Ða vít đã nói trước về thân phận Ðức Chúa Giê su như là một lời buồn trong ngày thương khó rằng: “Tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu, Là điều ô nhục của loài người.” (Thi 22:6). Câu nói: “Tôi là con trùng” gợi cho chúng ta điều gì? Con trùng là một con vật thấp kém. Con trùng chỉ ở dưới gót chân người ta mà thôi. Thật vậy lúc đó người ta không kể Chúa Jêsus là ngang hàng với loài người. Họ coi thường Ngài vô cùng, họ khinh bỉ Ngài, họ “nhổ trên mặt Ngài, đấm Ngài và vả vào má Ngài.” (Ma thi ơ 26: 67). Ngay cả người học trò Ngài rất yêu thương là Phi e rơ, cũng đã từ chối Ngài mà rằng: “Ta chẳng hề biết Người ấy.” (Ma 26:72). Nỗi nhục nhã nầy nói sao cho hết, khi Ngài bị tất cả người xung quanh đều coi rẻ Ngài.
Tiên tri Ða vít nói thêm về hoàn cảnh của Ðức Chúa Giê-su trong ngày chịu thương khó rằng: “Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi. Trề môi, lắc đầu.” (Thi 22:7). Thật vậy, vào ngày chịu thương khó, Ma thi ơ kể lại tại hiện trường như sau: “Những kẻ đi ngang qua đó chê cười Ngài, lắc đầu, mà nói rằng: ...hãy cứu lấy mình đi! Nếu ngươi là Con Ðức Chúa Trời, hãy xuống khỏi cây thập tự!” (Ma thi ơ 27:39). Thưa Quý vị, khi đang thống khổ đã không có một ai an ủi thì thôi, đàng nầy lại có nhiều người chế nhạo chê cười thậm tệ, có nỗi đau nào so sánh được không?
Vì "gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ" (1 Phiero 2:24), Ðức Chúa Giê-su chịu thân phận của con trùng dưới chân người ta. Lúc đó những người xung quanh đối với Chúa ra sao? Lời Tiên tri diễn tả rằng: “Chúng nó hả miệng ra cùng tôi, Khác nào sư tử hay cắn xé và gầm hét.” (Thi thiên 22:13). Mọi người xung quanh như ghét bỏ, như giận hờn Chúa Giê-su từ thuở nào, nên họ mắng nhiếc, đánh đập, như họ muốn ăn tươi nuốt sống Ngài rồi họ đóng đinh hai tay, hai chân Ngài vào thập giá. Ngài nói thêm: “Tôi bị đổ ra như nước.” (Thi Thiên 22:14). Ðúng vậy, những dấu đinh trên tay, trên chân và nơi các mũi gai nhọn của mão gai trên đầu Ngài làm cho máu đào Ngài tuôn chảy. Máu chảy ra như những giọt nước rơi xuống đất, làm cho sức lực Ngài hao mòn để đi dần đến chỗ chết. Ðúng là sự sống Ngài đang bị đổ ra như nước. Câu nói: “Trái tim tôi như sáp, Tan ra trong mình tôi” (Thi Thiên 22:14), làm cho chúng ta nhớ lại khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá thì có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, thấu vào tim Ngài làm cho “máu và nước chảy ra.” (Giăng 19:34). Tim Ngài đã vở ra, đã hao mòn như sáp, đã tan ra trong cơ thể đau thương của Ngài. Trái tim Ngài không còn nguyên vẹn để giữ nhịp đập đều đặn phân phát máu đi nuôi cơ thể Ngài nữa.
Trong hoàn cảnh đau thương Ða vít thở than rằng: “Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Thi 22:1). Với lời kêu lên thống thiết nầy Ða vít đã đưa chúng ta đến chỗ Ðức Chúa Giê-su chịu khổ hình. Bọn lính đóng đinh Ðức Chúa Giê-su trên thập giá tại đồi Gô gô tha, nơi đó Ma thi ơ đã ghi lại rằng: “Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Khoảng 3 giờ chiều, Ðức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Ðức Chúa Trời tôi ơi! Ðức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” (Ma thi ơ 27:45-46). Ðức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Ðức Chúa Trời. Sự thông công giữa Ngài và Ðức Chúa Cha là sự thông công đời đời chưa bao giờ gián đoạn. Nhưng nay, khi Ðức Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá thì lúc đó “Ðức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Ngài.” (Ê sai 53:6). Thưa Quý vị, xin mỗi chúng ta yên lặng, suy nghĩ xem những tội lỗi gì của chính mình đã chất lên Ðức Chúa Giê-su? Có thể là tội gian tham, nói dối, thù dai, giận dài, không chịu bỏ qua lỗi người khác, mặt hầm hầm, nói những câu ác độc, chưỡi thề, hoặc thờ hình tượng, chối bỏ Ðấng Tạo Hóa... hoặc gian dâm, làm những việc trái luật pháp, còn nữa... những tội nầy đã được chất lên thân thể Ðức Chúa Giê-su. Vì vậy, lúc đó, Ðức Chúa Trời từ bỏ Ngài, cho nên Ðức Chúa Giê-su nói rằng: “Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” Như vậy, vì tội lỗi chúng ta chất lên Ðức Chúa Giê-su mà Ngài phải chịu loài người nhục mạ và Ðức Chúa Cha lìa bỏ. Vậy theo Quý vị nghĩ thì án phạt tội lỗi có thật kinh khiếp không? Nếu tội lỗi chúng ta không được tha thứ thì khổ hình chúng ta phải chịu có đáng kinh sợ không?
Người ta nói: “Dậu đổ bìm bìm leo.” Khi Ðức Chúa Giê-su chịu khổ hình, thì bọn lính đánh đập Ngài, mắng nhiếc Ngài, đóng đinh Ngài, rồi chúng giành nhau chiếc áo của Ngài. Tiên tri đã nói trước điều nầy rằng: “Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi.” (Thi 22:18). Ðúng như Ma thi ơ ghi lại: “Họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự rồi, thì bắt thăm mà chia nhau áo xống của Ngài.” (Ma thi ơ 27:35). Ðiều nầy dạy chúng ta rằng khi gánh hình phạt, của cải của chúng ta sẽ bị lột hết, không còn gì cả. Cho nên chính Ðức Chúa Giê-su dạy mỗi chúng ta rằng: "Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?" (Mác 8:36).
Trong ngày thống khổ, những kẻ tàn ác đã đối xử với Chúa Jêsus vô cùng thậm tệ. Có phải tại vì Ðức Chúa Giê-su bị trói, nên bất lực, hay là tại vì Ngài vui lòng gánh chịu mọi hình phạt thay cho tội nhân? Câu trả lời là Chúa Jêsus vui lòng chịu chết thay cho nhơn loại tội lỗi. Tại sao chúng ta nói như vậy? Tại vì Ðức Chúa Giê-su là Ngôi Hai Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðấng Toàn năng. Ngài chỉ cần phán một lời thì La xa rơ từ kẻ chết sống lại. Ngài chỉ phán một lời thì sóng gió, bão bùng phải ngừng lại. Ngài chỉ phán một lời thì cây vả bên đường sum suê phải chết ngay từ rễ tới ngọn. Với quyền năng như vậy, nếu Ðức Chúa Giê-su phán một lời thì trái tim những kẻ ghét Ngài sẽ ngừng lại, dòng huyết trong người họ sẽ thôi luân chuyển và hơi thở trong phổi họ phải yên lặng, dĩ nhiên họ phải chết ngay tức thời.
- Tại sao Ðức Chúa Giê-su không làm như vậy để Ngài khỏi chết? Nếu tôi hỏi như vậy thì tôi là người ngớ ngẩn. Tại vì Ðức Chúa Giê-su đến thế gian để chịu chết thay cho tội nhơn mà Ngài lại dùng quyền năng để khỏi chết thì mục đích của Ngài đã không thành tựu. Do đó, Ngài bằng lòng chịu mọi khổ hình, huyết Ngài đổ ra cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá. Lúc đó Ngài thỏa lòng phán được rằng: “Mọi việc đã được trọn.” (Giăng 19:30). Ðức Chúa Giê-su đã chịu chết cách đây hơn hai ngàn năm, để đền tội thay cho bất cứ ai chịu tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình. Tin nhận Ðức Chúa Giê-su nghĩa là tin thế nào? Ðối với Ðức Chúa Giê-su chúng ta có nhiều điều để tin Ngài. Thí dụ: “Tin Ngài là Ðấng chữa bịnh đại tài. Tin Ngài là Ðấng có quyền năng hóa nước thành rượu. Tin Ngài là Ðấng có quyền năng đi bộ trên mặt biển...” Tin như vậy rất đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta phải tin như Phao lô đã tin rằng Ðức Chúa Giê-su: “là Ðấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga la ti 2:20). Nghĩa là Phao lô tin rằng: “Ðức Chúa Giê-su đã yêu thương tôi, Ngài bằng lòng đem chính thân Ngài chịu chết thay cho tôi.” Ông dạy các tín hữu hãy tin rằng: “Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta.” (1Côrinhtô 15:3). Nghĩa là từng người phải tin và chính Quý vị phải tin rằng: “Ðấng Christ chịu chết vì tội của tôi.” Thánh Phi e rơ cũng dạy rằng Ðức Chúa Giê-su đã: “gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ,” (1 Phiero 2:24). Nghĩa là mỗi một người trong chúng ta phải tin rằng: “Ngài gánh tội lỗi của tôi trên cây thập tự.”
Không có Vị Giáo Chủ nào vô tội chịu chết thay cho kẻ có tội để giải quyết được vấn đề tội lỗi của chúng ta, chỉ có Ðức Chúa Giê-su là Ðấng làm được như vậy, nên chúng ta đã tin Ðức Chúa Giê-su là Cứu Chúa mình. Khi tin như vậy, Ðức Chúa Trời bằng lòng tha thứ tội lỗi mỗi cho chúng ta và ban cho mỗi chúng ta sự cứu rỗi, vì lời Chúa phán rằng: "Ai tin Con thì được sự sống đời đời." (Giăng 3:36). Sau khi qua đời, mỗi chúng ta không bị hình phạt nơi Hồ Lửa, mà được ở với Ðức Chúa Giê-su trong Thiên Quốc vinh hiển của Ngài đời đời. Nhưng ví dụ: Có Anh X lo rằng: “Tự xét mình, thấy mình yếu đuối hơn người kia, thấy người kia hầu việc Chúa tốt hơn mình, vậy không biết mình có được cứu hay không?”
Thưa Quý vị, chúng ta được cứu nhờ Ðức Chúa Giê-su chịu chết gánh hình phạt cho chúng ta trên thập giá, nhờ huyết của Chúa rửa sạch tội của chúng ta chớ không phải nhờ mình làm công việc Chúa bằng hoặc là hơn người khác. Chúa chịu chết để cứu chúng ta. Ơn nầy là ơn cứu tử. Ơn nầy lớn biết bao! Anh A, Chị B nhận biết như vậy, họ cám ơn Chúa, rồi họ yêu Chúa, cho nên họ hầu việc Chúa nhiều và ăn ở tử tế với mọi người, để làm vinh hiển Danh Chúa. Tín hữu hầu việc Chúa ít hay nhiều là đo lường mức độ người đó yêu Chúa ít hay nhiều, chớ không phải đo lường mức độ đủ hay không đủ tốt để được sự cứu rỗi. Mỗi chúng ta là con dân của Chúa, nên cầu nguyện Chúa cho mình có đời sống tốt với mọi người, biết yêu Chúa nhiều, hầu việc Chúa nhiều, để bày tỏ lòng yêu kính Chúa Cứu Thế Giê-su và biết ơn Ngài vì Ngài đã ban cho sự cứu rỗi cho chúng ta qua sự chết của Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
A men Ngơi khen Chúa
Trả lờiXóa