Trong dân Y sơ ra ên, có gia đình
Ông Bà A-ram (Xuất Ê díp tô ký 6:20), sanh đứa con trai xinh đẹp, họ giấu đứa
trẻ trong nhà nuôi được ba tháng. Nhưng họ không thể giấu lâu hơn được, họ đan
một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, để đứa trẻ vào, rồi đem bỏ trong
đám sậy, dưới mé sông. Chị của đứa trẻ đứng xa xa nhìn coi em mình sẽ ra sao?
Lúc đó Công chúa, con gái vua Pha ra
ôn xuống sông tắm, theo như một nghi lễ tôn giáo của cô, “…công
chúa thấy cái rương mây …, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa
con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa
con của người Hê-bơ-rơ.” (Xuất Ê díp tô ký 2: 5).
Lúc đó Công chúa có biết đứa trẻ
khóc ngoe ngoe trong cái rương nầy về sau sẽ trở thành lảnh tụ của dân Y sơ ra
ên ra và dẫn họ ra khỏi Ai cập không?
Chắc chắn là không? Còn Ðức Chúa Trời có biết không? Chắc chắn là biết.
Ðức Chúa Trời muốn dẫn dân sự của
Ngài ra khỏi Ai cập, Ngài chăm sóc Môi se. Suy nghĩ về tiếng khóc con trẻ Môi
se trong cái rương mây, chúng ta nhận thấy có sự ban phước của Ðức Chúa Trời.
Ðức Chúa Trời ban ơn lạ lùng là đối diện với tiếng khóc trẻ thơ ai cũng thấy
thương, nhất là tiếng khóc hòa với gương mặt yếu đuối của một con trẻ trước mắt người
phụ nữ. Công chúa thấy rất cảm thương một con trẻ bơ vơ yếu đuối! Khi Ðức Chúa
Trời muốn hoàn thành công việc của Ngài, Ngài có năng quyền khiến những con trẻ
yếu đuối làm được việc to lớn. Ðức Chúa Trời đã dùng Con Trẻ Jesus nơi chuồng
chiên nghèo nàn để làm Chúa Cứu Thế cho cả nhơn loại. Vì:
“…không
việc chi Ðức Chúa Trời chẳng làm được.” (Luca 1:37).
Thấy Công chúa vớt em mình, chị
đứa bé chạy lại nói với Công chúa: “Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn
bà Hê-bơ-rơ đặng cho dứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái
trẻ đó kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú
cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú." (Xuất
Ê díp tô ký 2:7-9).
Thưa Quý vị, cha mẹ
Môi se không dám giấu con trai mình lâu hơn nữa, Ông Bà phải đứt ruột đem nó bỏ dưới mé sông. Vậy mà, bây giờ Ông Bà được Công chúa cho phép nuôi, và lại được
trả tiền công nuôi con của chính mình.
Kinh Thánh ghi
tiếp: “Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con,
và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.” (Xuất
Ê díp tô ký 2:10). Kể từ lúc đó, Môi se được Công chúa nuôi
dạy trong cung vua và trở nên một Hoàng tử.
Chúng ta thử suy nghĩ: “Khi Ông Bà A-ram giấu đứa trẻ trong nhà để
nuôi 3 tháng. Họ lo lắng nhiều lắm. Ðức Chúa Trời có biết không?” Việc nầy
nếu bị khám phá, họ có thể bị giết cả gia đình.
Lúc đó, họ cầu nguyện xin Chúa cho lòng họ bình an và giúp họ nuôi bé
lớn lên, trở thành một người đàn ông Y sơ ra ên, rồi hằng ngày nó đi làm nô lệ
như tất cả người Y sơ ra ên khác. Ðược như vậy họ rất thỏa lòng và cám ơn Chúa.
Nhưng Chúa không nhậm lời. Chúa không cho lòng họ bình an. Ông bà rất buồn vì
thấy Chúa không nhậm lời cầu xin của mình. Nhưng thay vì đem con trẻ "liệng
xuống sông" theo lịnh vua, thì Ông Bà lại để trong rương mây, trét
chai để sự sống đứa bé còn kéo dài, mong ơn Chúa đoái thương nó. Sau đó Công chúa đã vớt trẻ lên
khỏi sông.
Bây giờ nhìn lại, Ông Bà A-ram thấy
mình xin Chúa cho con lớn lên làm nô lệ, thì nay Chúa cho nó lớn lên làm Hoàng
Tử. Thưa Quý vị, vậy thì lúc đó Ðức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Ông Bà
A ram hay là Ngài không nhậm lời cầu nguyện của họ thì điều nào tốt hơn? Lời Chúa đã phán: “…các
từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi,
ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê
sai 55: 8-9).
Hôm nay nhiều lần chúng ta cầu nguyện, nếu Chúa không nhậm lời, xin đừng
buồn Chúa. Vì Ðức Chúa Trời biết mọi sự và ý của Ngài luôn luôn tốt lành hơn ý
của chúng ta. Cho nên mỗi chúng ta hãy hết lòng tôn kính Chúa và đầu phục theo
ý của Ngài. Chúa biết rõ mọi hoàn cảnh của chúng ta hơn chúng ta.
Vì là một Hoàng Tử, “Môi-se được
học cả sự khôn ngoan của người Ê-díp-tô; lời nói và việc làm đều có tài năng.”
(Sứ đồ 7: 22). Chúng ta nên nhớ nền văn
minh Cổ Ai cập rất cao. Mấy ngàn năm trước đây các nhà Thiên văn Ai cập đã khám
phá được sự chuyển vận thời tiết để đặt ra lịch hàng năm, đến nay vẫn còn được xử
dụng. Từ xa xưa các kỹ sư Ai-cập đã biết xây dựng lâu đài dinh thự. Họ đã xây những Kim tự tháp trở thành những kỳ
quan của thế giới và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Môi se đã lớn lên, được
nuôi dạy và học biết những điều quý báu trong nền văn minh rực rỡ của quốc gia
nầy.
Môi se là người Y sơ ra ên nhưng được
nuôi trong cung điện Ai cập. Trường hợp nầy, nguồn gốc của Ông dễ bị lãng quên.
Ngày nay những người Việt ở hải ngoại rất lo con cháu của họ quên hoặc không
còn biết đến nguồn gốc Việt Nam. Nhưng Môi se thì khác. Dù Môi se được nuôi dạy
như người Ai cập, ăn cơm Ai cập, nói tiếng Ai cập, ở nhà Ai cập, nhưng Môi se
không quên nguồn gốc mình là người Y sơ ra ên. Môi se luôn luôn suy nghĩ về sự
thờ phượng Chúa và sự giải phóng dân tộc của mình khỏi ách nô lệ của Ai cập. Ðiều
nầy có được là nhờ ơn Chúa ban cho Ông Bà A-ram có lòng tin nơi Chúa. Kinh
Thánh chép "Bởi đức tin, khi Môi-se mới
sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vì thấy là một đứa con xinh tốt,
không sợ chiếu mạng của vua" (Hê bơ rơ 11:23).
Vì có niềm tin nơi Chúa nên khi nuôi dưỡng Môi se cho Công chúa, cha mẹ Môi se
đã dạy cho Môi se về nguồn gốc của mình vốn là dân thánh được Ðức Chúa Trời lựa
chọn.
Thưa Quý vị, trở lại với chúng ta.
Khi chúng ta tin nhận Ðức Chúa Jêsus thì Ngài đã “…ban cho quyền phép trở nên con
cái Ðức Chúa Trời.” (Giăng 1: 12). Nghĩa là: “… chúng ta là công dân trên trời.”
(Phi líp 3:20).
Hiện giờ chúng ta đang sống trên đất
nầy, chúng ta có nhớ mình là công dân trên trời không? Chúng ta
đang tìm kiếm gì? Chúng ta đang tìm kiếm sự hơn thua nhau, sự tranh cạnh nhau,
sự ganh tị nhau, vì người nầy giàu hơn người kia, hay là chúng ta đang tìm kiếm
“sự
kêu gọi trên trời” (Phi líp 3:14), và làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời?
Có lần tôi đi xe, kế bên tôi là một thanh niên, không biết cậu là người
Trung Hoa, người Ðại hàn, Nhật bản hay Việt Nam, tôi hỏi thử: “Chú khỏe không?”
Cậu trả lời: “Dạ cháu khỏe.” Ồ, tôi mừng gặp người Việt Nam để nói chuyện. Nghe
tiếng nói, tôi biết cậu là người Việt Nam.
Người ta nghe tiếng nói của chúng ta, họ biết chúng ta là con dân của
Chúa hay không? Phao lô dạy: “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn.”
(Colose 4:6). Lời nói của chúng ta là những lời nói ngọt ngào hay lời nói thô bạo? Có người nói: “Lời nói tôi không bao giờ thô
bạo, chỉ tay chân tôi thô bạo thôi!” Xin Chúa cho chúng ta dù sống dưới đất,
nhưng vẫn nhớ mình là “công dân trên trời.”
Khi "được bốn mươi tuổi"
(Công vụ 7:23), Môi se đi thăm
những người Y sơ ra ên. Ông thấy họ làm việc quá cực nhọc. Ông cũng thấy có một
người Ai cập đánh người Y sơ ra ên. Nóng lòng vì anh em mình, nhìn quanh quất
không có ai, Môi se giết người Ai cập
đó.
Nói tới giết, tôi xin kể chuyện vui.
Một người kia vừa học được đường gươm “Ðộc
cô cửu kiếm.” Ông khoe với bạn bè rằng Ông đã từng chém sư tử. Ông nói:
- Tôi vào rừng núp
nơi bụi cây rình sư tử. Bổng kìa, có con sư tử đang nằm bên kia bờ suối. Tôi từ
từ nhẹ nhàng băng ngang suối. Khi đến gần con sư tử, rút ngọn kiếm ra khỏi vỏ,
tôi nhanh nhẹn múa gươm chém phụp một phát. Cái đuôi con sư tử lìa khỏi thân
mình nó.
- Ủa, tại sao anh
không chém đầu nó, mà chém đuôi nó?
- Tại vì cái đầu nó
Ông nào đó đã chém mất rồi!
Môi se muốn giải
phóng anh em mình mà đi giết một người cai
nô lệ thì giống như chém vào đuôi sư tử mà thôi.
Hôm sau, Môi se cũng đi thăm anh em, lần
nầy Ông thấy hai người Y sơ ra ên đánh nhau, Ông nói với người quấy rằng: “Sao
anh đánh anh em mình?” Người đó trả lời: “Ai
đặt anh làm vua, làm quan án cho chúng tôi? Có phải muốn giết tôi như đã giết
người Ê-díp-tô kia chăng? Môi-se sợ, nói rằng: Chắc thật, việc nầy phải lậu rồi.” (Xuất
Ê díp tô ký 2: 13-14). Vua Pha ra ôn hay sự việc tìm giết Môi se. Môi se chạy
trốn vào xứ Ma đi an ngồi bên cái giếng. Ông suy nghĩ và thắm thía về việc làm
vội vã không theo Ý Chúa của mình. Rồi Ông nhận biết rằng việc giải phóng dân Y
sơ ra ên là ở trong tay Toàn năng của Ðức Chúa Trời chớ không phải ở trong tay bất
toàn của Ông.
Tại Ma đi an, Môi se chăn chiên cho Thầy Tế lễ Giê trô.
Ông đã giết người Ai cập là theo ý
riêng chớ không phải theo ý của Chúa, nhưng Ðức Chúa Trời là Ðấng nhơn từ,
“Ngài không đãi Môi se "theo tội lỗi" (Thi thiên
103:10) của Ông, nhưng Môi se phải nhận lấy hậu quả tội lỗi đã gây ra. Cuộc
sống của Ông không bình an, phải chạy trốn, vì vua Pha ra ôn tìm giết. Từ đây, Ông
phải làm một kẻ chăn chiên cực khổ ngoài đồng: “nắng táp, mưa sa.”
Thưa Quý vị, Ðức Chúa Trời Toàn năng
đã cứu được Môi se khỏi chết từ lúc mới sanh. Ngài cũng có quyền năng bảo vệ
mạng sống của Môi se khi Ông bị vua Pha ra ôn tìm giết.
Ðức Chúa Trời cũng
Toàn năng đã rộng lượng xử dụng những con người lỗi lầm như Môi se vào công
việc lớn của Ngài, nếu người đó chịu đầu phục Chúa và tôn kính Ngài là Ðức Chúa
Trời của mình. Cầu xin Chúa thương xót dùng mỗi chúng ta vào công việc của
Ngài.
Nguyện Chúa cho mỗi chúng ta học
được bài học quý báu qua Lời Chúa hôm nay là làm việc gì chúng ta phải chờ đợi và vâng theo ý Chúa, chớ không hành động theo ý riêng của chúng ta. A-men.
Mục
sư Trần Hữu Thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét