048 - TẠI SAO PHIỀN CHIÊM BAO (Sáng thế ký 37: 1-11).

         Đố ai nằm ngủ không mơ? Và muốn mơ như thế nào thì ai làm được?
       Gia cốp đã có 11 con trai và một con gái tên là Ði-na (Sáng thế ký 30:21). Sau khi về xứ Ca-na-an, người vợ yêu dấu của Gia cốp là Ra-chên sanh thêm đứa con trai nữa tên là Bên gia min, nhưng vì sanh khó, nên Bà qua đời. Gia cốp an táng xác của Bà tại Bết-lê-hem (Sáng thế ký 35:19). Như vậy Ra-chên có hai người con trai là Giô sép và Bên-gia-min, và họ là hai con trai thứ 11 và thứ 12 của Gia cốp.
       Về Giô sép và Bên gia min, chúng ta nên học biết những điều rất tốt mà Ðức Chúa Trời đã ban cho hai Ông. Ðó là Giô sép sau nầy Chúa ban ơn cho Ông được "lập lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô" (Sáng thế ký 41:43), lúc đó Ông mới vừa "ba mươi tuổi." (Sáng thế ký 41:46).
        Về Bên-gia-min thì vị vua đầu tiên của dân Y sơ ra ên là Sau lơ, Sau lơ  "là một người Bên gia min." (1 Samuen 9:21). Và ở vào thời Tân ước có một người rất quan trọng đối với chúng ta, đó là Phao lô, Ông cũng là người thuộc "chi phái Bên gia min." (Phi líp 3:5).
        Bây giờ mời quý vị nhìn vào một gia đình sống về nghề nuôi chiên, gồm có một Ông chồng, ba người vợ, bốn dòng con, gồm có mười hai trai và một gái.  Quý vị thấy sao? Ðây là cả một sự bất nhất, cho nên khó mà êm ấm.  Một gia đình có ba người vợ và bốn dòng con, có Quý Ông nào nghĩ rằng mình đủ khả năng giữ cho trong ấm ngoài êm trong hoàn cảnh nầy không? Việt Nam có câu rằng:
“Một vợ nằm giường Lèo; hai vợ nằm chèo queo; ba vợ xuống chuồng heo mà nằm.”
Có người nói là bây giờ ít có ai nuôi heo cho nên khó có chuồng heo mà nằm, cho nên khổ lắm!
Lúc 17 tuổi, đi chăn chiên với các anh, Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói.” (Sáng thế ký 37:2). Cậu trai Giô sép rất là ngay thẳng và chân tình. Cậu thấy các anh mình làm những điều sai, nói những lời xấu, cậu thuật lại cho cha mình là Gia-cốp biết. Thật ra, Gia-cốp là chủ gia đình, Gia-cốp rất cần biết những sai trái của các con để kịp thời dạy dỗ, sửa sai. Tuy nhiên, sự dạy dỗ, sửa sai của Gia-cốp có khi lại là một liều thuốc đắng, và các anh biết là do Giô sép thuật lại, nên Cha mới biết. Thế là họ ghét Giô sép.
Ngày nay con dân của Chúa, thỉnh thoảng nghe những bài giảng gần như liều thuốc đắng. Vì "Lời của Ðức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng." (Heboro 4:12). Cho nên người nghe đôi khi không thích, rồi phiền giận trong lòng. Nhưng thật ra những liều thuốc nầy cần có, để chúng ta biết ý Chúa và sống đẹp lòng Ngài.
Không những Giô-sép thuật lại với cha các điều xấu của các anh mình, nhưng thêm vào đó, Gia cốp lại yêu thương Giô sép hơn những người con khác.
Học tới đây, quý vị thấy có điều gì không tốt xảy ra trong gia đình Gia cốp không? Có. Ðó là việc Ông cha có 12 người con trai, nhưng Ông không thương yêu các con cho đồng đều nhau.
Trong gia đình, cha mẹ nào cũng muốn và ước ao sao cho các con mình thương yêu nhau, đùm bọc nhau, như câu: “chị ngã em nâng.” Ước ao nầy rất đúng. Muốn như vậy, các bậc cha mẹ đừng bao giờ thương đứa nầy nhiều hay ít hơn mấy đứa kia. Có người thương con trai nhiều hơn con gái. Có người thương con út nhiều hơn các con khác. Có người thương con trưởng hơn các con khác. Nếu tình yêu của cha mẹ chia cho các con không đồng đều như vậy, dễ làm cho các con tị hiềm nhau, không hòa thuận nhau, vậy thì không tốt.
     Kinh Thánh dạy: anh em ăn ở hòa thuận nhau thật tốt đẹp thay!” (Thi Thiên 133: 1). Các con cái của Gia-cốp là anh em nhau, nhưng lại không hòa thuận nhau, thật là tiếc. Vì “Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh ghét.” (Sáng thế ký 37: 4).
Khi suy nghĩ kỹ, chúng ta nhận thấy những người anh của Giô sép cũng không đúng. Nếu cha mình có thương em mình nhiều thì cũng được chớ sao? Dù sao thì Giô sép cũng là em của mình. Ghen ghét em mình để làm gì?
Ngày nay mỗi chúng ta phải cẩn thận về việc nầy, lời của Chúa trong Kinh Thánh dạy chúng ta rằng: “Kẻ nào nói mình trong sự sáng, mà ghét anh em mình thì còn ở trong sự tối tăm.” (1 Giăng 2:9). Và “Có ai nói rằng: Tôi  yêu Ðức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Ðức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” (1 Giăng 4:20). 
Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta biết rằng Gia Cốp "thương yêu Giô-sép hơn những con trai khác, vì là con muộn mình, nên may cho chàng một cái áo dài có nhiều sắc.” (Sáng 37: 3).
Vào thời của Gia-cốp, những người chăn chiên mặc quần áo ngắn, đơn sơ, chớ không phải quần áo dài và nhất là quần áo nầy có nhiều màu sắc. Chúng ta ôn lại vài điều cần nhớ. Ðó là người con trai đầu của Gia cốp là Ru-bên, con của Lê A. Nhưng Ru bên đã phạm tội rất lớn, đó là Ru bên đã ăn nằm với vợ lẻ của cha là Bi la (Sáng thế ký 35:22). Gia cốp biết điều nầy. Ngoài ra, đối với Gia cốp thì người vợ thật thương yêu của Ông là Ra chên. Giô sép là con trưởng của Ra chên. 
 Cho nên, khi Gia cốp may áo dài nầy cho Giô sép mà không may cho đứa con nào khác nữa, người ta nghĩ rằng Gia cốp có ý đặt để cho Giô sép vào chức vị quyền con trưởng nam trong gia đình.
Giô sép thân thiết với cha, thuật lại cho cha những điều xấu của các anh, các anh đã giận Giô sép, nay thấy Giô sép mặc thêm chiếc áo dài nhiều màu sắc phô trương uy tín của Giô sép đối với các anh, giống như Gia cốp đổ thêm dầu vào lửa nóng giận của họ. Giô sép không biết điều đó, nên Giô sép không đề phòng gì cả.
Ngày nay cũng có những trường hợp mặc những chiếc áo nhiều màu sắc để phô trương. Không phải phô trương quyền uy, nhưng phô trương sắc đẹp và nhất là để phô trương sự giàu có. Nhưng khi ai đó phô trương quá thì sẽ trở thành quá phô trương! 
    Giô sép đang bị các anh ganh ghét vì Gia cốp thương Giô sép nhiều hơn thương các anh, nay có thêm một điều rắt rối nữa, đó là Giô sép nằm chiêm bao. Giô sép thuật lại giấc chiêm bao cho các anh nghe rằng: Chúng ta đương ở ngoài đồng bó lúa, nầy bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung quanh, sấp mình xuống trước bó lúa tôi. Giô-sép lại nằm chiêm bao nữa, thuật cùng các anh mình rằng: … Nầy mặt trời, mặt trăng, và mười một ngôi sao đều sấp mình xuống trước mặt tôi! Chàng thuật chiêm bao đó lại cho cha và các anh mình nghe; nhưng cha chàng quở mà hỏi rằng: Ðiềm chiêm bao của mầy đó có nghĩa chi? Có phải tao, mẹ, và các anh mầy đều phải đến sấp mình xuống đất trước mặt mầy chăng? Các anh lấy làm ganh ghét chàng; còn cha lại ghi nhớ lấy điều đó.” (Sáng thế ký 37: 7, 9-11).
     Người ta nói rằng: “Ðố ai nằm ngủ không mơ!” Giô sép đã có giấc mơ. Giấc mơ của Giô sép dường như nói lên rằng Giô sép được tôn trọng, làm cho các anh vốn đã ghét Giô sép, bây giờ càng ghét thêm. Chiêm bao đến với Giô sép trong giấc ngủ. Giô sép muốn có chiêm bao cũng không được, và muốn không có chiêm bao cũng không được. Những người anh của Giô sép phải biết điều nầy chớ!  Vả lại giấc chiêm bao thì ai biết ý nghĩa đúng thực của nó ra sao? Nếu vậy thì tại sao các anh của Giô sép lại ghét Giô sép?
    Ca dao Việt Nam có câu rằng: “Thương nhau trái ấu cũng tròn; Ghét nhau viên bồ hòn cũng méo!” Nằm chiêm bao không có tội gì cả. Các anh ganh ghét Giô sép vì những giấc chiêm bao, chỉ tại vì họ có thành kiến với Giô sép.
    Ngày nay những người cùng sống trong gia đình không nên có thành kiến với nhau. Ví dụ Ông xã nói: “Chiều nay tôi sửa lại cái ghế ngồi.” Bà xã lại nói ngay một câu: “Ông mà sửa được cái ghế sao?” Nếu Bà xã nấu canh dọn ra bàn ăn, chưa nếm, chưa ăn mà Ông chồng đã nói: “Canh hôm nay chắc là mặn nữa rồi! Tôi biết mà Bà nấu món ăn nào cũng dở cả!”
    Thưa quý vị, nếu trong gia đình chúng ta có thành kiến với nhau như vậy thì chắc chắn là không được ấm êm! Xin hỏi riêng Quý Bà: “Nếu Ông chồng có thành kiến với quý Bà như vậy, Quý bà chịu nổi không?”
    Xin nhớ một quy luật chung là: “Trên đời nầy không ai thích mình bị chê cả.” Vợ chồng mà thành kiến với nhau chắc chắn trong gia đình dễ xảy ra cảnh phiền hà nhau. Ngay cả đến các con cái trong gia đình, là cha mẹ, chúng ta cũng không nên thành kiến đứa nầy không làm nổi việc nầy, rồi chê đứa kia không biết làm việc nọ.
      Giô sép thuật lại hai giấc chiêm bao, không biết hay, hay dở ra sao, nhưng vì thành kiến, nên các anh ghét Giô sép. Cùng nghe chuyện chiêm bao của Giô sép, những người anh thì ghét Giô sép, còn Gia cốp thì: lại ghi nhớ lấy điều đó.” Tại sao vậy? Tại vì trong đời Gia cốp đã có những kinh nghiệm về chiêm bao, dù không chắc chắn, nhưng Gia cốp có thể nghĩ: “biết đâu đây là điều Ðức Chúa Trời ban cho Giô sép trong tương lai,” cho nên Ông ghi nhớ vào lòng. Vì vậy những người từng trải thường chín chắn hơn những người ít từng trải!
      Chúng ta nên bắt chước Gia cốp là đối với những gì xảy ra trong đời, nên ghi nhớ suy nghiệm trong lòng, hơn là nhắm chừng nói đại vô tình làm phiền người khác. Xin nhớ những lời đã nói ra rồi không lấy lại được. Nhất là những lời chê người khác dễ gây phiền lòng, không nên. Vì vậy ngạn ngữ phương Tây dạy rằng: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần.” Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy chúng ta rằng: người nào cũng phải mau nghe, mà chậm nói, chậm giận.” (Gia-cơ 1:19).
      Cầu xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta có đời sống trong đường lối của Chúa đẹp ý Ngài. A-men.
                                                                                       Mục sư Trần Hữu Thành.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét