược. Anh sắp chết đói đây, dành cái quyền đó để làm gì? Gia cốp nói: Anh thề đi. Ê sau thề. Gia cốp trao tô canh cho Ê sau ăn.
             Ngày nay cũng có những người bằng lòng bán mất quyền làm con của Chúa để thăng quan tiến chức, hoặc để có tiền nhiều làm giàu mau, đưa đến hậu quả là sự hư mất linh hồn. Lạ thay có những người coi giá trị linh hồn mình quá rẻ, chỉ bằng số tiền nào đó mà thôi, chẳng hạn như Giu đa Ích Ca ri ốt, thấy tiền ham, chỉ có 30 miếng bạc mà quên mất linh hồn mình. Thật là đáng tiếc!
             Kinh Thánh chép: “Khi Ê-sau được bốn mươi tuổi, cưới Giu-đít, con gái của Bê-e-ri, người Hê-tít; và Bách-mát, con gái của Ê-lôn, cũng người Hê-tít. Hai dâu đó là một sự cay đắng lòng cho Y-sác và Rê-be-ca.” (Sáng thế ký 26:34-35).
             Khi Y sác về già, mắt làng không còn thấy được nữa. Ông nghĩ rằng ngày qua đời của Ông đã gần, nên Ông bảo Ê sau: “….bây giờ, cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung của con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết.” (Sáng thế ký 27: 3-4).
             Khi Y sác biểu Ê sau đi săn để dọn tiệc cho Ông, để Ông chúc phước cho Ê sau, bà Rê bê ca biết được. Vì thương Gia cốp, nếu để Y sác chúc phước cho Ê sau thì bà sợ rằng Gia cốp sẽ không được phước, đây là điều Bà không muốn. Bà bèn lập kế bảo Gia cốp đi bắt 2 con dê tốt, nấu dọn thức ăn ngon cho Y sác.
            Y sác ăn bữa tiệc và tưởng là tiệc của Ê Sau nên đã cầu nguyện chúc phước cho con như sau: “Cầu xin Ðức Chúa Trời cho con sương móc trên trời xuống, Ðược màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu. Muôn dân phải phục con, Các nước phải quì lạy trước mặt con! Hãy được quyền chủ các anh em, Các con trai của mẹ con phải quì lạy trước mặt con! Ai rủa sả con sẽ bị rủa sả lại, Ai cầu phước cho con, sẽ được ban phước lại!” (Sáng thế ký 27:28, 29). 
            Khi Y sác chúc phước cho Gia cốp xong, Ê sau đi săn về nấu thịt dọn lên, lúc đó Y sác mới hay là Ông đã chúc phước lầm cho Gia cốp. Ê sau đã khóc, và giận quá, nên Ê sau có ý định sẽ giết Gia cốp. Bà mẹ hay tin, bảo Gia cốp: "Con hãy chạy trốn qua nhà La ban, cậu con, tại Cha ran." (Sáng thế ký 27:43). Gia cốp vâng lời mẹ chạy trốn.
             Bây giờ gia đình Y sác bị ly tán. Tại sao vây? Chúng ta nhờ Chúa học kỹ lại từng người trong gia đình Y sác. Gia đình nầy có 4 người: Ông Y-sác, bà Rê-bê-ca, con cả Ê-sau và con thứ Gia-cốp.

1.- Y sác:
             Ông Y sác là một con dân của Chúa, nhưng Ông lại có ý định làm nghịch ý Chúa. Ðức Chúa Trời đã cho biết rằng: “Ðứa lớn phải phục đứa nhỏ.” Thế thì tại sao nay Ông lại định chúc phước cho đứa lớn mà không chúc phước cho đứa nhỏ? Khi Ông tưởng là Ê-sau dọn tiệc cho Ông, Y sác đã cầu nguyện chúc phước cho Ê sau với những lời trái Ý Chúa như sau: con “…được quyền chủ các anh em, Các con trai của mẹ con phải quì lạy trước mặt con!” (Sáng thế ký 27:29).
             Có lẽ chúng ta nói rằng: “Ðây là lẽ tự nhiên. Bao giờ con cả cũng ưu tiên hơn con thứ.” Nói điều nầy thì đúng với chúng ta, nhưng không đúng với ý Chúa, nhất là trong trường hợp Ê sau và Gia cốp, vì Chúa đã phán trước rồi: “Ðứa lớn phải phục đứa nhỏ.” Trong cuộc đời chúng ta có nhiều điều chúng ta phải thực hiện. Nhưng thực hiện theo Ý Chúa thì chúng ta được phước, còn nếu theo ý riêng thì chúng ta sẽ bị mất phước. Mỗi chúng ta nên nhớ điều nầy. 

2.- Rê be ca:
             Người đàn bà trong gia đình ở Á Châu được gọi là “nội tướng.” Bà Rê bê ca rất giỏi. Khi Y sác định chúc phước cho Ê sau, bà biết ngay. Khi Ê sau định giết Gia cốp bà cũng biết. Bà Rê be ca có tài trinh thám. Bà nắm vững mọi diễn biến trong gia đình. Khi chồng định chúc phước cho đứa con không phải là đứa con bà yêu mến, bà liền lập kế hoạch để dối gạt chồng. Bà đã thành công. Nhưng sự thành công của bà khiến cho sự hiệp một trong gia đình bị đổ vỡ. Bà rất giỏi "khôn khéo về sự làm dữ." (Rô ma 1:30). Nếu bà giỏi "khôn khéo về sự làm lành" theo ý Chúa thì gia đình của bà có phước biết bao!
             Nếu khi bà nghe Ông định chúc phước cho đứa con không đáng được chúc phước thì thay vì dối chồng, bà có thể đề nghị thảo luận cùng Ông và bà bảo Ông rằng: “Bây giờ vợ chồng mình hãy ngồi lại nắm tay nhau, cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn.” Nếu vậy, thì chắc chắn Chúa sẽ chỉ dạy Ông Bà làm theo ý Ngài. Ðàng nầy bà lại đi lập kế để gạt chồng và dạy con nói dối. Chúng ta có nhớ sự nói dối liên hệ với ai không? Với ma quỷ. Ðức Chúa Jesus đã phán cùng những kẻ gian dối rằng: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, ….. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.” (Giăng 8:44). Bà Rê be ca đã bị mắc lừa mưu kế của ma quỷ.

3.- Ê sau:
             Ê sau là con cả của Y sác. Ê sau chắn chắn đã được Y sác dạy rằng Ðức Chúa Trời hứa ban cho Ông Nội của con là Áp ra ham, sẽ có con cháu "nhiều như sao trên trời và đông như cát bờ biển" (Sáng thế ký 22:17) để trở thành một dân tộc biệt riêng cho Ngài. Thế thì vai trò của con là quyền trưởng nam, cháu đích tôn của Ông nội, thật là quan trọng, con phải cẩn thận sống đẹp lòng Chúa. Vậy mà, Ê sau lại sẵn sàng bán "quyền con trưởng nam" chỉ với giá bằng một tô canh. Rồi sau đó, chàng lại không giữ gìn, chàng để tình cảm mình lang thang dong dài rồi đáp đậu vào hai người con gái, cả hai đều là người ngoại bang. Chàng đã cưới hai nàng con gái người Hê-tít làm vợ. Việc nầy trở nên nỗi cay đắng cho cha mẹ chàng và là điều không đẹp lòng Chúa. Vì dân tộc của Ðức Chúa Trời, theo Ý Chúa, không phải là con cháu của người Hê-tít.

4.- Gia cốp:
             Người thứ tư trong gia đình nầy là Gia cốp. Gia cốp là người khôn, nhưng không phải khôn ngoan mà là khôn xảo. Nghĩa là Ông khôn nhưng lại rất xảo quyệt, thích qua mặt người khác, miễn là có lợi cho mình. Thấy anh thèm ăn liền ra điều kiện: “Nay anh hãy bán quyền Trưởng nam cho tôi đi.” (Sáng thế ký 25:31). Ê sau đồng ý.
             Có người nói: Gia cốp đâu có ép Ê-sau. Ðây chỉ là điều kiện. Chịu thì nhận, không chịu thì thôi. Tôi nhớ ở Việt Nam, người ta cho vay. Mỗi tháng tiền lời 5%, nghĩa là một năm tiền lời 60% (hiện nay ở Úc tiền lời một năm khoảng 6-10% một năm). Thế thì giá lời 60% thật là quá cao, nhưng người ta nói: Ðây chỉ là điều kiện, tôi đâu có ép ai! Nhưng điều kiện trong hoàn cảnh vợ bịnh, con đau, nhà sắp sập, thì đành phải chịu thôi! Con cái Chúa có nên bắt chẹt người khác như vậy không? Bắt chẹt người khác như vậy thì sự “kính Chúa, yêu người” ở đâu? Làm con của Chúa mà không kính Chúa, không yêu người, thì có phải thật là con dân của Chúa không?
             Bà mẹ bảo Gia Cốp nói dối để dành phước đi con. Gia cốp khôn lắm. Chàng nói ngay:
      - Mẹ ơi, nói dối mà cha biết được, chắc là lãnh lời rủa sả chớ không phải là lời chúc phước đâu mẹ ơi.
      - Sao con lo quá vậy? Lời rủa sả để mẹ lãnh hết cho!
Thế là Gia cốp yên tâm thi hành kế hoạch nói dối. Nếu chúng ta đọc kỹ phân đoạn Kinh thánh thuật lại cuộc đối thoại giữa hai cha con, khi Gia cốp đem dâng bữa ăn thịt rừng giả cho cha thì chúng ta thấy Gia cốp là một người rất giỏi đóng kịch giả dối để lừa gạt cha của mình. Khi làm xong các món thịt nấu ngon, Bà Rê be ca  trao cho Gia cốp đem dâng cho Y sác. Gia Cốp nói:
- Thưa Cha.
- Con là đứa nào? Y sác hỏi.
- Dạ con là Ê-sau, con Trưởng Nam của Cha đây.
- Sao con đi săn được mau thế?
- Ấy nhờ Giê hô va Đức Chúa Trời của Cha xui cho con gặp mau vậy.
- Lại đây Cha rờ vào cổ và tay xem có lông không?
            Rờ cổ và tay của con xong, Y sác thắc mắc: “Tiếng nói thì của Gia-cốp, còn hai tay lại của Ê-sau.” (Sáng thế ký 27: 22). Y Sác lại hỏi rằng:
- Ấy con thật là Ê-sau, con trai ta, phải chăng?
- Dạ phải, con đây. Gia-cốp thưa.
Gia cốp dám mượn Danh Chúa để lừa dối cha mà lòng không biết xấu hổ! Thật là tệ!
             Thưa Quý vị, Ðức Chúa Trời là Ðấng yêu thương. “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1). Dù con dân Ngài có lỗi lầm, Ngài cũng không ruồng bỏ họ. Chúa vẫn ban phước cho Gia cốp. Nhưng sự dối trá của Gia cốp đã bị những hậu quả rất tai hại về sau. Ông đã bị La ban, một người cậu ruột đã dối gạt Ông thật nhiều lần. Còn bà Rê be ca thì từ đó, cho đến chết, Bà không được gặp lại Gia cốp là đứa con yêu dấu của Bà.
             Ðức Chúa Trời là Ðấng Thành tín, mỗi chúng ta nên sống chân thật trước mặt Chúa, Ngài sẽ hoàn thành mọi sự tốt lành theo Ý Ngài cho chúng ta. Còn nếu chúng ta gian dối sẽ bị hậu quả tai hại đớn đau. Vì vậy mà Kinh thánh dạy rằng: “Chớ hề dối mình; Ðức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.” (Ga la ti 6:7).
             Cầu xin Đức Chúa Thánh Linh hướng dẫn mỗi chúng ta sống trong ý chỉ thánh của Chúa và luôn luôn biết kính sợ Ðức Chúa Trời trong mọi việc làm của chúng ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét