032 - NIỀM VUI GIÁNG-SANH (Lu ca 2:4-16)

            Mỗi năm cứ vào tháng 12 Dương lịch, hầu hết khắp mọi nơi trên thế giới đều đón mừng Lễ Chúa Giáng sanh. Người ta vui mừng vì được nghỉ Lễ và có những buổi tiệc Nô-ên ăn ngon, vui vẻ. Nhưng nếu chúng ta đón mừng Lễ Chúa Giáng sanh chỉ có như thế mà thôi thì thật là thiếu sót. Muốn mừng Lễ Chúa Giáng sanh cho đúng, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa Lễ Chúa Giáng Sanh.
            Cách đây hơn 2000 năm, khi Chúa Jêsus Giáng sanh thì các Thiên sứ từ trời đến báo tin cho nhân loại qua các gã chăn chiên rằng: “…Ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân.” (Luca 2:10). Hôm nay xin kính mời Quý vị tìm hiểu sự vui mừng thật sự của Lễ Chúa Giáng Sanh là gì?
            Sự giáng sanh của Ðức Chúa Giê su là do ý định của Ðức Chúa Trời. Vì vậy muốn tìm hiểu ý nghĩa Lễ Chúa Giáng sanh chúng ta nên học biết về Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời là ai? Ngài là Ông Trời, là Ðấng Tạo Hóa. Vì chúng tôi gọi nhiều người bằng Ông, cho nên, để tỏ lòng tôn kính Ngài, chúng tôi gọi Ngài là Ðức Chúa Trời.
            Ðức Chúa Trời đã tạo nên loài người. Chính Ngài đã ban sự sống cho loài người, cho nên Ðức Chúa Trời yêu mến loài người vô cùng. Ngài chăm sóc loài người và ban phước cho loài người. Tác giả Thi thiên nói: "Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng." (Thi Thien 103:5). Ngài cho loài người cuộc sống tự do, để hưởng phước của Ngài.
            Nhưng tiếc thay khi được tự do, loài người lại không chịu vâng phục Ðức Chúa Trời, và làm nhiều điều tội lỗi mà Kinh Thánh đã nói đến, như: “tham lam hung dữ, chan chứa những điều ghen ghét, giết người cải lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách dèm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ vv…” (Rô ma 1:29-31). Ðọc qua danh sách những tội lỗi kể trên, chắc chắn chúng ta thấy mình đã có phạm một hay nhiều điều tội lỗi nào đó. Thí dụ nói đến dối trá thì đôi khi chúng ta dối trá với chính Cha mẹ mình. Hồi còn là một sinh viên, hôm nọ cuối tuần, mấy bạn học rủ nhau đi xi-nê, đến sáu bảy giờ tối mới về nhà, Mẹ tôi hỏi:
            - Con đi đâu mà cả buổi chiều Mẹ tìm con để biểu con làm công việc nhà, mà không thấy?
            - Dạ con đi thư viện học bài.
            Tội nghiệp bà Mẹ, khi nghe nói con đi học bài thì Mẹ vui lắm. Nhưng tiếc thay đứa con đã nói dối Mẹ của mình. Tệ thật! Ðây là tội lỗi. Hậu quả của tội lỗi là gì?
            Kinh Thánh cho biết rằng: Cái giá để trả cho “tội lỗi là sự chết.” (Rô ma 6:23), và “Linh hồn cha cũng như linh hồn của con, linh hồn nào phạm tội thì phải chết.”(Êxêchiên 18:4). Sự chết nầy là bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Có người hỏi rằng: “Những việc lành của tôi, bù vào tội lỗi của tôi” được không? Thưa “không!” Ví dụ: Người kia có tài nấu ăn. Ông ta mở nhà hàng. Ông nấu ăn vừa ngon, bán lại rẻ lại vui vẻ. Nhiều người biết tiếng Nhà hàng của Ông càng ngày càng phát đạt. Ông có nhiều tiền và dùng tiền nầy giúp cho nhiều cơ quan từ thiện. Mọi người đều khen Ông rất tốt.
            Ngày kia khi nấu ăn, nhưng lở vô tình Ông ta nêm canh chua bằng gói thuốc chuột. Năm sáu chục người ăn bị trúng độc đưa vào nhà thương. Cảnh sát điều tra và Ông ta bị đưa ra tòa. Tòa hỏi:
            - Anh kia, anh có nêm canh chua bằng thuốc chuột không?
            - Dạ có. Nhưng xin Tòa tha bổng vì tôi đã giúp đỡ nhiều người, và tôi tử tế với mọi người.
            Quý vị nghĩ Ông ta có được tha bổng không? Không! Tại vì nấu ăn nêm thuốc chuột vào đồ ăn là phạm tội và Ông ta phải bị phạt.
            Cũng vậy khi ta làm nhiều điều thiện là bổn phận, còn khi làm điều sai quấy chỉ một lần thì cũng có tội. Vì vậy mà cổ nhân dạy rằng: “Chung thân hành thiện, thiên do bất túc, nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư.” Nghĩa là cả đời làm lành lành không đủ, một ngày làm ác, ác đã dư. Cho nên, ai cũng hiểu rằng: “Nhơn vô thập toàn.” Nghĩa là mình không vẹn toàn, mình có tội. Trong khi loài người tuyệt vọng như vậy, thì Ngôi Hai Ðức Chúa Trời bằng lòng tình nguyện giáng thế, để cứu những tội nhơn. Ngài đã Giáng sanh trở thành một Hài Nhi tại làng Bết lê hem. Hôm đó Thiên sứ đã đến báo cho nhân thế rằng: “…Ta báo cho các ngươi một Tin Lành.… tại thành Ða-vít đã sanh cho các ngươi một Ðấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.” (Luca 2:10-11).
            Loài người thật sự cần Ðấng Cứu Thế, vì loài người đã phạm nhiều tội lỗi như đã đề cập ở trên. Hơn nữa, sống trên đời, loài người cần đi đúng con đường đáng phải đi theo ý của Đấng Tạo Hóa của mình, nhưng người ta “thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy." (Ê sai 53: 6). Ðối với loài người thì người ta không sống yêu thương nhau, mà lại lừa gạt nhau, gây gổ nhau và nhiều khi tìm cách giết nhau. Còn đối với Ðức Chúa Trời thì thay vì thờ phượng Ngài, vì Ngài là Ðấng Tạo Hóa của mình, người ta lại đi thờ con cọp, con cá voi, con rắn hổ… thờ viên đá, gọi là Ông Tà và tiếp theo nữa là người ta lại thờ phượng người nầy, người khác dù biết rằng những người đó cũng chỉ là loài người như chúng ta mà thôi. Chưa đủ, người ta còn vẽ hình nầy, tạc tượng kia để thờ phượng, rồi người ta cũng thờ Trời. Ðức Chúa Trời rất không bằng lòng việc nầy, đến nỗi Ngài hỏi rằng: "Vậy thì các ngươi sánh ta cùng ai? Ai sẽ bằng ta?" (Ê sai 40:25). Kinh Thánh nói rõ và mọi người đều biết: "Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy." (Thi Thien 115:5). Hình tượng có giá trị gì đâu tại sao thờ phượng?
            Dù loài người phạm tội như vậy, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn yêu thương loài người. Ngài đặt ra chương trình cứu rỗi yêu thương để cứu tội nhơn. Ðó là Ðức Chúa Giê su bằng lòng: "Chịu chết vì tội chúng ta." (1 Cô 15:3b). Ðức Chúa Trời " làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người." (Ê sai 53:6b). Ví dụ: Ðây là gánh nặng tội lỗi trên vai của chúng ta. Ðức Chúa Trời đem gánh tội lỗi nầy chất trên Chúa Jêsus. Chúa Jêsus gánh nó, rồi Ngài đã phải chịu chết trên thập giá để chịu hình phạt thay cho chúng ta. Bây giờ chúng ta tin nhận Ðức Chúa Giê su là Cứu Chúa của mình. Chúng ta được Ðức Chúa Trời tha thứ, xóa bỏ tội lỗi của chúng ta, rồi Ngài ban cho chúng ta sự sống vĩnh phúc. 
             Ðây là niềm vui đích thực của Lễ Chúa Giáng sanh.
            Có người nói: Tội ai nấy chịu chớ, tại sao tội của tôi mà lại đặt lên vai Chúa Jêsus phải chịu? Tại sao có chuyện bất công như vậy? Thưa Quý vị, không bất công đâu, vì Ðức Chúa Trời bằng lòng như vậy bởi tình yêu của Ngài. Ví dụ: Tôi đến nhà thăm quý vị. Quý vị mời tôi ăn một bữa bánh xèo. Ăn xong Quý vị còn cho tôi ăn thêm miếng bánh và ly cà phê sữa vừa thơm vừa ngọt. Nhưng sau khi ăn xong và uống hết ly cà phê, tôi cám ơn Quý vị rồi ra về, không trả tiền cho Quý vị. Ðiều nầy có vẽ bất công vì tôi đã ăn bánh và uống cà phê của Quý vị. Tính đúng ra có thể là tôi phải trả cho Quý vị US$15.00, thì mới công bình. Nhưng tôi chỉ nói lời cám ơn mà thôi. Ðiều nầy phải bất công không? Không! Tại vì mến tôi, Quý vị bằng lòng mời tôi ăn uống khỏi trả tiền. Tôi chấp nhận, Quý vị thấy vui. Nếu tôi không chấp nhận lòng tốt của Quý vị, mà lại cố gắng đưa tiền US$15.00 để trả, chắc Quý vị buồn tôi.
            Cũng vậy, việc Chúa Jêsus chịu chết thay cho chúng ta là giải pháp cứu rỗi yêu thương của Ðức Chúa Trời đặt ra. Vì Ngài biết rằng nếu kéo thẳng lẽ công bằng thì tất cả loài người không ai xứng đáng được cứu cả. Ngài không đòi công bằng. Ngài chỉ muốn bày tỏ tình yêu của Ngài đối với tội nhơn. Cho nên Kinh Thánh nói: "Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết." (Rô ma 5:8). Nếu Quý vị chấp nhận giải pháp cứu chuộc của Ngài, thì Ngài rất vui ban sự tha thứ cho Quý vị, và hơn nữa, Ngài còn nhận Quý vị là con cái yêu dấu của Ngài. Ngược lại, nếu Quý vị không chấp nhận thì Ngài buồn. Nhưng Ngài tôn trọng sự tự do của Quý vị. Tuy nhiên, sau nầy quý vị sẽ phải ứng hầu trước Tòa Án Thiên Thượng mà chính Ngài sẽ là Quan Án Công bình xét xử. Với bản án chung thẩm nầy, người có tội phải chịu hình phạt vì tội của mình. Lúc đó không còn cơ hội tin nhận Ðức Chúa Giê su để được tha tội, cơ hội nầy đã hết.
Có người lo rằng như vậy thì bây giờ cứ tin Chúa Jêsus rồi cứ phạm tội thì sao? Không hề như vậy, vì “Tin lành là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin.” (Thánh thư Rô ma 1:16). Chúa đã cứu ai thì Ngài ban cho người đó năng lực thắng hơn tội lỗi, và nguời được cứu không còn ham mê làm tội lỗi nữa. Có người ham muốn cờ bạc, Casino, đàn điếm, hút sách, nhưng sau khi tiếp nhận Chúa Ngài ban ơn cho người đó, không còn ham muốn nữa.
            Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta hôm nay hãy đến với Ngài, Chúa phán: “dù tội các người đỏ như hồng điều, ta sẽ cho trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.” (Ê sai 1:18).
            Bây giờ là phần của Quý vị phải quyết định có chấp nhận Ngài hay không? Có một trong hai cách để Quý vị thưa với Ðấng Quan Án Công Bình là Ðức Chúa Trời.
            a.- Quý vị thưa với Ngài rằng: "Thưa Thượng Ðế tôi đã cố gắng làm lành lánh dữ rất nhiều, tôi là người tốt, tôi không xấu. Tôi là người công bình và thánh thiện, xin Ngài cứ xét lẽ công bình cho tôi, tôi không cần sự tha thứ." Hoặc là
            b.- Quý vị thưa với Ngài rằng: “Thưa Thượng Ðế con tự xét thấy là con bất toàn, con có tội. Con xin tin nhận Chúa Jêsus là Ðấng đã chết thế cho con trên thập giá. Xin Thượng Ðế tha tội cho con.”
            Ðiều nầy giống như hai đứa con có lỗi, nó đứng cải lý, cải lẽ với cha nó. Còn đứa con kia không cải lý với cha nó; nó chỉ xin cha nó tha thứ lỗi cho nó mà thôi.
            Cầu xin Chúa cảm động lòng Quý vị muốn làm đứa con xin sự tha thứ của Ngài; chớ không phải là một người nghĩ mình là vô tội cải lý với Ðấng Thẩm phán Công Bình xét xử mình.
            Ðức Chúa Trời yêu thương Quý vị, Ngài muốn biếu tặng sự cứu rỗi cho Quý vị. Ngài không đòi hỏi công đức nào của Quý vị cả. Quý vị chỉ có thể thật sự hưởng sự vui mừng Lễ Giáng Sanh bằng cách tiếp nhận Ðức Chúa Giê su làm Cứu Chúa để quý vị được tha thứ tội lỗi và hưởng sự sống vĩnh phúc trong Danh Ngài.
            Cầu xin Ðức Chúa Trời Từ Ái ban phước lành cho Quý vị. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét