Hôm nay, nhờ ơn Chúa, xin mời
quý con dân Chúa cùng học Gia phổ của Đức Chúa Giê su. Gia phổ là sổ ghi các
chi nhánh của một dòng họ.
Bài học nầy chúng ta cùng học:
1. Đức Chúa Trời xử dụng phụ nữ. 2. Nguồn gốc phần xác. 3. Nguồn gốc Thần-linh
của Đức Chúa Giê su.
Dân Y sơ ra ên là một dân tộc
theo chế độ phụ hệ. Nghĩa là họ trọng nam khinh nữ. Trong việc thống kê họ kể những
người đàn ông, không kể những người đàn bà. Khi Môi se dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra
khỏi Ê díp tô thì Kinh thánh cho biết là có “60 vạn người đàn ông”
(Sáng 12:37). Như vậy có phải Môi se dẫn đàn ông ra đi và bỏ đàn bà ở lại
không? Không phải như vậy, nhưng thống kê không kể đàn bà và con nít.
Nhưng lạ thay trong gia phổ Đức
Chúa Giê su, Đức Thánh Linh hướng dẫn Ma thi ơ viết tên đàn bà, không phải một người
mà có đến 4 người là: Ta ma, Ra háp, Ru tơ và Bát sê ba. Bốn người nầy chỉ là
những người đàn bà bình thường chớ không có tài năng gì vượt trội hơn những
người khác.
Chúng ta học được ở điều nầy là
trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Ngài vẫn yêu thương những người phụ nữ
bình thường chớ Ngài không kỳ thị nữ giới. Ngày nay chúng ta thấy Đức Chúa Trời
có xử dụng nhiều người phụ nữ hầu việc Ngài cách đắc lực.
Kế
đến chúng ta học điều nữa là trong công cuộc giáng thế cứu tội nhơn, Chúa có dùng
những người ngoại bang. Tất cả 4 người đàn bà trong gia phổ nầy đều là
người ngoại bang chớ không phải người Y-sơ-ra-ên. Cũng vậy, khi Đức Chúa Giê su đã sanh ra tại thành Bết lê hem
thì có những Bác sĩ ngoại bang từ phương Đông đến tìm Chúa để thờ phượng Ngài.
Đức Chúa Trời chấp nhận họ và Ngài đã nhậm lễ vật của họ dâng lên thờ phượng
Ngài.
Ê sai đã công bố lời của Đức
Chúa Trời cho cả nhơn loại rằng: “Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng
đất, hãy nhìn xem Ta mà được cứu!” (Ê sai 45:22). Thế mà người Do Thái
thường dạy đạo cho cộng đồng của họ là Thiên đàng chỉ để dành cho tuyển dân Do
Thái, còn dân ngoại không được cứu. Nhưng nay qua sự Giáng sanh của Đức Chúa
Giê su chỉ tỏ rằng dân ngoại được hưởng sự cứu rỗi như lời Ê sai dạy. Nói đến
điều nầy Thánh Phao lô nhờ ơn Chúa Thánh Linh viết cho “chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý
muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhơn từ Ngài....
11 Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp,
như đã định trước cho chúng ta được điều đó.” (Ê phê sô 1:9,11). Cảm tạ
ơn Chúa, Ngài đã dùng Phao lô bày tỏ sự mầu nhiệm kín giấu trong Ngài cho chúng
ta biết rằng chúng ta là dân ngoại được dự phần vào sự cứu rỗi quý báu của Ngài.
Đúng như Phúc Âm Giăng nói: “Ðức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế
gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà
được cứu.” (Giăng 3:17). Thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu nghĩa là cả nhân
loại không phân biệt người nước nào miễn
là nhờ Ngài thì được cứu chớ không phải chỉ có dân tộc Do Thái mà thôi.
Học tới đây chúng ta mừng rằng
nhờ sự Giáng sanh của Đức Chúa Giê su khiến cho chúng ta dù không phải là người
Do Thái, chúng ta là những người Việt Nam nhờ Chúa Giê su chúng ta được cứu.
Cám ơn Chúa.
Đối với người Do Thái, nguồn
gốc gia phả rất quan trọng. Vì có gia phả mới nói được là một người thuộc dòng
giống nào chi phái nào và như vậy mới có được quyền thừa kế. Trong Gia phổ Đức
Chúa Giê su có nói rõ rằng Ngài “con cháu Đa vít và con cháu Áp ra ham.” (Ma
thi ơ 1:1).
Dù
cho Đa vít là con cháu của Áp ra ham, nhưng Ông Ma thi ơ viết vua Đa vít trước
hơn Áp ra ham. Điều nầy chứng tỏ Ông muốn nhấn mạnh rằng Đức Chúa Giê su có nguồn
gốc là dòng dõi nhà vua. Phao lô cũng nói: “Ðức Chúa Jêsus Christ, sanh ra bởi
dòng vua Đa vít.” (2 Ti mô thê 2:8).
Trong
Gia phổ nầy có nhiều người rất nổi danh trong Kinh thánh. Chúng ta có thể lược
kể như sau:
1.-
Áp ra ham:
Khi
nghe tiếng Chúa, Ông sẵn sàng rời khỏi nhà cha mình theo tiếng gọi của Chúa.
Ông được Đức Chúa Trời hứa ban cho dòng dõi đông như sao trên trời như cát bờ
biển. Áp ra ham là người hết lòng tin Chúa và vâng theo những lời Chúa dạy biểu.
Đức tin của Ông đáng làm gương mẫu cho những người tin, cho đến nỗi Kinh thánh
dạy rằng: “Những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp
ra ham.” (Ga la ti 3:7).
2.- Y-sác:
Y-sác là người
hiền lành, sống theo ý của Chúa.
3.- Gia cốp:
Gia
cốp là người “vật lộn với Đức Chúa Trời,” (Sáng 32:28) và được sửa tên là
Y-sơ-ra-ên. Ông sanh 12 con trai và trở nên các trưởng tộc của 12 chi phái
Y-sơ-ra-ên.
Ðức
Chúa Trời vui lòng xưng rằng: “Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa
Trời của Y-sác, và Ðức Chúa Trời của Gia-cốp.” (Xuất 3:16).
4.-
Giu đa:
Giu
đa là người được lời chúc phước rằng trong dòng dõi của Ông có “Đấng
Si lô hiện tới và các dân vâng phục Đấng đó.” (Sáng thế ký 49:10b).
Chúa Giê su xác nhận: “sự cứu rỗi bởi người Giu đa mà đến.”
(Giăng 4: 22).
5.-
Đa vít:
Đa vít giết được đại tướng Gô-li-át của Phi-li-tin. Đa
vít là vị vua nổi danh của dân Y-sơ-ra-ên, được Đức Chúa Trời lập Giao ước đời
đời với Ông. Đa vít nói: “Ngài đã lập với ta một giao ước đời
đời, Vững bền trong mọi sự và chắc chắn.” (2 Sa mu ên 23:5).
6.-
Sa lô môn:
Sa
lô môn là vị vua nối nghiệp vua Đa vít, Ông được Đức Chúa Trời ban cho sự khôn
ngoan vượt trội hơn mọi người. Ông là người xây cất đền thờ rất nguy nga của Đức
Chúa Trời tại Giê ru sa lem.
7.-
Giô sép:
Giô
sép là người vâng lời Chúa chịu cưới cô Ma ri làm vợ dẫu biết rằng cô đang mang
thai. Giô sép cũng là người đem Con trẻ Giê su tị nạn qua xứ Ê díp tô cho đến
khi được lời Chúa mách bảo chỉ dạy Ông đem Con trẻ Giê su trở lại nước
Y-sơ-ra-ên và sống ở thành Na xa rét. Đức Chúa Giê su lớn lên ở đó và Ngài được
gọi là người Na xa rét.
Đức
Chúa Giê su là Thần Nhơn. Nghĩa là Ngài vừa là Đức Chúa Trời vừa là loài người.
Trong gia phổ, Ma thi ơ viết: “Ma ri là người sanh Đức Chúa Giê su gọi là
Christ.” (Ma thi ơ 1:16). Tất cả nhơn loại đều do người cha sanh ra,
nhưng Đức Chúa Giê su do người mẹ sanh ra. Ngài được sanh ra bởi quyền năng Thánh
Linh. Tất cả nhơn loại sanh ra là một tạo vật hoàn toàn mới. Nhưng Đức Chúa Giê
su sanh ra không phải như vậy. Vì “Gốc tích
của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Mi chê 5:1). Đức Chúa Giê
su Christ là Ngôi Hai Đức Chúa Trời hằng hữu “Ngài ở cùng Đức Chúa Trời”
(Giăng 1:1). Ngài hiện hữu trước khi có Ma ri, Giô sép và tất cả nhân loại.
Chính Ngài phán rằng: “trước khi chưa có Áp ra ham, đã có Ta.”
(Giăng 8:58). Danh hiệu Christ của Đức Chúa Giê su có nghĩa Ngài là Đấng được Đức
Chúa Trời xức dầu. Trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Mê-si-a là Đấng Cứu Thế. Tiên
tri Ê sai còn cho chúng ta biết Danh Chúa Giê su là “Em-ma-nu-ên” (Ê Sai
7:14), “nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Mat 1:23). Vì Đức
Chúa Giê su Christ là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, nên Kinh thánh cho chúng ta biết
rằng Ngài là Đấng Tạo Hóa cũng như Đức Chúa Trời. Phúc Âm Giăng nói: “Muôn
vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng
1:3). Phao lô cũng nói Đức Chúa Giê su là Đấng Tạo Hóa, Ông viết: “Muôn
vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật
không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm
quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.” (Cô lô se
1:16).
Ma thi ơ viết: “Ma
ri là người sanh Đức Chúa Giê su gọi là Christ.” (Ma thi ơ 1:16).
Tên Giê su là tên mà thiên sứ đã
dặn bảo Giô sép rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Ða-vít, ngươi chớ
ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Ðức Thánh Linh. 21
Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai ấy sẽ cứu
dân mình ra khỏi tội.” (Ma thi ơ 1:20-21).
Thế thì Đức Chúa
Giê su Christ từ trời đến thế gian là để cứu tội nhơn. Vì vậy khi nhìn thấy Đức
Chúa Giê su, Giăng Báp Tít chỉ Ngài mà nói cho mọi người biết rằng: “Kìa,
Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng
1:29).
Sứ đồ Phi e rơ khẳng
định rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở
dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó
mà được cứu.” (Sứ đồ 4:12).
Đức Chúa Giê su là Ngôi Hai Đức
Chúa Trời. Ngài ngự trên ngôi trời vinh hiển, thiên binh thiên sứ ca ngợi, chúc
tụng thờ phượng Ngài. Vậy mà vì yêu tội nhơn, trong đó có quý vị và tôi, Ngài
bằng lòng giáng thế để tìm và cứu chúng ta. Ngài bằng lòng hạ mình xuống. Kinh
thánh nói Ngài “chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ, chính
Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; 8
Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm
chí chết trên cây thập tự.” (Phi líp 2:6-8).
Thưa quý vị học
gia phổ Đức Chúa Giê su, chúng ta biết rằng người ngoại bang tin Đức Chúa Giê
su được cứu, về phần xác Ngài thuộc giòng dõi vua Đa vít, về phần thần linh Ngài
là Đức Chúa Trời giáng thế để cứu tội nhơn.
Hôm nay quý vị
tin nhận Đức Chúa Giê su là Chúa của mình, thật là phước lớn lao mà Đức Chúa Trời cho quý vị biết Ngài và tin nhận
Ngài.
Cầu xin Chúa ban
phước cho mỗi chúng ta trung tín thờ Chúa cho đến cuối cùng để mỗi chúng ta đều
được cứu vào Thiên quốc vinh hiển của Ngài. A men.
Mục
sư Trần Hữu Thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét