Trong Kinh thánh Cựu Ước có 39 sách. Tân Ước có 27 sách. Sách Ru tơ là một sách ngắn trong Cựu Ước. Nay nhờ cậy ơn Chúa, chúng ta học bốn câu đầu của sách Ru tơ.
Bết-lê-hem ở trong xứ Giu đa, là xứ thánh Chúa ban cho tuyển dân của Ngài. Bết lê hem là nơi an táng Bà Ra chên (Sang The Ky 35:19). Và Bết lê hem là nơi giáng sanh của Ðức Chúa Jesus. Bết lê hem nghĩa là gì? (The Illustrated Bible Dictionary p. 189,) Bết lê hem là “Nhà Bánh” hay là “Nhà Chứa Bánh.” Mô Áp là một dân tộc đã chống nghịch lại dân sự của Ðức Chúa Trời, nên họ bị Ðức Chúa Trời rủa sả: “Hỡi Mô áp, khốn thay cho ngươi!” (Dân số ký 21:29), và: “Dân... Mô áp sẽ không được phép vào hội Ðức Giê hô va, dầu đến đời thứ mười cũng chẳng hề vào được.” (Phục 23:3). Ê-li-mê-léc có nghĩa Ðức Chúa Trời là Vua (New Compact BIBLE Dictionary p. 148).
Sau khi Môi se qua đời, Chúa đặt Giô suê thay thế Môi se. Sau khi Giô suê qua đời, Ðức Chúa Trời dấy lên những vị Quan xét để cai trị dân sự của Ngài. Kinh Thánh Ru tơ 1:1 thuật lại rằng: “Trong đời các quan xét.” (Ru tơ 1:1). Các chữ “trong đời Các quan xét” làm chúng ta nhớ lại câu Kinh Thánh: “Ðương lúc đó, không có vua trong Y-sơ-ra-ên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải.” (Quan xet 17:6; 21:25). Ðọc câu nầy chúng ta có thể nghĩ đến một số Hội Thánh không muốn có Mục sư Quản nhiệm, rồi “…ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải.” Như vậy là có nhiều ý vì "chín người có tới mười ý" mà ý nào "của 'tôi' đều là phải" vì vậy Hội Thánh rất khó phát triển.
Kinh Thánh ghi lại: “một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bết-lê-hem xứ Giu-đa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp.” (Ru tơ 1:1). Khi nói có cơn đói kém thì cũng có nơi không có cơn đói kém. Cảm tạ ơn Chúa, chúng ta hiện đang sống trong nước Úc, hay Mỹ, là quốc gia có thức ăn dư thừa, nên không biết cái khổ của bụng đói. Thỉnh thoảng xem TV, chúng ta thấy tại các nước Phi châu, có những em nhỏ thiếu thức ăn, cái đầu thật to, còn thân mình tay chân thì chỉ có da bọc xương, các bà mẹ mặt mày buồn thiu, bế con đi xin từng lon gạo nơi các chiếc xe cứu tế của Liên Hiệp quốc, để chiều nay nấu cơm cho con ăn. Thật là tội nghiệp! Tất cả chúng ta đều thấy cảm thương cho những người bị sống trong hoàn cảnh bị đói khổ như vậy.
Thưa Quý vị, mỗi chúng ta có đời sống thuộc linh và đời sống thuộc thể. Nếu chúng ta cảm thương người bị đói khát thuộc thể, chúng ta cũng nên nghĩ đến hoàn cảnh người đói khát thuộc linh. Thực phẩm cho đời sống thuộc linh là gì? Là Lời của Ðức Chúa Trời, như chính Ðức Chúa Jesus đã dạy: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Ðức Chúa Trời.” (Ma thi ơ 4:4). Nhưng tiếc thay, nhiều con dân của Chúa không chịu nghe giảng, không chịu đọc Lời Ðức Chúa Trời trong Kinh thánh. Nếu chúng ta không đọc, không suy gẫm Lời Chúa thì đời sống thuộc linh của chúng ta bị thiếu thốn thức ăn và do đó sự sống thuộc linh của chúng ta cũng bị gầy gò ốm yếu như thân thể của mấy em bé Phi Châu thiếu cơm ăn vậy.
Nhìn vào em bé thiếu cơm ăn, chúng ta dễ nhận ra, vì thân thể em gầy ốm, chỉ có xương với da. Các em nầy sống trong khung cảnh khó chịu, khó vui gương mặt thiếu tươi cười. Ðây cũng là tình trạng của những người thiếu Lời của Chúa làm cho đời thuộc linh khô khan, không lớn lên. Có chuyện gì đụng đến họ, thì con người đó cau có, khó chịu, không có dễ chịu như ý Chúa muốn là “…phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau,” (Êphsô 4:2).
Khi chúng ta không có Lời Chúa, tâm hồn chúng ta bị trống vắng, lúc đó chúng ta thường hay đi tìm những thú vui cho đỡ trống vắng, tình trạng nậy thật là nguy hiểm. Vì khi một đời sống thiếu lương thực thuộc linh, không thể thay thế vào bằng những thú vui trần thế được. Ai có đi vượt biên thì biết, khi khát nước thì thèm nước lắm, nhưng không thể múc nước biển uống cho đã khát được. Nếu ai khát nước rồi cứ mút nước biển uống sẽ bị khát thêm và nếu uống nữa, uống nữa, thì sức khỏe người đó sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm. Cũng vậy, nếu thiếu Lời Chúa, chúng ta thấy tâm hồn mình trống vắng rồi đi tìm thứ nầy thứ kia thế vào, rồi vẫn thấy tâm hồn trống vắng và nếu cứ tiếp tục, tiếp tục… thì đời sống thuộc linh sẽ nguy hiểm….. Có người thấy buồn quá, nên đi dự các họp đêm. Ði họp đêm, đi Boy Club, Girl Club, có vui, nhưng chắc chắn, người tham dự sẽ không bao giờ thỏa mãn. Và nếu tiếp tục đi, thì dần dần người nầy xa Chúa, từ bỏ Chúa, không còn tôn thờ Chúa nữa thì linh hồn người đó sẽ chết mất trong tội lỗi. Tại vì mấy cái món Boy Club, Girl Club, Girl Show, Boy Show không phải là nước ngọt. Những thứ đó giống như nước biển mặn. Uống mãi, uống mãi đời sống thuộc linh sẽ lâm vào nguy hiểm.
Vì có cơn đói kém trong xứ Bết lê hem, nên Ê-li-mê-léc, dẫn vợ con đến xứ Mô-áp để ở. Thưa Quý vị, tên của Ông Ê-li-mê-léc có ý nghĩa “Ðức Chúa Trời là Vua.” Người Do Thái cũng như người Việt Nam chúng ta khi đặt tên cho con cháu thì hay lựa những tên có ý nghĩa đẹp. Tên Phước, để mong con được phước. Tên Vinh để mong cuộc đời nó vinh hiển. Tên Mai để con mình đẹp như hoa mai. Khi một người lựa tên đẹp để đặt tên con mình thì không có gì là sai trái cả. Ông Bà thân sinh của Ông Ê-li-mê-léc đặt tên cho Ông có nghĩa “Ðức Chúa Trời là vua” với mục đích là trong cuộc sống, hy vọng con của mình lúc nào cũng tôn Ðức Chúa Trời là vua. Nếu được như vậy thì tốt quá!
Xin mời Quý vị nghĩ, việc Ông Ê li mê léc dẫn vợ con rời bỏ nơi đất hứa của Chúa là Bết lê hem đi đến Mô Áp để ở, có quan trọng không? Rất là quan trọng. Làm một việc quan trọng như vậy, Ông có tôn Ðức Chúa Trời là vua trong đời sống của Ông không? Chúng ta không biết Ông có cầu nguyện với Chúa hay không, nhưng chúng ta nhận thấy Ông đã đem vợ con từ Giu đa xứ thánh, đi vào Mô Áp là xứ bị rủa sả. Nếu hoàn cảnh gia đình nghèo đói, người chủ gia đình đi làm kiếm tiền nuôi sống vợ con, theo ý Chúa, không có gì là sai quấy. Nhưng dẫn vợ con đi từ chỗ của Chúa đến chỗ chống nghịch lại Chúa thì rõ ràng Ông đã không biết tôn Ðức Chúa Trời làm vua. Chúng ta nên nhớ rằng con cái chúng ta thường là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nếu chúng ta chọn con đường sống xa Chúa, thì con cái chúng ta sẽ sống xa Chúa. Cho nên mỗi chúng ta nên cẩn thận. Nghĩa là chúng ta phải làm ăn, ở những nơi nào và trong những nghề nghiệp hợp pháp và nhất là phải đẹp lòng Chúa.
Khi Ê-li-mê-léc rời bỏ Bết-lê-hem để đi đến Mô Áp, tức là Ê-li-mê-léc đã cho rằng Mô Áp tốt hơn Bết-lê-hem. Nhưng tiếc thay sự suy nghĩ nầy đã sai lầm. Vì khi đến đó tức là Ông đã rời bỏ đất thánh mà đi vào nơi đất bị rủa sả. Sau đó Ông đã chết trong đất bị rủa sả, bỏ vợ con ở lại bơ vơ trong xứ bị rủa sả.
Ngày nay cũng có những con dân của Chúa chọn lựa giống như Ê-li-mê-léc. Có những con dân của Chúa ngồi tính toán và cho rằng có những chỗ khác tốt hơn nơi Hội Thánh của Ðức Chúa Trời. Cho nên họ dời vợ con và chính họ ra khỏi Hội Thánh và bỏ những ngày thờ phượng Chúa để bước vào nơi khác, lãnh vực khác họ tưởng là tốt hơn. Có lẽ những người đó nghĩ rằng, gia đình chúng tôi sẽ thờ phượng Chúa mỗi ngày Chúa nhật ở nhà cũng được.
Thưa Quý vị, nơi nào cũng có Chúa, nơi nào chúng ta thờ Chúa cũng được. Nhưng điều nầy chỉ áp dụng cho người bị bịnh và những người bị giam cầm mà thôi. Chớ thật ra thì Kinh Thánh dạy rằng: "Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm." (Hê bơ rơ 10:25). Vì nếu không đi nhà thờ, chúng ta không có những giây phút hiệp một thờ Chúa với Hội Thánh của Ngài. Chúng ta không có những giây phút hiệp nguyện chung, không có những giây phút cùng ca ngợi Chúa chung, cùng đọc Lời Chúa chung và cùng nghe giảng chung Lời Chúa với con dân của Chúa trong Hội Thánh. Mỗi chúng ta là một chi thể trong thân thể của Ðấng Christ. Nếu chi thể tách rời thân thể thì chi thể không thể sống được. Những viên than hồng nếu đem ra khỏi lò than, thì sẽ nguội dần. Nguội dần cho đến nỗi cả chồng vợ, con cái tưởng là không cần đi nhà thờ mình vẫn mạnh mẽ, thì nay không những nguội, mà đã lạnh từ bao giờ không biết. Viên than hồng nay đã trở thành viên than đen!
Thưa Quý vị, nơi nào cũng có Chúa, nơi nào chúng ta thờ Chúa cũng được. Nhưng điều nầy chỉ áp dụng cho người bị bịnh và những người bị giam cầm mà thôi. Chớ thật ra thì Kinh Thánh dạy rằng: "Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm." (Hê bơ rơ 10:25). Vì nếu không đi nhà thờ, chúng ta không có những giây phút hiệp một thờ Chúa với Hội Thánh của Ngài. Chúng ta không có những giây phút hiệp nguyện chung, không có những giây phút cùng ca ngợi Chúa chung, cùng đọc Lời Chúa chung và cùng nghe giảng chung Lời Chúa với con dân của Chúa trong Hội Thánh. Mỗi chúng ta là một chi thể trong thân thể của Ðấng Christ. Nếu chi thể tách rời thân thể thì chi thể không thể sống được. Những viên than hồng nếu đem ra khỏi lò than, thì sẽ nguội dần. Nguội dần cho đến nỗi cả chồng vợ, con cái tưởng là không cần đi nhà thờ mình vẫn mạnh mẽ, thì nay không những nguội, mà đã lạnh từ bao giờ không biết. Viên than hồng nay đã trở thành viên than đen!
Trong khi ở Mô áp, nơi bị rủa sả thì Ê li mê léc đã qua đời. Vợ của Ông là Bà Na ô mi, nay vừa làm mẹ lại vừa làm cha. Bà cố gắng lo cưới vợ cho hai con là Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Hai người nầy có cưới vợ là con dân của Chúa không? Cha mẹ chọn cho con cái ở xa cộng đồng dân Chúa, thì làm sao con cái làm bạn với người trong Chúa được? Kết quả là hai người con trai của Ông Bà Ê-li-mê-léc cưới hai người vợ trong vòng con gái người Mô-áp, nghĩa là cả hai cô dâu đều là người dân ngoại. Chúng ta không kỳ thị tôn giáo. Nhưng vì muốn linh hồn được cứu rỗi, chúng ta phải tin nhận Ðức Chúa Jêsus. Vì “Chẳng có sự cứu rỗi trong Ðấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có Danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công vụ 4:12). Khi lập gia đình, nếu hai vợ chồng được cùng niềm tin, thì dễ có hạnh phúc hơn là hai vợ chồng khác niềm tin. Sáng Chúa nhật người nầy nói tôi muốn đi nhà Chúa, người kia nói tôi muốn đi nhà chùa, thì ai sẽ phải nghe lời ai? Làm sao nâng đỡ niềm tin cho nhau trên bước đường theo Chúa? Con cái sanh ra thuộc về Chúa hay thuộc về chùa? Muôn vàn khó khăn xảy ra trong một gia đình mà chồng hoặc vợ theo Chúa, còn người kia thì theo tôn giáo khác.
Thưa Quý vị, mỗi chúng ta Chúa cho chỉ có một cuộc đời để sống trên đất. Nếu chúng ta chọn cho mình và gia đình sống theo Chúa, gần Chúa, thì chúng ta được gần gũi Ngài. Nếu chúng ta chọn cách sống xa Chúa, thì dần dần chúng ta sẽ xa Ngài, không còn thờ phượng Ngài, không còn tin Ngài nữa. Thế rồi linh hồn của chúng ta sẽ ra sao?
Cầu xin Chúa giúp chúng ta chọn lựa sống gần gũi Chúa và có cách sống quyết tâm theo Ngài. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét