092 - TRƯỚC CHÚA GIÁNG SANH (Lu ca 1:5-20)

        Mỗi năm vào tháng 12, thế giới cử hành Lễ Chúa Giáng sanh. Có một số người nghĩ rằng Ba Ngôi Đức Chúa Trời ngự trên Thiên Đàng nhìn thấy thương loài người phạm tội họ sẽ bị hư mất. Nhưng Chúa “...không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” (2 Phierơ 3:9). Vì vậy, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đến thế gian để tìm và cứu những kẻ bị hư mất. Quyền năng Đức Thánh Linh khiến cho Trinh Nữ Ma ri mang thai, bà sanh một trai đặt tên là Giê-su. Do đó hằng năm chúng ta có lễ Chúa Giê su giáng sanh.

        Sự thật thì tiến trình Giáng sanh của Chúa Giê xu không đơn giản như vậy, có nhiều chi tiết hơn.
Từ buổi Sáng thế, khi loài người phạm tội, Ðức Chúa Trời đã tìm gặp A-đam, Ê-va và Con rắn bị Sa tan lợi dụng lúc đó. Ðức Chúa Trời phán cùng Sa tan rằng: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người.” (Sáng thế ký 3:15).
Đây là lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế sẽ được sanh ra bởi dòng dõi người nữ và Ngài sẽ thắng hơn Sa tan, Sa tan chỉ có thể cắn gót chân Ngài mà thôi.
Ðể hoàn thành lời hứa nầy, Ðức Chúa Trời đã kêu gọi Áp-ra-ham để từ Ông, Chúa tạo nên dân tộc Y sơ ra ên và từ dân tộc nầy, Chúa Cứu Thế sẽ ra đời. Nhưng trải qua nhiều thế hệ dân Y sơ ra ên có hằng triệu người, ai là Chúa Cứu Thế? Biết vậy Ðức Chúa Trời dùng các Đấng Tiên tri nói trước về những dấu hiệu bày tỏ ai là Chúa Cứu Thế.
      Trước Chúa Cứu Thế giáng sanh khoảng 700 năm, Ê sai đã nói về Chúa Cứu Thế rằng: “...một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên.” (Ê sai 7:14). Một cô gái đồng trinh chưa có chồng mà lại chịu thai, như vậy con trai nầy sanh ra thuộc về dòng dõi người nữ, chớ không phải do dòng dõi người nam, như tất cả mọi người khác.
      Trước Chúa Cứu Thế giáng sanh khoảng 500 năm, Mi Chê nói rằng: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta,.... từ nơi ngươi sẽ ra cho Ta một Ðấng cai trị trong Y-sơ-ra-ên; gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Mi chê 5:1). Nghĩa là Chúa Cứu Thế sẽ sanh ra tại Bết lê hem.
Có nhiều dấu hiệu khác nữa ở Cựu Ước, như nói Đấng Cứu thế bị phản bội (Thi thiên 41:9), bị thủng hai tay và chơn (Thi thiên 22:16), bị đâm (Xa cha ri 12:10), người ta chia nhau áo xống Ngài (Thi thiên 22:15), Ngài bị đặt vào hàng kẻ ác (Êsai 53:9) và còn nữa... Nhưng Đức Chúa Trời biết loài người bất toàn, nhiều người vẫn không đủ khả năng nhận ra Đấng Cứu Thế, cho nên trước khi Đấng Cứu Thế sanh ra khoảng 15 tháng Đức Chúa Trời ban cho nhơn loại thêm một tiên tri nữa là Giăng Báp tít. Giăng Báp tít chỉ thẳng vào Đấng Cứu Thế mà nói cho nhiều người biết rằng: Kìa, Chiên con của Ðức Chúa Trời, là Ðấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29).    
      Điều nầy Kinh thánh ghi lại: “Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, thuộc về ban tộc A-bi-a, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-bét, thuộc về chi phái A-rôn. Hai người không có con, vì Ê-li-sa-bét son sẻ, và cả hai đều cao tuổi.” (Lu ca 1:5-7). Vua Hê rốt rất tàn ác. Ông đã ra lịnh giết tất cả con trẻ từ hai tuổi trở xuống tại làng Bết lê hem, vì Ông muốn giết Con Trẻ Giê su mới ra đời ở đó.
        Thưa Quý vị, vào thời kỳ đen tối như vậy mà lạ thay vẫn có những người hết lòng yêu Chúa và sẵn sàng hầu việc Ngài như những người trong ban tộc A-bi-a, trong đó có thầy tế lễ Xa-cha-ri.
Ngày nay cũng vậy, thật là cảm tạ ơn Chúa về tấm lòng yêu mến Chúa của những con cái Chúa ở vào những hoàn cảnh khó khăn. Họ bị bắt bớ, đánh đập, tù đày, nhưng họ vẫn theo Chúa. Ði bộ năm bảy cây số để thờ phượng Chúa họ vẫn đi. Thức sớm từ 5 giờ sáng để đi nhà thờ thờ phượng Chúa họ sẵn sàng đi. Làm chứng về Chúa có thể bị bắt bớ, nhưng họ vẫn làm chứng về Chúa.
Tiếc thay có những nơi con dân Chúa sống bình an, làm ăn khá dả, đi nhà thờ bằng xe hơi, nhưng thường thường đến trễ! Chúa bảo: “Các ngươi hãy làm chứng về ta.” Nhưng ít khi chúng ta làm chứng về Ngài cho người chưa tin. Có lần nào chúng ta có tự hỏi rằng tôi có hết lòng yêu Chúa không? Và câu trả lời ra sao?
      Khi Xa-cha-ri đang làm phận sự dâng hương thì có Thiên sứ của Ðức Chúa Trời đến nói chuyện với Ông. Kinh thánh cho chúng ta thấy Ðức Chúa Trời thường hay đến nói chuyện hay kêu gọi những ai siêng năng hầu việc Ngài. Ðức Chúa Trời kêu gọi Môi se và A-mốt khi họ đang chăn chiên. Ðức Chúa Giê-xu kêu gọi Phi e rơ và Anh-rê khi họ đang thả lưới. Ðức Chúa Trời ưa thích làm việc với những người siêng năng. Vì vậy mà Phao lô kêu gọi con dân Chúa rằng: “Hãy siêng năng.” (Rô-ma 12:11). Vì ai siêng năng hầu việc Chúa thì được phước của Chúa.
      Khi Thiên sứ của Chúa hiện đến “Xa-cha-ri thấy thì bối rối và sợ hãi. Nhưng Thiên sứ nói cùng người rằng: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ.” (Luca 1:12-13).
       “Ðừng sợ” là sứ điệp từ trời gởi cho con dân Chúa. Chúa phán cùng dân Ngài rằng: “Đừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi.” (Êsai 43:5). Khi Thiên sứ đến báo tin Chúa Cứu Thế giáng sanh cho các gã chăn chiên, họ rất sợ hãi. Thiên sứ nói: “Ðừng sợ” (Lu ca 2:10). Tại sao chúng ta cần có sứ điệp: “Ðừng sợ?” Tại vì chúng ta thường hay sợ! Con dân Chúa không cần phải sợ, vì “Ðức Chúa Trời, là Ðấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn, Ngài đem mà yêu chúng ta.” (Ê phê sô 2:4). Thật ra, chúng ta không cần phải sợ nghèo, sợ đói, sợ hoạn nạn, sợ thua sút người khác... kể cả không cần sợ chết. Chúng ta không tìm cái chết, nhưng nếu Chúa cho chết, thì xin biết rằng “...phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa.” (Khải huyền 14:13). Vì được “đi ở với Ðấng Christ, là điều rất tốt hơn.” (Phi líp 1:23). Chúng ta chỉ nên sợ điều nầy mà thôi: Ðó là sợ mình sống không đẹp lòng Chúa, và điều sợ lớn hơn nữa là sợ mình không đi thờ phượng Chúa, dần dần xa Chúa rồi không còn tôn thờ Ngài nữa, từ bỏ Chúa, thờ thấn khác, linh hồn bị hư mất.
Ông Bà Xa-cha-ri không có con. Ông Bà lo lắng và cầu nguyện Chúa xin cho một đứa con trai để nối dõi nối dòng. Thiên sứ báo tin cho Ông: “Hỡi Xa-cha-ri... lời cầu nguyện ngươi đã được nhậm rồi. Ê-li-sa-bét vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng.” (Lu ca 1:13).
      Theo Quý vị nghĩ thì từ lúc mấy tuổi Ông Bà cầu xin Chúa cho một đứa con trai? Lúc Ông Bà mới lập gia đình ở tuổi đôi mươi, cho đến nay Ông Bà đã cao tuổi, có thể hơn 60. Như vậy Ông bà đã cầu nguyện suốt 40 năm.  Vậy thì, chúng ta học được bài học là: “Hãy .... bền lòng mà cầu nguyện.” (Rô ma 12:12). Khi cầu nguyện, chúng ta không nên cầu nguyện một cách qua loa rồi thôi. Chúng ta phải bền lòng mà cầu xin. Ví dụ như khi cầu xin Chúa cho con cái của chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta nên cầu xin Chúa hàng ngày và cầu nguyện từ năm này qua năm khác. Chúa thấy tấm lòng của chúng ta ngưỡng vọng lên Chúa, Ngài sẽ thương xót cho.
      Ông Bà Xa cha ri chỉ cầu xin Chúa cho một con trai bình thường thôi, thế mà nay Ngài ban cho Ông bà một con trai là một Tiên tri, hơn thế nữa, lại là Tiên tri dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Tiên tri nầy nhờ ơn Chúa "sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng." (Lu ca 1:17). Như vậy, Ðức Chúa Trời đã ban cho Ông Bà điều lớn hơn, quý báu hơn điều Ông Bà cầu xin. Cám ơn Chúa, đúng là: “Ðức Chúa Trời ... là Ðấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê bơ rơ 11:6b). Cho nên nếu đời sống chúng ta hết lòng tìm kiếm Chúa, cầu khẩn Danh ngài chắc chắn chúng ta được Chúa ban thưởng những điều quý báu hơn những gì chúng ta ao ước. Vì "người nào tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va, sự nhơn từ vây phủ người ấy." (Thi thiên 32:10).
          Ông Bà Xa-cha-ri cầu nguyện, Chúa nhậm lời, nhưng bây giờ Ông lại nghi ngờ. Ông nói: “Bởi sao tôi biết được điều đó? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” (Lu ca 1:18). Xin mời Quý vị suy nghĩ: Tại sao Xa-cha-ri nghi ngờ là Ông không thể có con? Tại vì Ông nghĩ rằng cả hai Ông bà đều đã già rồi thì làm sao có con được? Ông suy nghĩ như vậy có lý không? Thật thì có lý với loài người, nhưng không có lý với Ðức Chúa Trời. Ông lấy sự già yếu để làm giới hạn quyền năng của Ðức Chúa Trời, nên Ông đã bị Chúa phạt. Ông bị câm cho đến khi con trẻ được sanh ra.
        Thưa Quý vị cuộc đời theo Chúa của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, và chúng ta phải nhờ cậy Chúa "tập tành sự tin kính" (1 Ti mô thê 4:7) mỗi ngày. Chúng ta đừng nghi ngờ quyền năng của Ðức Chúa Trời. Chúng ta đừng đem ý nghĩ hữu hạn của mình để giới hạn quyền năng vô biên của Chúa. Xin chúng ta ghi nhớ lời Kinh thánh dạy rằng: “.... phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ.” (Gia cơ 1:6).
          Ðến kỳ sanh nở, Bà “Ê-li-sa-bét sanh được một trai.” (Luca 1:57). Ô,  cảm tạ ơn Chúa, dù cho thầy tế lễ Xa-cha-ri có bất tín, nhưng Ðức Chúa Trời vẫn thành tín. Chính Chúa phán rằng: “....lời nói của Ta ..., đã ra từ miệng Ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều Ta muốn, thuận lợi công việc Ta đã sai khiến nó.....” (Ê sai 55:11-12). 
        Vậy thì, vì yêu thương tội nhơn, Đức Chúa Trời đã hứa ban Đấng Cứu Rỗi, từ buổi Sáng thế. Rồi từ đó, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị mọi sự hầu cho lời hứa của Ngài được ứng nghiệm, và Ngài còn ban cho chúng ta dấu hiệu Chúa Giê su là Chúa Cứu Thế của chúng ta.
Cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta hết lòng tin cậy Chúa và biết cám ơn Ngài, vì Chúa là Đấng Thành Tín và là Đấng không bao giờ quên lời hứa Cứu chuộc chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta luôn luôn trung tín yêu kính Ngài.             A-men.
                                                Mục sư Trần Hữu Thành.

                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét