037 - KỲ HẠN ÐÃ ÐƯỢC TRỌN: CHÚA GIÁNG SANH (Ga la ti 4:4)

           Gần đến ngày Lễ Chúa Giáng sanh, chúng ta thấy nhiều nơi có những khung cảnh thật là vui vẻ, nhộn nhịp. Tại những trung tâm thương mại, chúng ta nghe hát những bài Thánh ca Giáng sanh rất hay và những món quà Giáng sanh trưng bày với những ánh đèn màu sắc thật là đẹp mắt. Vào những ngày lễ Giáng sanh không những người theo Ðạo của Chúa vui, mà những người không theo Ðạo của Chúa cũng vui. Không những ở Bắc bán cầu người ta vui mà ở Nam bán cầu cũng vui.
           Lễ Chúa Giáng sanh khởi nguồn từ đâu? Thánh Phao lô nói: “Khi kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra.” (Ga la ti 4:4).

I.- KHỞI NGUỒN SỰ GIÁNG SANH:
           Cụm từ “khi kỳ hạn đã được trọn” làm chúng ta suy nghĩ rằng lúc “kỳ hạn” Giáng sanh chưa trọn thì Con Ðức Chúa Trời chưa đến thế gian, và rồi dần dần đến khi “kỳ hạn đã được trọn” thì Con Ðức Chúa Trời đến thế gian. Lúc đó là lúc nào? Lý do giáng sanh của Con Ðức Chúa Trời bắt đầu từ lúc nào?
          Khi Ðức Chúa Trời tạo dựng nên loài người, Ngài đặt họ trong vườn Ê-đen phước hạnh. Tại đây Ngài phán dặn loài người nên vâng phục Ngài, để họ được gần gũi Ðấng Tạo Hóa và được phước. Ngài phán dặn họ rằng: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng thế ký 2:16-17). Nhưng tiếc thay loài người đã chống lại mạng lịnh của Ðức Chúa Trời. Họ đã ăn trái cây nầy. Sau khi ăn trái cây, phạm tội nghịch mạng lịnh Ðức Chúa Trời, Ông Bà A-đam đi trốn. 
           Giê-hô-va Ðức Chúa Trời gọi A-đam hỏi rằng: Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng? A-đam thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn phán cùng rắn rằng: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” (Sáng thế ký 3:15).
           Ðây là lời hứa của Ðức Chúa Trời ban ra để bày tỏ giải pháp cứu tội nhơn. Ngài hứa ban cho nhơn loại một Ðấng Cứu Thế thắng hơn con rắn, tức là “Sa tan” (Khải huyền 12:9), đạp đầu Sa-tan để cứu nhân loại. Ðặc điểm của Ðấng Cứu Thế là thuộc "dòng dõi người nữ," nghĩa là Ðấng Cứu Thế sẽ được sanh ra bởi người nữ, không có sự liên hệ với người nam. Vậy thì sự giáng sanh của Ðấng Cứu Thế bắt nguồn từ trong ý định sẵn có của Ðức Chúa Trời, vì ngay khi loài người phạm tội, Ngài tuyên bố ngay phương cách cứu chuộc tội nhơn. Ngài không cần phải đợi chờ tìm giải pháp. Sau khi đã ban ra lời hứa, Ðức Chúa Trời quyết tâm thi hành. Chính Ðức Chúa Trời phán rằng: “Ta sẽ tỉnh thức, giữ lời phán ta đặng làm trọn.” (Giê rê mi 1:12). Nghĩa là Ðức Chúa Trời đã liên tục thực hiện những điều cần thiết để cho Ðấng Cứu Thế giáng trần, ngay “khi kỳ hạn đã được trọn.”

II.- NHỮNG CHUẨN BỊ ĐỂ CHÚA GIÁNG SANH:
           Nhưng cả “thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Ðức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác.” (Sáng thế ký 6:11). Ðiều bại hoại lớn nhất của loài người là từ chối Ðức Chúa Trời và thờ lạy hình tượng. Ðây là một tội gớm ghiếc đối với Ðức Chúa Trời. Vì khi thờ hình tượng, người ta kể là ngang hàng với Ðức Chúa Trời là Ðấng xứng đáng được thờ phượng. Loài người bại hoại cho đến nỗi tất cả nhân loại đều ưa thích thờ hình tượng. Là người Việt Nam, chúng ta thấy người mình thờ rất nhiều hình tượng và các nước xung quanh cũng thờ rất nhiều hình tượng. Khi có dịp đến  Úc, chúng ta thấy Thổ dân ở Úc, qua tới Tân Tây lan, người ta cũng thấy thổ dân thờ hình tượng. Chúng ta hãy giả dụ rằng, nếu Ðức Chúa Trời sai Con Ngài đến thế gian bằng cách được sanh ra ở Việt Nam, hoặc ở tại một nước nào đó đang thờ hình tượng, cách đây hơn 2000 năm, thì Con Ngài là Con Trẻ Giê su đã được người lớn trong gia đình dạy thờ cúng hình tượng! Ðây là điều Ðức Chúa Trời không bao giờ bằng lòng. Vì vậy Ðức Chúa Trời đã tạo dựng một dân tộc biệt riêng cho Ngài, được dạy kỹ lưỡng là phải thờ phượng Ðức Chúa Trời và không thờ hình tượng để nơi đó Ðức Chúa Trời đưa Con Ngài vào thế gian.

A.- ÐỨC CHÚA TRỜI TẠO NÊN MỘT DÂN TỘC KHÔNG THỜ HÌNH TƯỢNG:
           Ðể tạo dựng nên một dân tộc biệt riêng cho Ngài, Ðức Chúa Trời đã kêu gọi một người tên là Áp-ram tại Cha-ran, xứ Canh đê phán cùng Áp-ram rằng: “Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.… và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước. Rồi Áp-ram đi, theo như lời Ðức Giê-hô-va đã phán dạy.” (Sáng thế ký 12:1-4). Áp-ram dẫn vợ là Sa-rai đi theo tiếng gọi của Ðức Chúa Trời. Lúc đó Ông được 75 tuổi, Bà được 65 tuổi. Hai Ông Bà chưa có con, v sau Ông được Ðức Chúa Trời đặt tên lại là Áp ra ham.
           Ðến khi Áp ra ham được 100 tuổi thì Ðức Chúa Trời ban cho Ông một người con trai tên là Y-sác (Sáng thế ký 21:5). Áp ra ham dạy Y-sác và dẫn Y-sác đi thờ phượng Ðức Chúa Trời (Sáng thế ký 12). Y-sác theo gương cha mình là Áp ra ham, thờ phượng Ðức Chúa Trời: “cầu khẩn Danh Ðức Giê Hô va.” (Sáng thế ký 26:25).
           Y-sác sanh được hai người con tên là Ê sau và Gia Cốp. (Sáng thế ký 25:25-26). Gia cốp theo gương của cha Y-sác và Ông nội là Áp ra ham thờ phượng Ðức Chúa Trời. Gia cốp được Ðức Chúa Trời đặt tên là "Y sơ ra ên" (Sáng thế ký 32:28). Ông sanh được 12 người con trai và một người con gái "tên là Ði na" (Sáng thế ký 30:21). Gia cốp cư ngụ tại xứ Ca na an. Nhưng vì có cơn đói kém lớn và lúc đó Ông có một người con trai tên là Giô sép được vua Ê díp tô lập lên “cầm quyền trên cả xứ Ê díp tô” (Sáng thế ký 41:41), nên Gia cốp đem tất cả gia đình mình từ Ca na an đến Ai-cập sinh sống, nếu không kể những nàng dâu thì "cộng hết thảy là bảy mươi người" (Sáng thế ký 46:26-27). Khi họ ở Ê díp tô, dần dần “con cháu Y sơ ra ên thêm nhiều lạ lùng, nẩy nở ra, và trở nên cường thịnh, cả xứ đều đầy dẫy.” (Xuất Ê díp tô ký 1:7). Về sau, vua Pha ra ôn của Ê díp tô tìm cách tiêu diệt nòi giống Y-sơ-ra-ên. Vua Ê díp tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ trở nên "cay đắng và khổ sở" (Xuất 1:14). Quá khổ đau, dân Y-sơ-ra-ên kêu cầu Ðức Chúa Trời giải cứu họ. Ðức Chúa Trời kêu gọi Môi se dẫn dắt dân Ngài ra khỏi xứ Ê díp tô. Lúc đó dân Y-sơ-ra-ên có “600 ngàn người đàn ông” (Dân số ký 11:21). Như vậy nếu tính cả đàn bà và con nít thì dân tộc Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ có thể là khoảng 2 triệu người.
           Khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê díp tô, Ðức Chúa Trời sai đầy tớ Ngài là Môi se ban cho họ mười điều răn để tuân giữ theo ý Chúa, trong đó:
           - Ðiều răn thứ nhất là: “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất Ê díp tô ký 20:3).
           - Ðiều răn thứ hai là: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó.” (Xuất Ê díp tô ký 20:4).
           Ðức Chúa Trời dạy họ kỹ lưỡng rằng: “Chớ xây về hình tượng và cũng chớ đúc tượng tà thần: Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của các ngươi.” (Lê vi ký 19:4). Tiên tri Sa mu ên cũng dạy con dân Ðức Chúa Trời rằng: “Chớ lìa bỏ Ngài đặng đi theo những hình tượng hư không, chẳng có ích chi, cũng không biết cứu; vì hình tượng chỉ là hư không mà thôi.” (1 Sa mu ên 12:21).
           Bởi sự dạy dỗ của Chúa, dân Y-sơ-ra-ên có tôn chỉ là không thờ phượng hình tượng. Suốt lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, dù cho có khi họ bất toàn vấp phạm thờ hình tượng, nhưng đó chỉ là một số người vi phạm trong một thời gian nào đó, rồi họ được Ðức Chúa Trời dấy lên những tôi tớ của Ngài quở trách họ, chỉ dạy họ và dẫn họ trở lại thờ phượng Ðức Chúa Trời, không thờ hình tượng nữa. Cho nên khi Con Trẻ Giê su sanh ra: “Theo luật pháp Môi-se, Giô-sép và Ma-ri đem Con Trẻ lên thành Giê-ru-sa-lem để dâng cho Chúa, như đã chép trong luật pháp Chúa rằng: Hễ con trai đầu lòng, phải dâng cho Chúa, lại dâng một cặp chim cu, hoặc chim bò câu con, như luật pháp Chúa đã truyền.” (Lu ca 2: 21-24). Nghĩa là Ông Giô sép và Bà Ma ri đã làm nghi lễ theo ý Ðức Chúa Trời cho Con Trẻ Giê su. Ðến khi được 12 tuổi, theo lệ thường ngày lễ, Con Trẻ Giê su đi theo Ông Giô sép và Bà Ma ri lên Ðền thờ tại thành Giê ru sa lem để thờ phượng Ðức Chúa Trời, chớ không có thờ hình tượng.
           Như vậy, muốn có một dân tộc không thờ phượng hình tượng để từ đó sai Con Ngài đến thế gian, Ðức Chúa Trời đã tạo dựng nên một đân tộc thuộc riêng cho Ngài, thờ phượng Ngài. Nhưng có câu hỏi đặt ra là: Cả dân tộc Y-sơ-ra-ên rất đông, có nhiều triệu người, thì làm sao người ta biết người nào là Chúa Cứu Thế của nhơn loại do Ðức Chúa Trời sai đến? Ðức Chúa Trời biết điều nầy, nên Ngài đã giúp cho loài người nhận ra Con Ngài bằng cách báo trước cho nhân loại biết những dấu hiệu nào thì đó là Con Ngài, để loài người nhận ra đó là Ðấng Cứu Thế.  

B.- NHỮNG DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC VỀ CON ÐỨC CHÚA TRỜI:
           Chúng ta kể ra đây một số trong nhiều dấu hiệu được báo trước do những tiên tri là những tôi tớ Đức Chúa Trời theo ý Ngài viết ra. Người nói tiên tri về Đức Chúa Giê su trước nhất là Môi se, sống trước Đức Chúa Giê su sanh ra khoảng 1500 năm (1500 BC). Kế đó là những tiên tri lược kể ra đây là: Sa mu ên (1050 BC), Đa vít viết Thi thiên (1000 BC), Mi chê (750 BC), Ê sai (700 BC) và Xa cha ri (515 BC).
1. Ðấng Cứu Thế và Ðấng Cứu Thế sẽ thuộc dòng dõi người nữ. Theo ý Chúa Ê sai đã nói tiên tri rằng: “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên.” (Ê sai 7:14)
2. Ðấng Cứu Thế thuộc Chi phái Giu đa: Có lời báo hiệu rõ ràng là theo phần xác thì Ðấng Cứu Thế sẽ thuộc về Chi phái Giu đa. Môi se viết: “Cây phủ việt chẳng hề dời khỏi Giu-đa, Kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chơn nó, Cho đến chừng Ðấng Si-lô hiện tới, Và các dân vâng phục Ðấng đó.” (Sáng thế ký 49:10)
3. Ðấng Cứu Thế là con cháu vua Ða vít: Có lời báo trước là Ðấng Cứu Thế thuộc dòng dõi vua Ða vít. Tiên tri Sa mu ên viết: “….nhà ngươi và nước ngươi được bền đổ trước mặt ngươi đời đời; ngôi ngươi sẽ được vững lập đến mãi mãi.” (2 Sa mu ên 7:12,16). Ê sai cũng đã nói tiên tri rằng: “Có một chồi sẽ nứt lên từ gốc Y-sai, một nhành từ rễ nó sẽ ra trái… Xảy ra trong ngày đó, rễ Y-sai đứng lên làm cờ cho muôn dân, các nước đều tìm đến Ngài, nơi an nghỉ của Ngài sẽ được vinh hiển.” (Ê sai 11:1, 10). [Y-sai là cha của Ða vít (Ru-tơ 4:16)].
4. Ðấng Cứu Thế giáng sanh tại Bết lê hem: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Mi chê báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ giáng sanh tại làng Bết lê hem: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng ngàn Giu-đa là nhỏ lắm, song từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Mi chê 5:1).
5. Ðấng Cứu Thế bị một kẻ phản bội Ngài: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Đa vít báo trước rằng Chúa Cứu Thế bị một người phản bội. Đa vít viết: “Người bạn thân tôi, Mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, Cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi.” (Thi thiên 41:9).
6. Ðấng Cứu Thế là Ðấng không dối trá: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Ê sai báo cho nhân loại biết là Chúa Cứu Thế là người không dối trá. Ê sai viết: “Người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng.” (Ê sai 53:9c).
7. Ðấng Cứu Thế là Ðấng im lặng chịu thương khó: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Ê sai báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ chịu im lặng: “Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng.” (Ê sai 53:7)
8. Ðấng Cứu Thế chịu chết vì bị đóng đinh tay và chơn: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Đa vít báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ bị đóng đinh hai tay, hai chân. Đa vít viết: “Một lũ hung ác vây phủ tôi; Chúng nó đâm lủng tay và chơn tôi.” (Thi thiên 22:16).
9. Ðấng Cứu Thế bị người ta đâm: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Xa cha ri báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ bị đâm. Xa cha ri viết: “chúng nó sẽ nhìn xem Ta là Ðấng chúng nó đã đâm.” (Xa cha ri 12:10).
10. Dù Ngài bị giết, nhưng xương Ngài không bị gãy: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Đa vít báo cho nhân loại biết là xương cốt Chúa Cứu Thế không bị gãy: “Ngài giữ hết thảy xương cốt người, Chẳng một cái nào bị gãy.” (Thi thiên 34:20).
11. Người ta bắt thăm để lấy cái áo Ðấng Cứu Thế: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Đa vít báo cho nhân loại biết là Đấng Cứu Thế khi chết sẽ bị người ta chia nhau áo xống của Ngài, như có chép rằng: “Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi.” (Thi thiên 22:18).
12. Người ta đặt chỗ chết của Ngài chung với kẻ ác: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Ê sai báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ bị giết chung “với những kẻ ác” (Ê sai 53:9a).
13. Ngài sẽ được chôn nơi người giàu: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Ê sai báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ được chôn nơi “người giàu.” (Ê sai 53:b).
14. Ngài sẽ bị giết vì tội lỗi dân ta: Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Ê sai báo cho nhân loại biết rõ là Con Ngài sẽ chết “vì cớ tội lỗi dân ta.” (Ê sai 53:8).
15. Ngài chẳng hề thấy sự hư nát. Ðức Chúa Trời sai tôi tớ Ngài là tiên tri Đa vít báo cho nhân loại biết là Con Ngài sẽ sống lại: “Chẳng hề thấy sự hư nát.” (Thi thiên 49:8).
           Ðã có nhiều điều Ðức Chúa Trời báo trước để nhân loại nhờ đó nhận ra Ðấng Cứu Thế, nhưng cho đến thời của Ma la chi, khoảng hơn 400 năm trước Công nguyên, Ðức Chúa Trời vẫn chưa sai Con Ngài đến thế gian. Tại vì “kỳ hạn chưa trọn,” Ðức Chúa Trời còn cần chuẩn bị cho thế giới có đủ điều kiện về "ngôn ngữ" tốt.

Về Ngôn ngữ:
           Khoảng thời gian 400-300 năm trước Công Nguyên, Ðức Chúa Trời cho dân tộc Hy lạp có nhiều triết gia và nhiều nhà thông thái xuất hiện. Đế quốc Hy lạp trở nên hùng mạnh. Họ đã chiếm lấy các nơi như: Asia Minor, Syria, Egypt, Assyria và Babylonia và Persia. Nhờ đó, họ truyền bá văn hóa và chữ viết Hy lạp khắp cả vùng đất rộng lớn. Ngôn ngữ Hy lạp rất đặt biệt là mỗi từ ngữ có ý nghĩa rõ ràng. Do đó khi Ðấng Cứu Thế phán dạy Lời Hằng Sống của Ngài và các Sứ đồ viết Kinh Thánh Tân Ước dưới sự hà hơi của Đức Chúa Thánh Linh bằng chữ Hy lạp thì những ý nghĩa của Lời Chúa minh bạch, không bị lầm lẫn.
Dù vậy, đối với Ðức Chúa Trời “kỳ hạn vẫn chưa trọn,” cho nên Con Ngài chưa giáng thế. Ngài còn cần chuẩn bị thêm việc xây dựng những đường xá lưu thông cho cả vùng xung quanh đất nước mà Con Ngài sẽ đến.

Về sự giao thông:
           Sau khi đế quốc Hy lạp sụp đổ, Ðức Chúa Trời cho phép đế quốc La mã thành hình. Ðế quốc La mã phát triển rộng lớn bao gồm tất cả các nước xung quanh Ðại Trung hải, thêm một phần Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Ðất nước Y-sơ-ra-ên lúc đó cũng bị đế quốc La mã đô hộ. Người La mã có biệt tài thiết lập những con đường giao thông. Do đó, hệ thống đường xá của họ rất tốt nối liền khắp cả Ðế quốc La mã. Như vậy khi Con Ðức Chúa Trời đến thế gian truyền rao sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời cho nhân loại, thì tin tức tốt lành nầy được truyền bá khắp nơi được dễ dàng vì ngôn ngữ đã tốt và đường xá giao thông đã thuận tiện sẵn sàng.

“Kỳ hạn đã được trọn:”
           Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy Ðức Chúa Trời đã tạo nên một dân tộc biệt riêng cho Ngài. Ngài sai những tiên tri, tôi tớ của Ngài báo trước về những dấu hiệu để nhân loại nhận biết ai là Ðấng Cứu Thế. Ngài cũng chuẩn bị ngôn ngữ tốt để việc truyền bá Ðạo Tin Lành Cứu rỗi được rõ ràng và hệ thống đường xá di chuyển đến nhiều quốc gia xung quanh nơi Con Ngài giáng thế thuận tiện, dễ dàng. Lúc đó “Kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra.” Nghĩa là Ðấng Cứu Thế giáng sanh.

III. SỰ GIÁNG SANH CỦA CHÚA CỨU THẾ:
           Thời đó, tại thành Na xa rét, có cô trinh nữ tên là Ma ri, Thiên sứ Gáp-ri-ên đến cùng cô và nói rằng: “Ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê su.” (Lu ca 1:31). Ma ri bèn thưa rằng: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?” (Lu ca 1:34). Thiên sứ trả lời rằng: “Ðức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Ðấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Ðức Chúa Trời.” (Lu ca 1:35). Lúc đó vào thời trị vì của Hoàng Ðế La mã tên là Sê-sa Au-gút-tơ. Hoàng đế ra chiếu chỉ cho toàn dân trong Ðế quốc ai nấy phải về quê quán mình để khai tên vào sổ bộ. “Vì Giô-sép là dòng dõi nhà Ða-vít, cho nên cũng từ thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê, lên thành Ða-vít, gọi là Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, để khai vào sổ tên mình và tên Ma-ri, là người đã hứa gả cho mình đương có thai. Ðang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma-ri đã đến. Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” (Lu ca 2:4-7). Ðến ngày thứ tám là ngày phải làm phép cắt bì cho Con trẻ, thi Hai Ông Bà Giô sép và Ma ri đặt tên cho Con trẻ là “Giê-su là tên Thiên sứ đã đặt cho trước khi chịu cưu mang trong lòng mẹ.” (Lu ca 2:21).

IV.- VỀ ÐỨC CHÚA GIÊ-SU.
           Như trên đã trình bày ở trên, vì dân Y-sơ-ra-ên có nhiều triệu người thì làm sao nhân loại biết ai là Con Ðức Chúa Trời sai đến để làm Ðấng Cứu Thế? Bây giờ chúng ta tìm hiểu về những lời báo trước của Ðức Chúa Trời đã ứng nghiệm vào cuộc đời của Người tên Giê-su, để biết rằng Ngài đúng là Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã hứa từ buổi Sáng thế để cứu tội nhơn. Chúng ta hãy xem những dấu hiệu Ðức Chúa Trời đã báo trước về Con Ngài và những điều đã ứng nghiệm đúng vào Ðức Chúa Giê-su. (Xin nhớ rằng những lời Ðức Chúa Trời báo trước về Ðức Chúa Giê-su đã xảy ra cho Ðức Chúa Giê-su còn nhiều, nhưng vì khuôn khổ bài viết ngắn ngủi nầy chúng ta chỉ lần lượt xem một số điều mà thôi).
           Những dấu hiệu báo trước về Con Ðức Chúa Trời là Đấng Cứu Thế sẽ đến trần gian, đã được ứng nghiệm trong Ðức Chúa Giê-su như sau:
1. Ðấng Cứu Thế thuộc dòng dõi người nữ (Sáng thế ký 3:15. Ê sai 7:14), đã ứng nghiệm là Chúa Giê su sanh ra bởi trinh nữ Ma ri (Ma thi ơ 1:18-25. Lu ca 1:34; 2:7). Ngài không có cha phần xác.
2. Ðấng Cứu Thế thuộc Chi phái Giu đa (Sáng thế ký 49:10; Thi thiên 60:7), đã ứng nghiệm Chúa Giê su là người Giu đa (Giăng 4:9).
3. Ðấng Cứu Thế sẽ là con cháu Ða vít (2 Sam 7 :12, 16 . Ê sai 11:1. Giê rê mi 23 :5), đã ứng nghiệm Chúa Giê su là dòng dõi vua Ða-vít (Mác 10:47; Rô ma 1:3; 2 Timôthê 2:8).
4. Ðấng Cứu Thế sẽ sanh tại Bết lê hem (Mi chê 5:1) đã ứng nghiệm Chúa Giê su đã sanh tại Bết lê hem (Ma thi ơ 2:1).
5. Ðấng Cứu Thế sẽ bị một kẻ phản bội (Thi thiên 41:9), đã ứng nghiệm Chúa Giê su đã bị Giu-đa Ích ca ri ốt phản bội (Mác 14:42).
6. Ðấng Cứu Thế là người không dối trá (Ê sai 53:9c), đã ứng nghiệm, Kinh Thánh nói Chúa Giê su không có tội, "miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá" (1 Phi 2:22).
7. Ðấng Cứu Thế khi bị ức hiếp không mở miệng (Ê sai 53:7), đã ứng nghiệm Chúa Giê-su không trả lời khi bị tra khảo (Lu ca 23:9. Giăng 19:9).
8. Ðấng Cứu Thế bị đóng đinh (Thi thiên 22:16), đã ứng nghiệm: Họ đóng đinh Ðức Chúa Giê-su (Ma thi ơ 27 :35. Lu ca 23 :33; 24:40).
9. Ðấng Cứu Thế bị họ đâm (Xa cha ri 12 :10), đã ứng nghiệm, "có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài" (Giăng 19:34).
10. Ðấng Cứu Thế dù chết, nhưng xương cốt không bị gãy (Thi Thiên 34:20), đã ứng nghiệm: Lính "không đánh gãy ống chân Ngài" (Giăng 19:33).
11. Họ bắt thăm để dành cái áo của Ðấng Cứu Thế (Thi thiên 22:18), đã ứng nghiệm, họ "bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài" (Ma thi ơ 27:35).
12. Người ta đặt chỗ chết của Ðấng Cứu Thế chung với những kẻ ác (Ê sai 53:9a), đã ứng nghiệm, người ta đã "đóng đinh Ngài trên cây thập tự, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả." (Lu ca 23:33).
13. Ðấng Cứu Thế được chôn chỗ người giàu (Ê sai 53: 9b), đã ứng nghiệm, Ngài được chôn trong mộ dành cho một người giàu (Ma thi ơ 27:57-60).
14. Ðấng Cứu Thế bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta (Ê sai 53:8), đã ứng nghiệm, Kinh Thánh chép: "Ðức Chúa Giê-su Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta." (1 Cô rinh tô 15:3).
15. Ðấng Cứu Thế sẽ “Chẳng hề thấy sự hư nát.” (Thi thiên 49:8), đã ứng nghiệm, vì dù đã chết, nhưng sau ba ngày, Đức Chúa Giê su đã “sống lại rồi.” (Ma thi ơ 28:6).
           Nhiều điều đã ứng nghiệm các lời báo hiệu trước về Ðấng Cứu Thế, đã ứng nghiệm vào Chúa Giê su, cho nên chúng ta nhận thấy rõ rằng Chúa Giê-su là Ðấng được Ðức Chúa Trời sai đến thế gian để làm Cứu Chúa của nhân loại. Hơn nữa, chỉ có ở Ðức Chúa Giê-su là Ðấng đã sống lại từ cõi chết, không ai được như vậy. Ngài đã bị giết chịu chôn ba ngày, rồi Ngài đã sống lại, ở cùng các môn đồ 40 ngày “phán bảo những điều về nước Ðức Chúa Trời.” (Công vụ 1 :3). Ðây là một bằng chứng rõ ràng nói lên rằng chính Ðức Chúa Giê-su là Ðấng Cứu Thế mà Ðức Chúa Trời ban cho nhơn loại.

V.- SỰ GIÁNG SANH ÐEM PHƯỚC HẠNH GÌ CHO NHÂN LOẠI?
           Ðến thế gian Chúa Cứu Thế Giê su đã làm những công việc gì để đem lại phước hạnh cho nhân loại? Khi "độ ba mươi tuổi" (Luca 3:23) Ðức Chúa Giê-su bắt đầu đi khắp xứ Y-sơ-ra-ên để rao giảng vể Nước Ðức Chúa Trời. Trong khi rao giảng, Ngài đã khiến cho “kẻ đui được sáng, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, Tin Lành đã rao giảng cho kẻ nghèo.” (Lu ca 7:22). Những việc làm của Ðức Chúa Giê su trên đất thật tuyệt vời. Ai nấy khi nghe và thấy những việc Ngài làm đều ngợi khen Ðức Chúa Trời.
           Trong những điều tuyệt vời Ðức Chúa Giê su đã làm trên đất, chúng ta không thể nào quên được điều rất quan trọng, đó là Ngài bằng lòng chịu chết trên thập tự giá. Giải thích về việc nầy, Kinh Thánh Cựu ước nói rằng: “Ngài bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta.” (Ê sai 53:8). Còn Tân Ước thì nói rằng: “Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta.” (1 Cô rinh tô 15:3).
           Ðức Chúa Giê su là Con Ðức Chúa Trời giáng thế. Trong ý định từ trước của Ðức Chúa Trời là Ngài gởi Con Ngài đến thế gian để cứu tội nhơn. Cho nên Kinh Thánh khẳng định rằng: “Ðức Chúa Giê-su Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.” (1 Ti mô thê 1:15). Bằng cách nào Ðức Chúa Giê su làm cho chúng ta sạch tội? Kinh Thánh dạy rằng: Ðức Chúa Giê su là “Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng tôi.” (Khải huyền 1:6).
           Loài người đã phạm những tội gì? Sau khi phạm tội chống lại mạnh lịnh của Ðức Chúa Trời, dần dần về sau loài người phạm thêm nhiều tội lỗi nữa. Hiện nay mỗi chúng ta đều tự thấy mình có tội lỗi, vì không ai dám tự xưng rằng mình là người toàn vẹn. Có thể kể những tội của nhân loại là: “Gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” (Ga-la-ti 5:19-21). Họ “đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.” (Ro ma 1:29-31). Và “họ đã đổi vinh hiển của Ðức Chúa Trời không hề hư nát, để lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.... họ kính thờ và hầu việc những loài chịu dựng nên, thế cho Ðấng dựng nên.” (Rô-ma 1:23-25). Họ thờ con cọp, con rắn, thờ người nầy, thờ người kia do Ðức Chúa Trời dựng nên, mà lại không thờ Ðức Chúa Trời theo như ý của Ngài. Ðây là tội rất lớn của loài người đối với Ðức Chúa Trời.
           Dù cho loài người có tội với Ðức Chúa Trời, nhưng vì lòng yêu thương, Ngài không để họ chết mất trong tội lỗi. Ngài đặt ra chương trình cứu rỗi tội nhơn. Chương trình cứu rỗi loài người không dễ dàng. Có nhà Thần học đã nói rằng: “Khi tạo dựng vũ tr mênh mông và mọi vật trong đó, Ðức Chúa Trời chỉ cần có sáu ngày để hoàn tất. Nhưng để cứu loài người thoát lửa hình phạt, Ðức Chúa Trời đã phải mất thời gian từ buổi sáng thế cho đến ngày nay.”
           Thưa Quý Ðộc giả thân mến, Ðức Chúa Trời đã tốn rất nhiều thời gian, Ngài đã làm rất nhiều công việc để đưa Con Ngài đến trần thế cứu tội nhơn. Ngài cũng đã ban ra mọi cách để Quý vị nhận ra Ðức Chúa Giê su chính là Ðấng Cứu thế. Thấy những điều nầy chúng ta phải biết rằng sự Giáng sanh của Ðức Chúa Giê-su không phải là sự ngẫu nhiên, nhưng mà do tấm lòng yêu thương của Ðức Chúa Trời, Ngài định như vậy vì yêu thương chúng ta, như lời Ngài phán rằng: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi.” (Giê rê mi 31:3). Cho nên Kinh Thánh đã nói rằng: “Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô ma 5:8). Hiện nay, Ðức Chúa Giê-su phán cùng mỗi chúng ta rằng: “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh phúc.” (Giăng 3 :36). Và ai tin, thì chính Ngài “sẽ khiến cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:40). Thưa Quý Ðộc giả, sự cứu rỗi Ðức Chúa Trời ban cho tội nhơn qua Con Ngài đã hoàn tất, cho nên có hàng tỉ người đã tin nhận Ngài.
           Xin mời Quý Ðộc giả suy nghĩ điều nầy. Ðó là dù cho “Ðức Chúa Giê-su Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” nhưng không phải tội nhơn nào cũng được cứu! Vì Ðức Chúa Trời quý trọng sự tự do của Quý vị. Quý vị có quyền tự do tin hay không tin nhận Con Ngài làm Cứu Chúa của chính mình. Hiện nay Ngài đang chờ đợi Quý vị trở lại cùng Ngài để hưởng sự tha thứ, thoát khỏi hình phạt vì tội lỗi của mình và hưởng phước sự sống đời đời Ngài dành cho Quý vị. Lời Kinh Thánh xác nhận rằng: “Ngài …không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phi e rơ 3:9). Ngài mong đợi mỗi chúng ta trở lại cùng Ngài. Lời Ngài đang mời gọi Quý vị rằng: “Hãy trở lại cùng Ðức Giê-hô-va, Ngài sẽ thương xót cho, hãy đến cùng Ðức Chúa Trời chúng ta, vì Ngài tha thứ dồi dào.” (Ê sai 55:7).
           Chúng tôi chân thành mời gọi Quý Ðộc giả hãy trở lại tôn thờ Ðức Chúa Trời bằng cách tin nhận Ðức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Muốn ăn năn tội trở lại cùng Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta, xin Quý vị cầu nguyện với Ngài rằng: “Lạy Ðức Chúa Trời, con cám ơn Ngài đã ban cho chúng con Ðức Chúa Giê su là Ðấng đã chịu chết thay cho con trên thập giá vì tội lỗi của con. Con xin nhận Ðức Chúa Giê su là Cứu Chúa của con. Xin Chúa tha tội cho con. Con cám ơn Chúa. Con cầu xin trong Danh Ðức Chúa Giê su. A-men.”
           Cầu xin Ðức Chúa Trời là Ðấng Từ Ái ở cùng và ban phước cho Quý vị luôn. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét