034 - CHÚA QUYỀN NĂNG GIÁNG SINH (Ê sai 9:5)

             Hôm nay nhơn dịp Lễ Chúa Giê su Giáng sanh tôi xin gởi đến tất cả Quý vị lời Chúc mừng Chúa Giáng sanh. Hằng năm, đến ngày Lễ Giáng sanh chợ búa buôn bán nhộn nhịp rất vui. Nhiều người mua quà biếu cho nhau. Người ta thường mua những cánh thiệp Nô-ên thật đẹp để gởi cho nhau, kèm theo những lời Chúc mừng Lễ Chúa Giáng sanh. Lễ Chúa Giê su Giáng sanh không những ở Việt Nam vui mừng, mà cả thế giới cũng vui mừng nữa. Ðức Chúa Giê-su là ai mà sự Giáng sanh của Ngài đem sự vui mừng đến cho cả trái đất và Ngài đem lại hữu ích gì cho nhơn loại?
             Bảy trăm năm trước khi Ðức Chúa Giê su Giáng sanh, Tiên Tri Ê sai nói về Ngài rằng: “Có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ ở trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là … Ðức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Ðời đời, là Chúa Bình an.” (Ê sai 9:6).
             Phúc Âm Giăng nói về Ðức Chúa Giê su rằng: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.” (Giăng 1:3). Muôn vật, trong đó có loài người chúng ta, đều do Ðức Chúa Giê su tạo dựng nên. Nghĩa là Ngài là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta. Nhưng tiếc thay loài người vì phạm tội, tấm lòng, tâm trí không hiểu biết Ðức Chúa Trời nên Ngài “đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14) để tìm và cứu chúng ta.
             Khi ở trần thế, Ðức Chúa Giê su giảng dạy về Ðạo Tin Lành Cứu rỗi của Ðức Chúa Trời khắp xứ Ga li lê qua xứ Sa ma ri và nhiều nơi khác trong cả nước Y-sơ-ra-ên. Những người nghe lời Ngài “đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài, vì Ngài dạy như có quyền phép, chớ chẳng phải như các thầy thông giáo đâu.” (Mac 1:22). Vì Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai Giáng trần, cho nên những lời giảng dạy của Ngài toàn là những lời nhơn từ của Ðấng Yêu thương. Ðến nỗi “Ai nấy đều … lấy làm lạ về các lời đầy ơn lành ra từ miệng Ngài.” (Lu-ca 4:22). Vì là Thượng Ðế giáng trần, nên Chúa Cứu Thế Giê-su trong khi giảng Ðạo cũng bày tỏ quyền năng Thiên thượng, Ngài khiến cho “kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ phung được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết được sống lại, kẻ khó khăn được nghe giảng tin lành.” (Mathiơ 11:5). Trong khi loài người không thể tìm ra tình yêu thương chân thật, thì “Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian thì cứ yêu cho đến cuối cùng.” (Giăng 13:1).
             Sống trên đời, loài người luôn luôn ước ao và tìm kiếm sự bình an, nhưng không sao có sự bình an thật trong tâm hồn. Người nghèo lo lắng, nhưng lạ thay người giàu cũng lo lắng. Người bị tù tội lo lắng, nhưng những người làm quan, làm vua, làm Tổng Thống cũng lo lắng. Thế rồi người ta than rằng: “Ðời là bể khổ!” Nhưng Ðức Chúa Giê su là Ðức Chúa Trời Quyền năng Giáng trần, nên Ngài có quyền năng ban cho loài người sự bình an. Ngài phán chắc chắn rằng: “Ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giang 14:27). Thưa quý vị, lời phán của Ðức Chúa Giê su đã trải qua hơn 2000 năm, các con dân của Chúa hết lòng tin cậy Chúa thì tâm hồn luôn luôn được sự bình an của Chúa ban cho. Con dân Chúa biết rằng đời sống của mình lúc nào cũng có Chúa ở cùng. Thánh Phao lô hưởng được sự bình an của Chúa, nên Ông viết cho các con dân của Chúa rằng: “Trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn và trình các sự cầu xin của mình cho Ðức Chúa Trời. Sự bình an của Ðức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Ðức Chúa Jêsus Christ.” (Philíp 4:6-7).
             Chúng ta nên suy nghĩ thêm điều nầy. Ðó là trên đời nầy có những người thờ phượng dễ quá! Họ thờ con cá ong, thờ con cọp, hoặc họ thờ người nào đó mà họ cho là nên thờ. Có khi người ta mua vài hình tượng nào đó ở chợ đem về để thờ phượng, để cầu khẩn! Vì vậy Tiên tri Ê sai nói rằng: “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy.” (Ê sai 53:6). Khi chúng ta thờ phượng ai đó, vô tình chúng ta đặt đối tượng đó ngang hàng với Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta, vì chúng ta thờ ai đó rồi cũng thờ Trời. Còn tệ hơn nữa là có khi chúng ta sốt sắng tôn thờ ai đó, ví dụ thờ Ông A hoặc Bà B mà không sốt sắng tôn thờ Ông Trời là Ðấng đã tạo dựng nên Ông A và Bà B. Ðiều sai quấy nầy Kinh Thánh nói là tội, vì “thờ lạy, phụng sự tạo vật thay vì Ðấng Tạo Hóa.” (Rôma 1:25 BDM). 
            Trong hoàn cảnh đen tối như vậy, tiên tri Ê sai đã được ơn Thiên Chúa nói tin mừng rằng: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn.” (Ê sai 9:2). Thật vậy, trong khi loài người quờ quạng đi trong tối tăm, ai theo đường nấy, thờ nhiều thần, nhiều hình tượng, vì không biết ai là Chân thần để thờ phượng, thì Ðức Chúa Giê su giáng thế soi rọi ánh sáng cho nhân loại biết cách thờ phượng chính đáng. Ngài dạy: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Mathiơ 4:10). Ngài cũng dạy rõ rằng: “Ðức Chúa Trời là Linh Thần, nên ai thờ phượng Ngài thì phải lấy tâm linh, lẽ thật mà thờ phượng.” (Giang 4:24 BDM). Nghĩa là khi thờ phượng Ðức Chúa Trời, chúng ta phải thờ phượng Ngài với tất cả tâm hồn tôn kính, tấm lòng quý trọng chớ không phải thờ phượng bằng hình tượng. Vì hình tượng chỉ là những vật do bàn tay loài người làm ra mà thôi. Sự thật thì “Hình tượng có miệng nhưng không nói được; Có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe được.” (Thi 115:5 BDM).
             Khi bình tâm suy nghĩ mỗi chúng ta đều thấy mình có những lỗi lầm. Vì “Nhơn vô thập toàn.” Không ai trọn vẹn cả. Có nhiều lần chúng ta có lỗi lầm và phạm tội với luật pháp, rồi chúng ta giấu kín, cảnh sát không biết, nên chúng ta không bị bắt. Nhưng đối với Ông Trời là Ðức Chúa Trời Chí Cao thì những tội lỗi của chúng ta Ngài biết hết. Chúng ta không thể giấu Ông Trời được. Ngoài ra, có những điều tội lỗi, nhưng chúng ta lại không biết đó là tội. 
              Kinh Thánh cho biết những điều sau đây là tội lỗi, như: “sự bất chính, xấu xa, tham lam, gian ác, đầy lòng ganh ghét, sát nhân, tranh cãi, man trá, hiểm độc, nói hành, gièm chê, thù ghét, xấc xược, kêu căng, khoác lác, khéo bày việc ác, không vâng phục cha mẹ, u mê, thất tín, vô tâm, bất nhân...” (Rô ma 1:29-31). Nhìn vào danh sách những điều tội lỗi nêu trên đây thì tất cả chúng ta đều đã phạm tội, hoặc nhiều hoặc ít mà thôi. Nghĩ như vậy là đúng. Vì Kinh Thánh xác nhận rằng: “Mọi người đều đã phạm tội.” (Rô ma 3:23). Có một điều chúng ta thường hiểu lầm cách tai hại là chúng ta tưởng rằng mình phạm tội chút đỉnh không hề gì! Nhưng sự thật thì kẻ có tội phải đền tội. Kinh Thánh nói rõ hậu quả tội lỗi là “sự chết.” (Rô ma 6:23). Vì “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Êxêchiên 18:4).  
            Vậy thì mọi người phải chết vì chính tội lỗi của mình. Sự chết có 3 ý đặc tính: sự chết thuộc thể, là linh hồn lìa khỏi xác, khi nhắm mắt tắt hơi; chết thuộc linh dù người đó còn đang sống trên đời nhưng không giao tiếp được với Nguồn sống là Đấng Tạo Hoá; và sự chết đời đời là bị hình phạt đời đời trong Hỏa Ngục. Ðức Chúa Trời là Ðấng đã tạo dựng mỗi chúng ta. Ngài yêu thương mỗi quý vị và tôi, cho nên Ngài không nở nhìn thấy mỗi chúng ta cứ bước đi trong tội lỗi dần dần đến khi qua đời linh hồn sẽ phải vào Hồ lửa bị hình phạt đời đời. Ðây là lý do Đức Chúa Trời Quyền năng tức là Ðức Chúa Giê su giáng trần để tìm và cứu chúng ta.
             Kinh Thánh nói rõ ràng rằng: “Ðức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội.” (1 Timothe 1:15). Ngài cứu vớt kẻ có tội bằng cách nào? Vì án phạt của tội nhơn là “sự chết.” Cho nên Ðức Chúa Giê su chịu hy sinh tánh mạng của Ngài, Ngài chịu chết thay cho tội nhơn. Ngài đã gánh lấy hình phạt, hai tay, hai chân của Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự, huyết Ngài đổ ra đến giọt cuối cùng và Ngài đã chết trên thập tự giá. Kinh Thánh giải thích rằng: “Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Ro-ma 5:8). Chính Chúa Cứu Thế Giê-su phán rằng: “Ta hy sinh tánh mạng mình vì đàn chiên.” (Giăng 10:11). 
            Vậy thì bởi vì yêu thương chúng ta nên Ðức Chúa Giê su bằng lòng chết thay để gánh hình phạt cho chúng ta trên thập giá. Sau khi Ðức Chúa Giê su đã chết trên thập giá, các môn đồ của Ngài đã chôn xác Ngài trong huyệt mả bằng đá. Ðến ngày Thứ ba, Ðức Chúa Giê su đã chiến thắng Tử Thần, Ngài sống lại bước ra khỏi mồ mả cách vinh quang. Vì vậy, bây giờ hằng năm, cả thế giới đều vui mừng cử hành Lễ Chúa Sống lại. Vậy thì những con dân của Chúa đang thờ phượng Ðức Chúa Giê su là thờ Cứu Chúa sống, chớ không phải thờ vị Giáo chủ chết luôn trong mồ mả. Sự sống lại của Ðức Chúa Giê su chứng tỏ rằng Ngài là Ðức Chúa Trời Quyền năng giáng trần. Sự sống lại của Ngài khiến cho ai tin Chúa Giê su được phước lớn, vì Ngài hứa rằng: “chính Ta sẽ khiến người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:40).
             Thưa quý vị, khi tự xét lấy chính mình, Quý vị thấy mình toàn vẹn không hay là mình cũng có những tội lỗi như những người khác? Nếu Quý vị tự nhận trong lòng rằng mình cũng có tội như nhiều người khác, thì việc Thượng Ðế giáng trần thật sự có quan hệ với quí vị. Vì Ngài giáng trần để tìm và cứu quý vị đó. Thật vậy, chính Chúa phán rằng Ta đã đến: “tìm và cứu kẻ bị mất.” (Lu ca 19:10). Nghĩa là Ðức Chúa Giê su đang tìm kiếm ai bị hư mất trong tội lỗi để Ngài ban sự tha thứ và đem lại sự cứu rỗi cho người đó hầu cho người đó được hưởng sự sống phước hạnh trong Danh của Ngài.
             Có câu chuyện kể rằng một ngày kia Hoàng Thái tử đi thăm nhà tù tìm người có tội để tha cho người đó. Hoàng Tử hỏi:
- Này các tù nhân, các anh muốn nói với ta điều gì không?
- Thưa Hoàng tử tôi là người bị hàm oan. Một tù nhân nói.
- Thưa Hoàng Tử, quan Tòa đã xử tội tôi không đúng! Một tù nhân khác nói.
- Thưa Hoàng Tử, tôi là người tốt, nhưng chỉ bị người ta vu cáo mà thôi. Một tù nhân khác nữa nói.
             Hoàng tử nhìn vào góc phòng giam có một người ngồi cúi đầu xuống, không dám ngước mặt lên. Hoàng tử gọi: “Còn anh trong góc kia, sao không nghe anh khiếu nại?” Anh đó đứng lên trả lời rằng: “Thưa Hoàng Tử, tôi có tội. Quan Tòa đã xử cho tôi ở tù rất xứng đáng với tội tôi đã vi phạm.” Hoàng Tử nói: “Ta tìm người có tội để tha. Ta nghe anh nói là mình có tội. Ta tha tội cho anh được phép tự do ra về và từ nay đừng tái phạm nữa.”
             Thưa Quý vị, Thiên Chúa Ngôi Hai là Chúa Cứu Thế Giê-su đã giáng trần cách đây hơn 2000 năm để tìm và cứu những ai nhận biết mình bất toàn, có tội với Ðấng Tạo Hóa của mình. Xin Quý vị hãy tin Ngài làm Cứu Chúa của mình, để Quý vị nhận được sự tha thứ, được sự bình an, được sự cứu rỗi, có cuộc sống hôm nay phước hạnh, và cuộc sống đời sau mãi mãi trong vòng tay yêu thương của Ngài.
             Cầu xin Ðấng Cứu Thế ban ơn cứu rỗi cho Quý vị. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét