006 - MỘT TRĂM NĂM TIN LÀNH ÐẾN VIỆT NAM: BIẾT ƠN. (Cô lô se 3:15).

             Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc theo phong tục thờ cúng nhiều thần, nhiều hình tượng. Ðúng như Tiên tri Ê sai đã nói: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.” (Ê sai 53:6). Nhưng bởi ơn thương xót của Ðức Chúa Trời, Ngài đã sai các tôi tớ Ngài đến Việt Nam vào năm 1911 để rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Ðấng Yêu thương. Chỉ có Ngài là Ðấng xứng đáng cho loài người thờ phượng. Danh Ngài là Ðức Chúa Trời, là Ðấng Tạo Hóa của nhơn loại.
             Từ năm 1910 trở về trước, không có một nhà thờ Tin Lành nào ở Việt Nam, nhưng từ năm 1911 trở đi, nhà thờ Tin Lành bắt đầu mọc lên. Ngày nay, khi đi từ Bắc tới Nam, chúng ta thấy có rất nhiều nhà thờ Tin Lành ở rải rác khắp nơi. Khi nói đến nhà thờ Tin Lành, chúng ta có ý nói là tại nơi đó có nhiều người đã tin nhận Ðức Chúa Giê-su làm Cứu Chúa của mình. Họ đã được Ngài “ban cho quyền phép trở nên con cái Ðức Chúa Trời.” (Giăng 1:12). Họ nhóm nhau lại để ca ngợi, chúc tụng, tôn thờ Ba Ngôi Ðức Chúa Trời là Ðấng Chân Thần, là Ðấng thương yêu họ, ban phước cho họ và là Ðấng cứu rỗi họ thoát khỏi Hồ Lửa hình phạt đời đời. Khi suy nghĩ như vậy, chắc chắn chúng ta nhớ lại lời Kinh Thánh dạy rằng: “Phải biết ơn.” (Cô lô se 3:15).
Nhìn lại 100 năm qua, từ khi Tin Lành đến Việt Nam hằng triệu người Việt Nam đã, đang và sẽ được cứu. Vậy chúng ta biết ơn ai?
Chúng ta phải biết ơn quý vị Giáo sĩ đã đến Việt Nam rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Ðức Chúa Giê-su. Những vị Giáo sĩ nầy phần nhiều từ Hoa kỳ đến. Vào thời đó, những vị nầy đang sống ở Mỹ là một nước có nếp sống cao hơn nếp sống của nước Việt Nam. Nếu nói về phương diện khí hậu, thì những vị nầy đang sống trong vùng ôn đới mà qua Việt Nam, họ phải sống trong vùng nhiệt đới. Họ phải đương đầu với những nóng nảy, oi bức, những bịnh tật, những u-nhọt nổi lên, dễ thấy nhất là những con muỗi lớn nhỏ sẵn sàng “chào đón” họ. Hơn thế nữa, lúc đó nước Việt Nam là một nước đang bị cai trị dưới quyền của thực dân Pháp. Nghĩa là họ phải gặp khó khăn với Chánh Phủ bảo hộ. Vì người Pháp không sẵn lòng giúp đỡ cho dân Việt Nam theo Ðạo Tin Lành! Tiếp theo là những biến chuyển xảy ra như Thế Chiến Nhất, Thế Chiến Thứ nhì rồi đến cuộc chiến Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Những vị Giáo sĩ là những người ngoại quốc da trắng, mũi cao, tóc nâu, cho nên mức độ nguy hiểm đến với họ thật cao. Nhưng vì vâng phục ý Chúa, Ngài “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phierơ 3:9), cho nên họ cứ hết lòng trung tín với Chúa, yêu thương linh hồn tội nhơn Việt Nam và cứ tiếp tục rao giảng Tin Lành.
             Có vị Giáo sĩ đang cơn giặc giã hai bên bắn nhau dữ dội, Ông và dân cư trong các nhà quanh đó phải trốn vào hầm trú ẩn để tránh lằn đạn hiểm nguy. Nhưng sau đó có mấy người lính cầm súng ra lịnh mọi người phải ra khỏi hầm trú ẩn. Ông Giáo sĩ phải theo mọi người bước ra. Thấy vẽ mặt người lính hầm hầm, Ông Giáo sĩ thưa rằng: “Tôi là Giáo sĩ.” Không cần trả lời, người lính đã nổ súng, Ông Giáo sĩ đã về với Chúa, để lại biết bao tiếc thương trong tấm lòng của các con dân Chúa dành cho một vị Giáo sĩ vì yêu linh hồn người Việt Nam phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình!
             Cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã ban cho Ông Giáo sĩ nầy có một cuộc đời ích lợi cho nhiều người khác và hết lòng phục vụ Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Khi gặp Chúa, Ngài phán cùng Ông rằng: "Hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi." (Ma thi ơ 25:52).
             Chúng ta cám ơn tất cả quý vị Giáo sĩ đã chịu nhiều cực khổ để đem Tin Lành đến Việt Nam, nhưng không thể kể hết tên từng vị, cho nên chúng ta chỉ đề cập đến vài vị mà thôi, như là:
             - Giáo sĩ Ðốc học John Drange Olsen, nhờ ơn Chúa, không những Ông đã có công đào tạo nhiều “tay đánh lưới người” mà còn để lại cho Hội Thánh bộ sách Thần Học, sách Sử ký Hội Thánh và Kinh Tiết Sách dẫn.
             - Giáo sĩ W. Cadman, với sự trợ giúp của nhà văn Phan Khôi, Ông đã dịch toàn bộ Kinh Thánh, xuất bản năm 1926. Biết bao nhiêu con dân của Chúa nhờ quyển Kinh Thánh nầy mà học biết về Ðấng Chân Thần là Ðức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ba Ngôi Ðức Chúa Trời, họ đã tin theo và được cứu. Mãi cho đến ngày nay, mỗi chúng ta đều thấy bản dịch Kinh Thánh nầy thật là quý báu!
             - Giáo sĩ Paul E Carlson, Ông đã viết cho Hội Thánh Việt Nam nhiều bài “Kinh-Tiết-ca” thật hay. Những bài nầy rất phổ thông cho đến nỗi hôm nay nhiều bà mẹ trẻ hoặc những bà nội, bà ngoại thường dạy các con, các cháu của mình vừa bập bẹ tập nói, học hát thuộc lòng bài “Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian...” (TC số 437) và bài “Ðức Giê Hô va là Ðấng chăn giữ tôi...” (TC số 433).
             Kế đến, chúng ta cũng phải đề cập đến sự biết ơn những vị Mục sư tiên phong. Họ là những người vì yêu Chúa và yêu linh hồn đồng bào nên vâng theo tiếng gọi của Chúa, từ bỏ những lợi ích đời nầy vâng phục "sự kêu gọi trên trời." (Philíp 3:14). Khi hy sinh hầu việc Chúa, quý vị Mục sư tiên phong biết rằng mình phải chịu thiếu thốn, vất vả, bị người ta chê cười, vì không hiểu, nên nhiều người nói là họ theo "Ðạo bỏ Ông bỏ Bà." Hơn nữa họ phải đương đầu với hiểm nguy vì thường bị nghi ngờ, bị theo dõi bởi những kẻ thù của Ðấng Christ. Những kẻ nầy không hề thương yêu họ, mà chỉ muốn tìm cơ hội để tiêu diệt họ mà thôi! Những vị Mục sư tiên phong đã vâng theo lời Chúa dạy, "cầu xin Ðức Chúa Trời" (Gia cơ 1:5) ban cho sự khôn ngoan, vượt qua những cạm bẫy khó khăn để được sống còn và cũng để tiếp tục hầu việc Chúa. Nếu chúng ta đọc lại tiểu sử cuộc đời Cụ Mục sư Lê văn Thái chúng ta thấy rõ điều nầy. Chúa đã ban cho Cụ đầy đủ khôn ngoan để đối đáp với những người cầm quyền, hầu bảo vệ Hội Thánh của Chúa trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử đất nước. Cảm tạ ơn Chúa.
             Nói đến những vị Mục sư tiên phong chúng ta phải nói đến Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Mục sư Lê văn Thái, Mục sư Ông văn Huyên, Mục sư Vũ văn Cư, Mục sư Duy Cách Lâm... Dần dần về sau Chúa dấy lên những tôi tớ trung kiên của Chúa tận tụy trong chức vụ hầu việc Chúa, như Mục sư Ðoàn văn Miêng, Mục sư Phan văn Tranh, Mục sư Nguyễn văn Xuyến, Mục sư Nguyễn Thái Dương, Mục sư Phan Duy Hinh, Mục sư Lê Hoàng Phu ... Riêng tôi, tôi hết lòng biết ơn Cụ Mục sư Nguyễn Ðằng đã dạy giáo lý căn bản và làm Lễ Báp-tem cho tôi. Tôi cũng nhớ ơn Cụ Mục sư Phan văn Hiệu. Nhờ Cụ tận tụy trong chức vụ Chúa giao phó mà chúng tôi được hưởng những ngày "Tiểu học Thánh Kinh" đầy phước hạnh ở Vĩnh Long.
             Ðến đây chúng ta có thể bắt chước tác giả Hê bơ rơ mà nói rằng nếu kể hết những vị Mục sư gương mẫu "thì không đủ thì giờ" (Hê bơ rơ 11:32). Chúng ta chỉ có thể nói là mỗi chúng ta cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã kêu gọi và ban ơn cho nhiều tôi tớ của Chúa hết lòng hầu việc Ngài. Ngài đã dùng họ để phát triển Hội Thánh của Ngài và cũng để làm gương tốt cho mỗi chúng ta ngày nay bắt chước họ hết lòng trung thành với Chúa. Thật cao quý thay những tôi tớ Chúa đã trung kiên với Chúa, tận tụy phục vụ Ngài hết cả đời sống của họ. Hiện nay họ đang vui thỏa hưởng phước đời đời với Cha Thiên Thượng trong Nước vinh hiển của Ngài ở trên trời.
             Một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam, chúng ta đã nói là phải biết ơn những vị Giáo sĩ và những vị Mục sư tiên phong thì chúng ta không thể nào quên cảm tạ ơn của Ba Ngôi Ðức Chúa Trời. Ơn của Ngài "cao bằng các từng trời... rộng lớn hơn biển cả!" (Gióp 11:8,9). Bởi lòng nhơn từ vô biên của Ngài, Ðức Chúa Trời đã ban ơn tha thứ cho chúng ta qua dòng huyết cứu rỗi của Ðức Chúa Giê su Christ.
             Nhớ lại trăm năm trước, lúc đó dân tộc Việt Nam "kính thờ và hầu việc loài chịu dựng nên thế cho Ðấng dựng nên, là Ðấng đáng khen ngợi đời đời!" (Rô ma 1:25). Nghĩa là thay vì tôn thờ Ðức Chúa Trời, Ông Bà chúng ta lại thờ con cọp, con rắn.... hoặc người nầy, người kia.... Họ cũng thờ cúng nhiều sao như: sao Hạn, sao Kế đô, sao La hầu, v.v… Nếu nói về thờ cúng hình tượng, có lẽ chúng ta không thể kể ra cho hết bao nhiêu hình tượng người Việt Nam của chúng ta đã thờ phượng? Thêm nữa, nếu nói về tin dị đoan thì cũng không sao kể ra cho hết. Thí dụ người ta tin rằng nên cử việc xuất hành vào những ngày mùng năm, mười bốn, hai mươi ba! Cưới vợ gã chồng cho con cái phải tránh tuổi "tứ hành xung!" Cất nhà thì phải chọn phương hướng nào tốt, và phải cử khởi công vào những ngày "tam nương!"
             Ðức Chúa Giê su "có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người." (Giăng 1:4). Nhưng vì người ta không thờ phượng Ðức Chúa Giê su, cho nên họ không có sự sáng, và cũng không được sự sống mà trái lại phải đối diện với sự chết. Kinh Thánh nói: "Sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội." (Ro-ma 5:12). Sự chết củ tội nhơn mà Kinh Thánh đề cập ở đây không những nói về sự chết thể xác mà còn nói về sự hư mất linh hồn trong Hồ lửa hình phạt đời đời.
Nhưng tạ ơn Ðức Chúa Trời, vì thấy tình cảnh đau thương của người Việt Nam, Ngài đã sai những tôi tớ của Ngài là những Giáo sĩ đến Việt Nam để rao giảng tình yêu thương của Ðức Chúa Trời cho người Việt Nam dù biết là "mọi người đều đã phạm tội" (Rô ma 3:23), nhưng "Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rô ma 5:8), "hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời." (Giang 3:15). Ðây là Tin lành quý báu mà Quý vị Giáo sĩ, Quý Cụ Mục sư tiên phong và Quý vị Mục sư nối tiếp đã và đang giảng dạy cho dân Việt Nam của chúng ta biết, để họ tin Ðức Chúa Giê su.
             Cảm tạ ơn Ðức Chúa Giê su, dù cho trong A-đam mọi người đều chết, thì trong Ngài "mọi người đều sẽ sống lại." (1 Cô 15:22). Bởi đó Phao lô lớn tiếng hỏi rằng: "Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu?" (1 Corinhto 15:55 ). Ðể trả lời câu hỏi nầy, Ông vui mừng ca ngợi Chúa Cứu Thế Giê su rằng: "Tạ ơn Ðức Chúa Trời đã cho chúng ta sự thắng, nhờ Ðức Chúa Jêsus Christ." (1 Corinhto 15:57). Vì rồi đây những con dân của Ðức Chúa Giê dù đã chết sẽ được sống lại như lời của chính Ðức Chúa Giê su phán cho những kẻ hết lòng tin Ngài rằng: "Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt." (Giăng 6:40).
             Vậy thì bởi ơn yêu thương của Ðức Chúa Trời, Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài là Ðức Chúa Giê su Christ, trong Ngài "chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài." (Ê phê sô 1:7).
             Chúng ta được phước Chúa ban, mỗi chúng ta hết lòng cảm tạ ơn Ngài, vậy thì chúng ta làm gì để bày tỏ tấm lòng biết ơn Chúa?
             Với tấm lòng biết ơn Chúa, Phao lô khuyên mỗi chúng ta rằng: "Hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu." (1 Cô 15:58).
             Công việc Chúa, có thể là những công việc như là: dâng mình hầu việc Chúa, hoặc tham gia vào Ban Chấp sự, Ban Trường Chúa nhật, Ban Thanh niên, Ban hướng dẫn Thiếu niên, Ban Chứng Ðạo hoặc là Ban Tu bổ nhà thờ , hoặc dâng tiền vào quỹ Hội Thánh. v.v.... Chúng ta có thể nói: tham gia vào công việc phục vụ Chúa thì việc gì cũng tốt cả. Nhưng xin đừng quên là hãy suy nghĩ đến việc phát triển Ban Chứng Ðạo và chính mình cũng nên học biết làm chứng đạo để dẫn đưa những người chưa biết Chúa đến với Ngài để họ nhờ Chúa mà được cứu như chúng ta.
             Mỗi chúng ta đều học biết rằng Ðức Chúa Giê su đã từ giả ngôi cao sang ở Thiên đàng "đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội." (1 Timothe 1:15). Khi Ngài đã chịu chết và sống lại, trước khi về trời, Ngài đã phán dặn những lời cuối quý báu. Một trong những lời cuối đó là: "Khi Ðức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất." (Sứ đồ 1:8). Tấm lòng của Ðức Chúa Giê su đã bày tỏ cho chúng ta biết rõ ràng rằng Ngài rất quý linh hồn tội nhơn, dù họ lạc loài. Ngài tìm kiếm tội nhơn như người chăn tìm chiên cho dù chỉ có "một con đã mất" (Lu ca 15:4). Cho nên mỗi chúng ta nên vâng phục Ðức Chúa Giê su bước vào "đồng ruộng đã vàng" (Giăng 4:35), để gặt kết quả đem về cho nhà Chúa.              Ðiều nầy rất đẹp lòng Ðức Chúa Trời như Lời Ngài phán rằng: "Những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi." (Ða ni ên 12:3).
             Kỷ niệm một trăm năm Tin Lành đến Việt Nam, cầu xin Ðức Chúa Trời Từ Ái cho mỗi chúng ta là người biết ơn Chúa và ban ơn cho mỗi chúng ta đều trở thành những chứng nhân của Ðức Chúa Giê su, sẵn sàng giới thiệu tình yêu cứu rỗi của Ngài cho nhiều người chưa biết Chúa để họ tin nhận Ngài và được cứu hầu cho Danh Chúa cả sáng. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét