Ðức Chúa Trời phán bảo Giô na đi đến thành Ni ni ve để rao giảng Lời Ngài. Nhưng Giô na xuống tàu trốn qua xứ Ta rê si. Chúa khiến cơn bão lớn nổi lên, chiếc tàu gần bị vỡ. Người ta tìm ra là tại vì Giô na nên chiếc tàu bị bão lớn. Theo đề nghị của Giô na, người ta ném Ông xuống biển. Bão yên lặng. Ðức Chúa Trời sắm con cá lớn đến nuốt Giô na. Trong bụng cá, Giô na cầu nguyện ăn năn. Ðức Chúa Trời bảo con cá nhả Ông ra trên đất khô.
Sau khi được Chúa cứu khỏi bụng cá, Ðức Chúa Trời một lần nữa sai Giô na đi Ni ni ve giảng Lời Ngài. Giô na vâng lời Chúa đến thành Ni ni ve giảng Lời Chúa. Cả thành, từ vua tới dân đều ăn năn tội, và họ cầu xin Chúa tha thứ. Ðức Chúa Trời thấy họ ăn năn, Ngài tha thứ cho họ và không hình phạt họ.
Kinh thánh ghi lại: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ.” (Giô na 4:1). Giô na giận ai? Có thể là Ông giận Ðức Chúa Trời. Nếu giận Ðức Chúa Trời, thì Ngài có làm gì sai không mà Giô na giận? Giô na giận Ðức Chúa Trời rồi sao nữa? Giô na cầu nguyện với Chúa rằng: “Hỡi Ðức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất lấy sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!” (Giô na 4: 3). Như vậy khi giận Ðức Chúa Trời, Giô na có phước hạnh gì đâu? Giận Chúa, Ông chỉ có muốn chết thôi!
Trong cuộc đời theo Chúa, có những người giận Chúa, không theo Chúa nữa thì chỉ đưa đến kết quả là chết mất linh hồn mà thôi. Ở đây Giô na giận Chúa, nhưng Ông chưa chết, vì Chúa thương Ông, chưa cho Ông chết.
Thưa Quý vị, đây là lần thứ hai Giô na cầu nguyện. Lần trước khi còn ở trong bụng cá Ông đã cầu nguyện với Chúa với lòng chân thật thiết tha ăn năn cầu xin Chúa cứu Ông. Chúa đã cứu Ông khỏi chết. Bây giờ Ông lại cầu xin Chúa cất mạng sống Ông. Lần trước Ðức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của Ông, nhưng lần nầy, cám ơn Chúa là Chúa không nhậm lời cầu xin của Ông.
Xin nhớ Ðức Chúa Trời chỉ nhậm lời cầu nguyện của chúng ta khi nào Chúa thấy tốt lành cho chúng ta. Cho nên nếu chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhậm lời hãy cám ơn Chúa vì Chúa đang giữ sự tốt lành cho chúng ta.
Có điều quý báu chúng ta học được ở đây là Giô na giận Ðức Chúa Trời, nhưng Ðức Chúa Trời không giận Giô na. Trái lại Ðức Chúa Trời lắng nghe Giô na và Ngài nhỏ nhẹ phán với Giô na: “Ngươi giận có nên không?” (Giô na 4:4). Chúng ta thật là có phước, vì chúng ta đang tôn thờ Ðức Chúa Trời là Ðấng: “có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ.” (Thi thiên 103:8).
Học tới đây chúng ta thấy Giô na giống như câu chuyện Chúa kể về người con trai hoang đàng. Khi người con phạm tội đi hoang ăn năn trở về, người Cha vui mừng chào đón, mở tiệc ăn mừng, thì người con cả đi làm về thấy vậy nổi giận cùng Cha. Nhưng ngược lại Cha cậu đã không giận cậu mà còn dỗ dành rằng: “Con ơi, … thật nên dọn tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết mà lại sống, đã mất mà lại thấy được.” (Lu ca 15:32).
Ðức Chúa Trời hỏi Giô na: “Ngươi giận có nên không?” Không thấy Giô na trả lời. Xin Quý vị trả lời giùm Giô na. “Giô na giận có nên không?”
Xin chúng ta tự xét lại chính mình: Có nhiều lần mình giận... vợ, giận chồng, giận cha mẹ, giận con cái, giận anh em trong Hội Thánh, giận Ông Mục sư, Ðức Chúa Trời hỏi Quý vị rằng: “Ngươi giận có nên không?” Quý vị trả lời với Chúa thế nào? Xin mỗi chúng ta nhớ lời Ðức Chúa Giê-xu dạy: “Hễ ai giận anh em mình thì đáng bị tòa án xử đoán.” (Mathiơ 5:22).
Xin chúng ta suy nghĩ về việc Giô na giận, Ông giận ai?
- Giô na có thể giận Chúa, tại vì Chúa không hình phạt những người trong thành Ni ni ve.
- Giô na cũng có thể giận những người trong thành Ni ni ve, vì họ đã ăn năn tội với Chúa làm cho Chúa thương xót họ, không hình phạt họ. Vậy thì trong ba đối tượng mà chúng ta đang học đây là: Ðức Chúa Trời, dân Ni-ni-ve và Giô na thì ai sai? Rõ ràng là Giô na sai. Mình sai mà lại giận người khác. Có khi nào chính chúng ta cũng vậy không? Có khi nào chúng ta giận... vợ, giận chồng, giận cha mẹ, giận con cái, giận anh em trong Hội Thánh, giận Mục sư mà thật ra thì chính mình thì sai, có không? Xin hãy cẩn thận về những sự giận dỗi của mình. Vì vậy mà Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy chúng ta rằng: “người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.” (Gia cơ 1:19).
Giô na giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô na 3:4). Bây giờ 40 ngày đã trôi qua, thành Ni ni ve vẫn đứng vững. Ðối với Giô na thì điều nầy rất là đáng tức giận, vì lời tiên tri của Ông không ứng nghiệm. Ông cảm thấy mất mặt.Giô na chỉ nghĩ về mình, không vâng phục ý Chúa.
Còn điều nầy nữa, Ni ni ve là kinh đô của nước A-si-ri. A-si-ri là một nước thù nghịch với dân Y sơ ra ên là dân tộc của Ông. Dù giảng Lời của Chúa cho dân Ni ni ve, nhưng Giô na muốn cho họ đừng ăn năn để Chúa phạt họ chết, chớ không muốn họ ăn năn để Chúa tha thứ, cho họ sống.
Giô na là một tôi tớ của Chúa mà lại không giống Chúa. Vì Ðức Chúa Trời “….không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi 3:9).
Giô na có điều sai lầm rất lớn. Ông sợ mất mặt vì lời tiên tri không ứng nghiệm mà Ông quên nghĩ đến việc quý báu là khi tội nhơn ăn năn trở lại với Chúa, Danh Ngài vinh hiển.
Mục đích của đời người sống trên đất là làm vinh hiển Danh Ðức Chúa Trời, "vì vinh quang Ngài." (Ê sai 43:37). Nếu chúng ta không cầu xin Chúa cho chúng ta thực hiện được điều nầy, thì đời sống chúng ta đã đi sai mục đích và không được phước. Đó là lý do có nhiều người than thở rằng đời sống của họ không có ý nghĩa.
Sau đó “Giô-na ra khỏi thành Ni-ni-ve, ngồi phía Ðông thành ấy.” (Giô na 4:5). "Ra khỏi thành Ni ni ve" là bước đi sa ngã của Giô na. Tại vì Ðức Chúa Trời sai Ông đi vào thành Ni ni ve giảng Lời Chúa, bây giờ Ông rời bỏ nhiệm sở, đi ra ngoài thành ngồi suy nghĩ những điều theo ý riêng. Theo Quý vị thì Giô na có nên như vậy không? Nếu có ai hỏi: Thưa Ông Giô na sao Ông không ở trong thành giảng đạo như Chúa bảo Ông? Có lẽ Ông trả lời ngọt ngào rằng: “Không ở trong đó chớ tôi vẫn cầu nguyện Chúa.”
Thưa Quý vị, ngày nay cũng có những anh chị em theo Chúa, Chúa dạy họ cứ ở trong ta, và “chớ bỏ qua sự nhóm lại,” (Hê bơ rơ 10:25), nhưng họ không đi nhà thờ thờ phượng Chúa nữa. Nếu có ai hỏi, người đó nói rằng: “Không đi nhà thờ chớ ở nhà tôi vẫn cầu nguyện, hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh mỗi sáng Chúa nhật.” Thế thì làm sao họ nghe giảng cùng các con dân của Chúa trong Hội Thánh? Họ chống chế như vậy, nhưng thật sự những người nầy đang bắt đầu dần dần đi ra ngoài sự thờ phượng Chúa.
Giô na xin chết, nhưng Ðức Chúa Trời không cất mạng sống của Ông, “Giô-na ra khỏi thành Ni-ni-ve, ngồi phía đông thành ấy. Tại đó, người làm một cái chòi, ngồi dưới bóng chòi ấy mà đợi xem điều sẽ xảy đến cho thành ấy.” (Giô na 4:5).
Nói tới ra khỏi thành làm chúng ta nhớ đến Ðức Chúa Jesus. Vào ngày chịu thương khó, “Ðức Chúa Jêsus vác thập tự giá mình, đi ra ngoài thành, tại nơi gọi là cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Gô-gô-tha.” (Giăng 19:17). Tại đó quân lính đã đóng đinh Ngài vào thập tự giá. Trên thập tự giá ở ngoài thành, Ðức Chúa Jesus cầu nguyện với Ðức Chúa Cha “xin tha cho họ” (Lu ca 23:34) là những kẻ phạm tội với Ngài. Còn Giô na ra ngoài thành ngồi đó mong đợi Ðức Chúa Trời giáng tai họa xuống để tiêu diệt những kẻ ăn năn tội với Chúa. Tại sao như vậy? Tại vì Giô na cố chấp, quyết tâm giữ ý định của mình chớ không chịu thay đổi ý của mình, theo như ý của Chúa. Xin nhớ là: Những người cố chấp, khăng khăng giữ ý riêng của mình rất dễ sai lạc ý Chúa và như vậy là phạm tội với Ngài.
Tại sao Ðức Chúa Jesus bị người ta đóng đinh mà sẵn sàng tha thứ cho họ? Tại vì Ðức Chúa Jesus sẵn sàng vâng phục theo Ý của Ðức Chúa Trời. Đối với Đức Chúa Giê su thì Ngài luôn luôn sống theo phương châm: “Xin Ý Cha được nên.” (Ma thi ơ 26:42). Nay Ý Cha bằng lòng để cho Ngài lên thập giá, Ðức Chúa Jesus sẵn sàng vâng phục, không oán than gì cả, nên những kẻ đóng đinh Ngài, Ngài sẵn sàng tha thứ. Còn Giô na không vâng phục Ý Ðức Chúa Trời nên Ông không đồng ý với Chúa tha thứ cho dân thành Ni ni ve được sống.
Thưa Quý vị, nếp sống “Xin Ý Cha được nên” và sẵn sàng tha thứ cho những ai có lỗi với mình là nếp sống mà mỗi chúng ta phải học theo Ðức Chúa Jesus để chúng ta sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời.
Xin mỗi chúng ta suy nghĩ điều nầy. Giô na đã sống không vâng phục Ý Chúa, muốn mọi sự sẽ nên như ý mình, thế thì ý định của Giô na đã có trở thành sự thật như ý Ông muốn không? Không! Vì Ðức Chúa Trời có quyền năng khiến cho Ý Ngài thành sự thật, còn loài người chúng ta không có quyền năng như vậy. Vả lại Ý của Chúa luôn luôn là cao cả tốt lành, như Chúa phán: "Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu." (Esai 55:9)
Còn nếu sống hoàn toàn vâng phục theo Ý Cha được nên, như Ðức Chúa Jesus, thì Ngài có bị Ðức Chúa Trời để cho bị thiệt thòi không? Câu trả lời là không! Chúng ta hãy nghe Kinh Thánh nói về sự vâng phục của Ðức Chúa Jesus: “Ngài đã .... vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Ðức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Ðức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Ðức Chúa Trời, là Ðức Chúa Cha.” (Phi líp 2:8-11).
Thưa Quý vị, đời sống chúng ta nếu biết tôn kính Chúa, vâng phục Chúa cách trọn vẹn thì không bao giờ bị thiệt thòi, nhưng chắc chắn sẽ được Ðức Chúa Trời ban phước nhiều hơn những điều chúng ta mơ ước.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta biết vâng phục Ý Chúa mỗi ngày, mỗi việc trong đời sống của chúng ta. A-men.
Cầu xin Chúa giúp chúng ta biết vâng phục Ý Chúa mỗi ngày, mỗi việc trong đời sống của chúng ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét