Có thi sĩ nào đó viết rằng: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.” Phao lô không làm thơ, nhưng Ông viết thơ. Ông đã viết thơ cho con dân của Chúa tại Hội Thánh Phi Líp rằng: “Mỗi khi tôi nhớ đến anh em, thì cảm tạ Ðức Chúa Trời tôi, và mỗi khi cầu nguyện, tôi hằng cầu cho hết thảy anh em cách hớn hở, vì cớ từ buổi ban đầu cho đến bây giờ, anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành." (Phi líp 1:3-5).
Nhắc cái thuở ban đầu, Phao Lô nhớ đến anh em ở thành Phi Líp. Lúc đó, bởi Lời Chúa, qua những bài giảng đầy ơn của Ông, các anh em ở thành Phi Líp đã tiếp nhận Chúa Jêsus. Cái thuở ban đầu nầy Phao Lô không thể quên được vì vui quá, vì cảm động quá! Tại vì người Phi Líp đã từ bỏ chỗ tối tăm bước qua chỗ sáng láng; từ bỏ địa vị tội nhơn tiến lên địa vị làm con cái của Ðức Chúa Trời. Họ đã nhờ ơn Chúa từ bỏ Ðịa ngục, để bước vào Thiên đàng. Ngày mà người Phi Líp tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jêsus quả là một ngày trọng đại. Dù ngày đó đã lâu rồi, nhưng Phao Lô không sao quên được cái buổi ban đầu tốt đẹp đó!
Thưa Quý vị, đối với Quý vị, Quý vị còn nhớ cái ngày mà Quý vị bắt đầu thưa với Chúa rằng: “Kính lạy Chúa Jêsus, con có tội, con cám ơn Chúa đã chịu chết gánh hình phạt thay cho con, con cầu xin Chúa Jêsus tha tội cho con, con xin tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của con. Xin Chúa thương xót nhận con làm con của Ngài.” Lời nguyện cầu chân thành đó với Chúa, Quý vị còn nhớ không?
Hồi nhỏ tôi có nghe bài hát rất hay, rất có ý nghĩa. Bài hát rằng: “Dầu bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm...., tôi vẫn không bao giờ quên anh!” Tôi ước ao mỗi chúng ta thưa với Chúa rằng: “Dù bụi thời gian có làm mờ kỷ niệm ngày con tin nhận Chúa, và dù cho đời con có lắm gian truân vất vả trên cuộc đời nầy, thì con không bao giờ quên Chúa.” Con quyết tâm theo Chúa để rồi ngày kia, khi qua đời, con sẽ được ở trong nhà Chúa vì Chúa là Chúa Cứu Thế của con.
Khi đọc phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta nên để ý chữ “cho đến bây giờ.” Cho đến “bây giờ”, con vẫn là con của Chúa. Ðiều nầy thật tốt. Nhưng thưa Quý Ðộc giả, còn “cho đến ngày kia” Chúa trở lại thì sao? Có phải chăng lúc đó chúng ta vẫn còn trung tín với Chúa? Lời Chúa dạy mỗi chúng ta rằng: “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi Ta sẽ ban cho ngươi mũ triều thiên của sự sống.” (Khải huyền 2:10b).
Trong Kinh Thánh có ghi lại câu chuyện buồn về hai người bạn thân. Ðó là Ða vít và Giô na than. Giô na than là Thái tử, con của vua Sau lơ. Ða vít là một thanh niên tốt. Ða vít là một người được Chúa xức dầu để làm vua thay cho Sau lơ. Biết sự sắp đặt nầy là bởi ý Chúa, Giô na than không ganh tị mà lại hết lòng thương yêu quý mến Ða vít. Những ngày Ða vít bị Sau lơ tìm giết, Giô na than che chở cho Ða vít. Kinh Thánh chép: “Giô na than thương yêu Ða vít như mạng sống mình.” (I Samuên 20:17). Giô na than đề nghị với Ða vít: “Anh sẽ làm vua Y sơ ra ên, còn tôi sẽ làm tể tướng của anh.” (I Samuên 23:17). Ða vít kết ước điều nầy với Giô na than. Ða vít thương mến Giô na than hết lòng!
Hai người bạn nầy rất tương đắc với nhau. Nhưng tiếc thay, Giô na than không đồng đi cùng Ða vít để cùng khổ và cùng hưởng vinh quang. Khi mà lên ngôi vua, thì Ða vít “bây giờ” nhìn lại, Giô na than người bạn thân yêu của mình đã chết! Dù rất muốn và lời ước hẹn vẫn còn nhớ trong lòng, nhưng Ða vít không thể phong cho Giô na than làm Tể tướng. Thay vào đó, Ða vít chỉ còn một cách là khóc cho Giô na than. Ða vít thở than rằng: "Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh." (2 Samuên 1:26).
Cuộc đời theo Chúa của chúng ta, điều rất quan trọng là khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ nhìn lại và hỏi: “Bây giờ” con ở đâu? Con có còn yêu Chúa không? Con có còn theo Chúa không? Hay niềm tin nơi Chúa Cứu Thế của con đã chết lịm từ lâu rồi? Xin mỗi chúng ta hãy cẩn thận, đừng để Chúa Jêsus quở trách, như Ngài đã quở trách các tín hữu Hội Thánh Ê phê sô: “Ta khiển trách con, vì con đã đánh mất tình yêu ban đầu, khi con mới theo Ta.” (Khải huyền 2: 4 BDY).
Ðối với các tín hữu Phi Líp, Phao lô vui mừng nói thêm rằng Ông cảm tạ ơn Chúa vì "anh em đã được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành;” (Phi líp 1:5b).
Tin Lành là gì? Tin Lành là Tin mừng. Tin mừng đó nói về Chúa Jêsus, Ngài là “Ðấng Cứu Thế” (Lu ca 2:11), Ngài từ trời đến để “cứu dân mình ra khỏi tội.” (Ma thi ơ 1:21). "Ngài chịu chết vì tội chúng ta." (1 Cô rinh tô 15:3b). Hậu quả tội lỗi của Quý vị và tôi là sự chết. Vậy mà Chúa Jêsus là Ngôi Hai Ðức Chúa Trời bằng lòng chịu chết thay cho chúng ta, để chúng ta được Ðức Chúa Trời tha tội và cứu chúng ta. Ô, cám ơn Chúa Jêsus, không có Tin mừng nào hơn là Tin mừng của Ðức Chúa Jêsus.
Chúa Cứu Thế Jêsus đem “Tin Lành” đến cho nhân loại và Ngài dạy rằng: “Tin lành nầy thuộc về Nước Ðức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân.” (Ma thi ơ 24:14).
Ðức Chúa Jêsus rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Ðức Chúa Trời. Ngài cũng kêu gọi nhiều tôi tớ của Chúa để nối tiếp công việc rao giảng Tin Lành của Ngài. Chúa Jêsus đã kêu gọi Phao lô rao truyền Tin Lành cứu rỗi. Phao lô đã vâng lời Chúa. Ông đã chịu nhiều gian khổ ra đi rao giảng Tin Lành và Chúa đã dùng Ông để thành lập nhiều Hội Thánh của Chúa.
Quý Ðộc giả thân mến, ngày xưa Chúa kêu gọi Phao lô, ngày nay Chúa cũng đang cần những người sẵn sàng chịu đựng những gian khổ để rao truyền Danh Chúa, Quý vị có ai bằng lòng nghe theo tiếng gọi của Chúa như Phao lô không?
Vì giảng Ðạo của Chúa, Phao lô bị bắt và bị giam tại thành La mã. Các tín hữu ở Phi líp cử Ép-ba-phô-đích là người đại diện đi thăm viếng và đem quà biếu Phao lô. Ðiều nầy khiến Phao lô rất cảm động, Ông nói: “Tôi được rất vui mừng trong Chúa, vì nay anh em lại lo tưởng về tôi lần nữa.... Anh em giúp tôi trong cơn hoạn nạn, thì đã làm điều thiện.” (Phi 4:10,14). Thật ra, dù có những người luôn luôn kiếm cớ để bắt bớ, làm khó làm dễ gây nản lòng các tôi tớ Chúa, nhưng tạ ơn Chúa, Chúa cũng cho có nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, cầu nguyện và ủng hộ những tôi tớ của Ngài.
Thưa Quý Ðộc giả, cuộc đời trên đất của chúng ta sẽ qua đi. Có chuyện vui kể rằng chiếc máy bay trục trặc bị chao đảo. Phi hành đoàn cho hành khách trong phi cô hay là: “Một mối điện tử bị hư. Nhưng Quý hành khách đừng xôn xao. Phi công sẽ cố gắng sửa chữa.” Vì quá lo, nên một Bà cụ hỏi phi công:
- Thưa Ông, Ông có thể đưa chúng tôi đến đất được không?
- Thưa cụ, xin cụ yên tâm, dù máy bay nầy có sửa được hay không, thì cụ cũng sẽ tới đất!!!
Ai cũng sẽ tới đất! Nhưng “ai làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” (I Giăng 2:17b). Tiền bạc của chúng ta rồi sẽ qua đi, nhưng những công và của mà chúng ta dâng để rao giảng Tin Lành của Chúa, giúp nhiều người được cứu sẽ trở nên quý giá.
Có một vị lão thành yêu Chúa. Ông Mục sư đến thăm cụ và hỏi cụ rằng: “Thưa Cụ, khi qua đời, Cụ sẽ được hưởng sự cứu rỗi của Chúa. Trong Thiên Ðàng cụ muốn gặp những người nào?”
- Thưa Mục sư, người đầu tiên tôi cầu xin được gặp là Chúa Jêsus, Ðấng đã chịu chết thay cho tôi. Tôi xin gặp Ngài để tôi lạy tạ ơn Ngài.
- Người kế, Cụ muốn gặp là ai?
- Kế đó, tôi xin Chúa cho tôi gặp người đã nói về sự cứu rỗi của Chúa cho tôi.
- Rồi ai nữa?
- Sau đó, tôi xin gặp người đã dâng tiền giúp sự rao truyền Danh Chúa cho tôi.
Nếu vậy thì khi chúng ta dâng tiền cho công việc Chúa trong Hội Thánh có góp phần trong sự tấn tới của Ðạo Tin Lành không? Có chớ! Tại sao? Tại vì nhờ có tiền Hội Thánh mới có phương tiện rao truyền Danh Chúa, như in truyền đạo đơn, tổ chức những buổi truyền giảng đem nhiều người trở lại với Chúa. Tiền bạc chúng ta dâng cho Chúa thật là hữu ích và quý báu. Sự thật thì tiền bạc của chúng ta để trong ngân hàng chỉ có giá trị tạm thời, vì có ai qua đời đem sổ trương mục của mình theo đâu! Nhưng nếu Quý Ðộc giả dâng tiền bạc của mình để làm phương tiện rao truyền Tin Lành cứu rỗi của Chúa, để mang tội nhơn đến với Chúa và nhờ Ngài họ được cứu. Chúa đẹp lòng và Ngài sẽ ban phần thưởng cho Quý vị. Ðó là điều quý báu lạ lùng. Vì Chúa cho phép chúng ta dùng của cải tạm thời trên đất để xây dựng cơ nghiệp đời đời trong Thiên quốc vĩnh cửu của Ngài. Chính Ðức Chúa Giê su phán rằng: "Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm." (Khải huyền 22:12). Cảm tạ ơn Chúa.
Thế thì tiền dâng để phụ cấp cho Mục sư sống có phải là tiền giúp sự tấn tới của Ðạo Tin Lành không? Có chớ! Tại sao? Vì nếu không có tiền giúp Mục sư sống, Mục sư phải đi làm để sống. Như vậy, Mục sư không có đủ thì giờ thăm viếng, không có đủ thì giờ cầu nguyện, không đủ thì giờ soạn bài giảng tốt, để nuôi dưỡng đời thuộc linh cho tín hữu trong Hội Thánh, không có thì giờ đi chứng đạo v.v...
Hột giống Tin Lành của Chúa ví như một mầm sống của cây ăn trái ngon ngọt. Nếu mình trồng được thì mình trồng, nếu mình trồng không được thì tiếp tay cho người khác trồng; còn mình thì tưới, hoặc tiếp tay cho người khác tưới. Lời Chúa dạy rằng: “Người trồng, kẻ tưới đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.” (I Cô rinh tô 3:8).
Cho nên, khi Phao lô giảng Tin Lành mà anh em tín hữu Phi líp gởi quà, gởi tiền giúp đỡ cho Ông, thì Ông cho biết rằng anh em tín hữu Phi líp đã có công góp phần vào sự “tấn tới của Tin Lành.”
Thưa Quý Ðộc giả, đời sống của Quý vị hiện nay có phải là đời sống “từ buổi ban đầu cho đến bây giờ,” vẫn còn yêu Chúa phải không? Và Quý Ðộc giả có đang góp phần vào sự tấn tới của Tin Lành không?
Cầu xin Chúa dùng mỗi đời sống mỗi chúng ta làm vinh hiển Danh Ðấng đã yêu chúng ta đến nỗi đã chết thay cho chúng ta. Amen.
Mục sư Trần Hữu Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét