Mời Quý vị nhấn vào dòng chữ dưới đây để nghe bài giảng:
Ðức Chúa Trời sai Giô na đến thành Ni ni ve để rao giảng Lời Chúa, nhưng Ông xuống tàu trốn qua xứ Ta rê si. Chúa khiến cơn bão lớn nổi lên, khiến cho chiếc tàu hầu bị vỡ. Gô na bị quăng xuống biển. Ðức Chúa Trời sắm con cá lớn nuốt Ông. Trong bụng cá, Ông cầu nguyện ăn năn tội với Chúa. Ðức Chúa Trời "bèn phán cùng con cá, và nó mửa Giô-na ra trên đất khô." (Giô na 2:10).
Kinh Thánh ghi tiếp theo là: “Lại có lời Ðức Giê-hô-va phán cùng Giô-na lần thứ hai mà rằng” (Giôna 3:1-2).
Ðọc câu Kinh Thánh nầy Quý vị có thấy điều quý báu không? Ðó là “Ðức Giê-hô-va phán cùng Giô-na lần thứ hai.” Ðức Chúa Trời là Ðấng nhân từ, khi Giô na đã thất bại trong việc được sai đi lần thứ nhất, Ðức Chúa Trời cho Giô na cơ hội lần thứ hai.
Ngày nay, đối với chúng ta, Ðức Chúa Trời “….không bắt tội luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.” (Thi 103:9). Nếu chúng ta có phạm tội với Chúa, chúng ta ăn năn xưng tội với Chúa. Ngài bằng lòng cho chúng ta cơ hội ăn năn. Vậy chúng ta phải luôn luôn nhờ vào sự nhơn từ của Chúa mà bước theo Ngài.
Ðức Chúa Trời phán cùng Giô na rằng: “Ngươi khá chờ dậy!” (Giô na 3:2). Chúng ta thử suy nghĩ khi Ðức Chúa Trời phán cùng Giô-na câu nầy lúc đó Ông đang ngồi, hay nằm? Chúa bảo Ông “khá chờ dậy,” nghĩa là “đừng ngồi,” “đừng nằm” nữa. Hãy đứng lên và đi.
Một người mà chỉ có nằm và ngồi tại chỗ, thì sao? Có thể người đó đang bị bịnh. Người đó cần có người khác giúp đỡ an ủi, chăm sóc. Nếu thiếu chăm sóc, giúp đỡ, an ủi thì người đó càng lúc càng yếu thêm. Ðặc biệt là người nằm một chỗ, ngồi một chỗ không làm công việc nhà nổi thì sẽ không giúp ai được việc gì cả, chỉ ngồi đó đợi người khác giúp mình mà thôi, kể cũng buồn!
Hội Thánh của Chúa là một gia đình, mà Chúa là Cha. Mỗi chúng ta là một người con trong gia đình của Chúa. Có những người con của Chúa muốn làm việc nầy, đề nghị làm việc kia để cho công việc Chúa trở nên tốt hơn. Nhưng cũng có vài người chưa làm gì cho công việc Chúa cả. Lời Chúa kêu gọi mỗi chúng ta hôm nay là: “Ngươi khá chờ dậy!” đừng nằm nữa! Ðêm đã khuya, ngày gần đến, Chúa Jesus sắp tái lâm nay mai. Lúc đó, khi gặp Chúa mỗi chúng ta đã có thực hiện công tác nào để dâng lên Ngài không? Chúa phán: “Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải 22:12). Chúa đang muốn ban phần thưởng quý báu Thiên đàng cho Quý vị.
Chúa phán cùng Giô na rằng: “Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve.” (Giô na 3:2). Ni ni ve là kinh đô của A-si-ri. Sách Giô na được viết vào khoảng 760 năm trước Chúa Giáng sanh, nghĩa là cách nay trên 2,760 năm. Với khoa khảo cổ ngày nay, người ta tìm thấy những dinh thự lâu đài nguy nga ở Ni ni ve và người ta ước lượng có khoảng 600,000 người sống tại đó vào thời Giô na. Như vậy chúng ta thấy thành nầy thật là lớn. Hơn nữa, thành phố nầy rất giàu có sang trọng, việc mua bán rất thuận tiện, vì nó được xây dựng bên cạnh dòng sông nổi tiếng Tiger.
Sách Giô na chỉ có 4 đoạn và có đến bốn lần chép rằng: “Thành lớn Ni ni ve.” (Giô na 1:2; 3:2; 3:3; 4:11). Thưa Quý vị, một cái thành lớn, giàu đẹp, thịnh vượng thật là quý. Nhưng cái lớn, cái giàu đẹp thịnh vượng của Ninive không quý. Tại vì tội lỗi thành nầy chưa được tha thứ, và Ðức Chúa Trời sắp tiêu diệt nó, thì sự lớn lao, sự giàu sang có ích lợi gì? Chỉ là vô phước!
Có nhiều gia đình con dân Chúa, dù họ ở trong những cái nhà không giàu, không lộng lẫy, không lớn lao, nhưng phước hạnh. Vì có Chúa ở trong những gia đình nầy. Ngài là Cứu Chúa của họ. Chúa đã tha thứ tội lỗi của họ. Thật là phước biết bao! Vì: “Phước thay cho kẻ tội lỗi được tha thứ!” (Rô ma 4:7).
Ngược lại, có những gia đình người chưa tin Chúa, họ giàu có, nhà cửa lộng lẫy sang trọng… nhưng chúng ta cảm thấy buồn cho họ, vì tiếc thay họ thiếu điều quan trọng nhất. Ðó là họ thiếu sự tha thứ của Chúa, họ thiếu Chúa trong đời sống của họ. Thưa Quý vị, xin hãy nhớ rằng: “Thiếu Chúa là không có sự cứu rỗi.”
Có thể có người nói rằng: “Tại vì chúng ta theo Chúa, nên nói như vậy, chớ những người không theo Chúa thì đâu có nói như thế.” Thưa Quý vị, không phải chúng ta nói thế nầy, người kia nói thế khác là quan trọng, nhưng Chúa nói thế nào mới thật là quan trọng. Xin mời Quý vị suy nghĩ, Chúa nói ra sao đối với người giàu có sang trọng đầy đủ mọi thứ nhưng không có Chúa, bị mất linh hồn thì sao? Mỗi chúng ta phải cẩn thận suy nghĩ điều nầy. Vì đây là vấn đề chính yếu trong đời sống của chúng ta.
Có một người rất giàu có và chỉ biết mê say sự giàu có của Ông. Ông định phá cái kho sẵn có để cất cái kho lớn hơn, hầu chứa nhiều của cải được nhiều hơn. Nhưng Ðức Chúa Jesus phán cùng Ông ta rằng: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu ca 12:20). Linh hồn của người nầy đời đời sẽ ra sao? Của cải dư thừa để làm gì?
Ni ni ve tội lỗi như thế nào? Xin chúng ta nghe lời Chúa phán về thành nầy: “Khốn thay cho thành đổ máu! Nó đầy dẫy những sự dối trá và cường bạo, cướp bóc không thôi." (Na hum 3:1).
Một cái thành dân cư gian dối như vậy, làm đổ máu như vậy, bây giờ Chúa bảo Giô na đến đó nói lên lời chống nghịch họ, quở trách họ; họ giết Ông thì sao? Nếu Chúa sai Quý vị đi, Quý vị dám đi không?
Chính Chúa biết điều nầy, nên Ngài phán rằng: "Hãy đi; nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói." (Luca 10:3). Nhưng cảm tạ ơn Chúa, vâng theo ý Chúa, đi nói lời Ngài, chúng ta không đơn lẻ vì Chúa hứa với chúng ta rằng: "Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế." (Ma thi ơ 28:20).
Có một điều rất khó khi làm chứng ơn Chúa cho người chưa tin. Ðó là chúng ta phải nói cho họ biết rằng: “Mọi người đều đã phạm tội… Và tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Rô ma 3:23; 6:23). Nếu làm chứng mà ngại không dám nói điều nầy là chúng ta thiếu trách nhiệm với tội nhơn. Phao lô dạy rằng: "…cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành." (1 Corinhto 4:2). Vậy thì chúng ta phải trung thành với Lời Chúa, dù cho khi rao giảng Lời Ngài có gặp khó khăn.
Vâng lời Chúa, Giô na đến thành Ni ni ve. Ông "vào trong thành đi một ngày" (3:4) và rao Lời Chúa quở phạt rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, thành Ni ni ve sẽ đổ xuống.” (Giô na 3:4).
Trong Kinh Thánh con số 40 thường có ý nghĩa là thời gian thử thách. Trong thời Nô-ê, trời mưa 40 ngày 40 đêm (Sáng 7:12). Dân Y sơ ra ên bị thử thách trong đồng vắng 40 năm. (Phục 2:7). Ðức Chúa Jesus chịu ma quỷ cám dỗ trong đồng vắng 40 ngày. (Ma thi ơ 4:2).
Sứ điệp của Giô na là một sứ điệp dành cho dân Ni ni ve 40 ngày để thử thách tấm lòng cứng cỏi của họ có biết năn năn với Chúa không?
Ðức Chúa Trời sẵn sàng chờ đợi kẻ có tội ăn năn. Nhưng xin lưu ý rằng con số "40 ngày" có nghĩa là một hạn định. Như vậy thời gian Ðức Chúa Trời chờ đợi cho tội nhơn ăn năn là có hạn định, chớ không phải là vĩnh viễn. Thời hạn Chúa chờ đợi cho một tội nhơn phải ăn năn cho tới hạn chót là ngày người đó qua đời. Sau đó không còn có dịp tiện nữa.
Theo lịnh Ðức Giê Hô va Giô na chờ dậy đi đến Ni ni ve “mất 3 ngày đường.” Rồi Ông "vào trong thành đi một ngày" nữa rồi mới rao giảng Lời Chúa. Bài giảng của Giô na tại Ni ni ve thật là ngắn, chỉ có 12 chữ. Có thể là trước khi giảng, Giô na đã có gặp nhiều người và làm chứng về quyền năng của Ðức Chúa Trời và nói về sự nhơn từ của Chúa cho họ nghe. Rất có thể Ông đã thuật lại cho họ nghe về việc Ðức Chúa Trời đã tha thứ cho Ông và đã cứu Ông khỏi bụng cá, rồi Ngài đã nhân từ và cho phép Ông được tiếp tục hầu việc Chúa cho đến hôm nay.
Vì vậy dù cho dân chúng tại Ni ni ve nghe bài giảng ngắn ngủi, nhưng họ hiểu ý Chúa và ăn năn. Kinh Thánh chép: “Dân thành Ni-ni-ve tin Ðức Chúa Trời.” (Giô na 3: 5). Như vậy chúng ta thấy rằng một bài giảng Lời Chúa rất cần, nhưng những lời làm chứng cá nhân cũng rất là quan trọng.
Nghe giảng lời Ðức Chúa Trời, dân thành Ni ni ve ăn năn. “Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ.” (Giô na 3: 5). Những người rất lớn có thể là những kẻ làm quan lớn có chức phận cao trong xã hội. Những kẻ rất nhỏ có thể là những người có địa vị thấp kém trong xã hội. Nhưng người rất lớn cũng có thể là những người lớn tuổi. Những kẻ rất nhỏ cũng có thể là những con cái nhỏ trong gia đình họ.
Thưa Quý vị, ở đây chúng ta học được bài học là khi chúng ta đã ăn năn tội với Chúa rồi, thì chúng ta hãy giúp cho con cháu ăn năn tội với Chúa và thờ phượng Ngài.
Khi đã nghe lời Chúa “....vua đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro.” (Giô na 3:6). Và vua cũng ra lịnh: “.... trong thành Ni-ni-ve, …...Mọi người khá ra sức kêu cầu cùng Ðức Chúa Trời; phải, ai nấy khá bỏ đường lối xấu mình và việc hung dữ của tay mình.” (Giôna 3: 7-8).
Nếu hỏi là: “Tại sao Ông là vua, quyền hạn trong tay, mà vua không chống lại Ðức Chúa Trời mà lại đi nhận tội và ăn năn với Ngài?”Câu trả lời đơn giản là: “Ông vua nầy rất khôn!” Ông biết rằng đầu phục Ðức Chúa Trời là sống, chống lại Ngài là chết. Vì sách vở xưa có dạy rằng: “Thuận Thiên giả tồn; nghịch Thiên giả vong.”
Không những vua ăn năn tội với Chúa, mà Ông còn bảo quần thần, dân chúng cũng phải ăn năn tội với Chúa và xây bỏ con đường ác của mình.
Thưa Quý vị, với lòng ăn năn thống hối của vua và toàn dân như vậy, Ðức Chúa Trời đã thương xót họ và ngài đã tha thứ cho họ. Tác giả Thi Thiên đã nói về Chúa của chúng ta rằng: “Của lễ đẹp lòng Ðức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Ðức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu.” (Thi thiên 51:17). Cảm tạ ơn Chúa.
Cầu xin Chúa dùng Lời Chúa hôm nay dạy mỗi chúng ta biết rằng dù có tất cả giàu sang nhưng nếu không có Chúa và không được Chúa tha thứ thì thật là vô phước. Ðược Chúa tha thứ tội lỗi và được làm con cái Ngài mới thật sự là có phước.
Xin Ðức Thánh Linh chỉ dạy Lẽ thật của Ngài cho mỗi chúng ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét