Chuyện vui kể rằng có một bà mẹ đi chợ mua hai cái bánh thật ngon, bà cho đứa
em một cái còn một cái bà nói với nó là để dành cho anh của con đi học chiều về
sẽ ăn. Ðứa bé ăn xong đòi ăn cái còn lại. Bà mẹ nói:
- Cái bánh nầy để dành cho anh của con, con ăn nữa là con có tội! Con tính sao?
- Dạ, con thích có tội!
Có lời Giê hô va Ðức Chúa Trời phán bảo Giô na đi hướng Ðông đến thành Ni ni ve
để rao giảng Lời Chúa cho dân trong thành ăn năn, vì họ đã phạm tội với Ðức
Chúa Trời. Nhưng Giô na xuống tàu đi hướng Tây đến Ta rê si để lánh mặt Ðức Giê
hô va.
Ðức Giê-hô-va
khiến: "trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ.” (Giô na 1:4). Chủ tàu và thủy thủ đoàn sợ quá, họ bảo mọi người bắt
thăm để biết tại ai mà chiếc tàu lâm nạn? Họ bắt thăm trúng nhằm Giô na. Họ hỏi
Giô na: "Ngươi làm nghề gì, và từ đâu đến? Xứ ngươi ở đâu, ngươi
thuộc về dân nào? Người trả lời rằng: Ta là người Hê-bơ-rơ, và ta
kính sợ, Ðức Giê-hô-va, là Ðức Chúa Trời trên trời, Ngài đã làm nên biển và đất
khô." (Giô na 1:8-9). Học câu Kinh Thánh nầy, tôi xin hỏi quý vị
rằng, nếu bây giờ có người nào đó hỏi quý vị tôn thờ ai? Quý vị có biết nói về Chúa cho
người ta nghe không? Tiếp theo đó thì Giô na thú nhận rằng: "ta biết
rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy.” (Giô na
1:12).
Giô na nói với chủ tàu và thủy thủ đoàn rằng: “Hãy ném ta xuống biển, thì
biển yên lặng cho các anh.” Giô na muốn gì đây? Giô na muốn chết!
- Người
bỏ con đường của Chúa đi theo con đường riêng của mình chỉ đến chỗ chết mà
thôi.
- Giu
đa Ích ca ri ốt không chịu theo con đường của Chúa, Ông đi theo con đường riêng
của Ông, cho nên Ông đã đến chỗ chết là "đi thắt cổ" tự tử (Ma thi ơ
27:5).
- Ngày
nay cũng vậy, bất cứ ai chối bỏ con đường tin nhận Đức Chúa Giê su đều sẽ đến nơi
chết mất đời đời trong Hồ lửa mà thôi. Chính Đức Chúa Giê su phán rằng: "Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống..." (Giăng 14:6).
Các thủy thủ tiếp tục cố gắng chèo để mong đem chiếc tàu vào bờ, chớ họ
không chịu bắt Giô na ném xuống biển. Tại sao vậy?
Mặc dù Giô na có tội, nhưng các thủy thủ thấy Giô na dễ thương, Giô na
bước xuống tàu, trả tiền đầy đủ, không kiếm chuyện gây hấn với ai. Ông chỉ đi
xuống lòng tàu kiếm chỗ nằm ngủ. Bây giờ nếu họ bắt Giô na ném xuống biển thì
thấy thương, nên họ cố giữ Ông cho ở trong tàu.
Trong đời sống theo Chúa của chúng ta, có những khi chúng ta cũng như vậy. Có
những lúc chúng ta thấy những điều tội lỗi nhưng có vẽ dễ thương, cho nên chúng
ta cố tình giữ tội lỗi ở lại trong đời sống của chúng ta. Thí dụ như: nói dối
một chút có sao đâu! Khai gian để trốn thuế, hoặc khai gian lãnh tiền trợ cấp
phúc lợi xã hội tăng lên là có lợi, có sao đâu! chỉ cần khai là vợ chồng đã ly
thân "đường ai nấy đi," nhưng khi về nhà thì "đường cũ lối
xưa" mình cứ bước, có sao đâu, mà lại được thêm tiền, tiện lợi quá! Trong
khi đó thì lời Chúa dạy chúng ta rằng: “nên quăng hết…. tội lỗi dễ vấn
vương.” (Hêbơrơ 12:1). Quăng hết tội lỗi thì mất lợi, tiếc quá, giống như em bé thích có tội, vì được cái bánh!
Các thủy thủ không chịu quăng bỏ con người tội lỗi Giô na, cho nên họ phải vất
vả cực nhọc, nhưng không được bình an, bão táp cứ dồn dập đến. Cũng vậy, Ðức Chúa
Trời không bằng lòng cho chúng ta chứa chấp tội lỗi. Lời Chúa dạy: "Người
nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn." (Châm ngôn
28:13).
Vì Giô na vẫn còn trong tàu, cho nên “biển càng nổi lên nghịch cùng họ
mãi.” (Giô na 1:13). Thủy thủ đoàn kêu cầu cùng Ðức Giê hô va, rằng: “Hỡi
Ðức Giê-hô-va, … chúng tôi nài xin Ngài chớ làm cho chúng tôi chết … Hỡi Ðức
Giê-hô-va, vì chính Ngài là Ðấng đã làm điều mình muốn.” (Giôna 1:14).
Nếu đọc trở lại câu 5, chúng ta thấy những “thủy thủ đều sợ hãi, ai nầy
kêu cầu thần của mình.” Nhưng bây giờ tại sao họ lại kêu cầu cùng Ðức
Giê hô va? Tại vì khi chưa hiểu biết, họ tưởng là thần của họ có thể cứu họ. Nhưng
nguy hiểm vẫn còn nguyên. Bây giờ qua sự làm chứng của Giô na, họ biết rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo hóa có quyền năng
ban phước, xuống họa, như Lời Ngài phán:
“Ấy chính ta là Ðấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự
bình an và dựng nên sự tai vạ; chính ta, là Ðức Giê-hô-va, làm mọi sự đó.”
(Ê sai 45:7).
Những thủy thủ xưng Ðức Giê hô va là “Ðấng đã làm điều mình muốn.”
(c. 14). Suy nghĩ điều nầy, chúng ta thấy chúng ta thì ngược lại không làm được điều mình muốn.
Đời sống chúng ta bị nhiều giới hạn.
- Chúng ta bị giới hạn về khả năng. Chúng ta muốn tất cả con cháu mình
học thật giỏi, nhưng không làm được. Khi đứng trước một người bị bịnh nan y,
chúng ta muốn giúp họ nhưng không giúp được.
- Chúng ta bị giới hạn về thời gian và không gian. Chúng ta không biết
những việc gì sẽ xảy ra trong tương lai và cũng không biết những việc đang xảy
ra ở xa chúng ta.
Những ai có thân nhân bị ở tù thì biết tình trạng nầy nữa. Ðó là khi gia đình
vào thăm nuôi, người tù muốn đi với thân nhân về nhà hết sức, nhưng không được.
Sáng hừng đông, tại trại tù trời vừa lạnh vừa mưa, ra khỏi mùng muỗi cắn, nếu được nằm nướng thêm thì thích biết mấy, nhưng có lịnh phải thức dậy đi cào cỏ, cấy lúa; dù không muốn, nhưng
người tù phải bước đi.
Tại sao người tù muốn về với người nhà mà không về được? Tại sao không muốn đi
cấy cày trời lạnh mà phải đi? Tại vì người nầy không có tự do, bị những
viên chức của trại tù nắm quyền sai khiến. Những viên chức nầy bảo làm gì thì
người tù phải làm theo.
- Chúng ta bị giới hạn vì tội lỗi cầm quyền trên chúng ta:
Ngày nay không ở tù, nhưng chúng ta cũng không làm được nhiều điều mình muốn,
vì tội lỗi cầm quyền trên chúng ta. Phao lô nói rõ rằng: “.... tôi có ý
muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn” (Rô 7:18). Rồi Ông
giải thích: “….Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ
mình không muốn.” (Rô 7: 19). Ai cũng biết nếu làm ăn trái luật pháp sẽ
bị tù tội, nhất định là không làm, nhưng lòng tham hối thúc, rồi lại làm và bị ở tù. Nhiều người biết cờ bạc casino, chơi máy kéo, sẽ bị thua, đừng rớ tay vào, nhưng không kiềm chế
được, rồi thua. Tại sao người ta không tự làm chủ được mình? Tại vì loài người
đã phạm tội không được tự do, phải làm "tôi mọi tội lỗi."
(Rô ma 6:20). Kinh Thánh nói rõ là vì người đó đang bị ở dưới "quyền
lực của quỉ Sa tan." (Công vụ 26:18).
Nhưng Ðức Giê hô va chính là "Ðấng đã làm điều mình muốn.”
(c. 14). Vì Ngài là "Đức Chúa Trời quyền năng" (Ê sai
9:5). Khi Ðức Chúa Trời muốn thực hiện điều gì, Ngài hoàn toàn có đầy đủ quyền
năng để thực hiện. Kinh thánh khẳng định rằng: “…không việc chi Ðức Chúa
Trời chẳng làm được.” (Lu ca 1:37).
Ðức Chúa Trời là Ðấng tạo nên trời đất biển và muôn vật trong đó. Khi chúng ta
nhìn những vật trên trời cao kia và dưới đất thấp nầy, chúng ta phải cúi đầu
kính sợ Ðức Chúa Trời là Ðấng làm được điều Ngài muốn. Đức Chúa Trời cũng là “Nguồn
sự sống.” (Thi Thiên 36:9), cho nên tất cả sự sống là do Ðức Chúa Trời
ban cho. Không một người nào có thể làm nên sự sống.
Không những Ðức Chúa Trời là Ðấng tạo nên mọi sự, mà Ngài cũng là Ðấng biết hết mọi sự, kể cả những
điều kín nhiệm nhất từ bao năm về trước, từ bao nhiêu năm về sau và kể cả những
việc suy tính sâu thẩm trong lòng người ta. Vì “không cần ai làm chứng về
người nào, bởi Ngài tự thấu mọi điều trong lòng người ta.” (Giăng
2:25).
Xin nhớ là Ðức Chúa Trời có thẩm quyền tối thượng, nên khi Ngài làm việc
gì, loài người không có quyền dị nghị và cũng không có quyền cãi lại hoặc trách
móc. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ sai lầm, chỉ có loài người sai lầm mà thôi.
Chúa phán: “....các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao
hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”
(Ê sai 55:9).
Ðôi khi có người nói rằng tại sao Chúa phạt người nầy mà không phạt người
kia? Xin chúng ta nghe Lời Chúa phán rằng: "Ta… làm ơn cho ai ta
muốn làm ơn, và thương xót ai ta muốn thương xót." (Xuất Ê díp tô
ký 33:19). Ồ, nếu vậy thì chính mình sẽ ra sao, Đức Chúa Trời có thương mình không? Xin quý vị hãy yên lòng, vì "Đức Chúa Trời
là Cha yêu thương" (Giu đe c. 1) của chúng ta.
Thưa Quý vị nay chúng ta được Ðức Thánh Linh thương xót dẫn dắt
tin nhận Ðức Chúa Jesus làm Cứu Chúa, được làm con dân của Ðức Chúa Trời, Quý
vị biết là tại sao không? Tại vì Ðức Chúa Trời thương xót, cho
chúng ta được cứu bằng chính giọt huyết cứu rỗi của Con Ngài. Thật, chính Ðức Chúa Trời
“là Ðấng đã làm điều mình muốn” cho đời sống của mỗi chúng ta.
Ðứng trước ơn nầy của Chúa, mỗi chúng ta nên biết ơn Ngài như thế nào?
Kinh Thánh chép khi thủy thủ đoàn từ bỏ người có tội: "bắt
Giô-na, quăng xuống biển," (Giô na 1:15), thì Đức Chúa Trời
khiến cho biển yên lặng. Sau khi Ðức Chúa Trời đã cứu những người trên
tàu khỏi cơn giông bão “… những người ấy rất kính sợ Ðức Giê-hô-va. Họ
dâng của lễ cho Ðức Giê-hô-va, và hứa nguyện cùng Ngài.” (Giô na 1:16).
Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta đều biết ơn Chúa về những gì mà Ngài đã làm cho
chúng ta. Nay chúng ta đã được cứu, xin Chúa cho chúng ta biết hứa nguyện dâng của lễ lên Chúa, siêng
năng hầu việc Ngài để bày tỏ tấm lòng kính mến Đức Chúa Trời là Cha yêu
thương cả đời sống của chúng ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét