Khi
Y sơ ra ên đến Rê phi đim không có nước, họ oán trách Môi se, Ðức Chúa Trời bảo
Môi se lấy gậy đập trên Hòn đá. Nước từ đó chảy ra, dân Y sơ ra ên có nước
uống. Kế đó dân Am ma léc đến khêu chiến, dân Y sơ ra ên nhờ quyền năng Ðức
Chúa Trời, họ đã chiến thắng kẻ thù. Kế đó, Ðức Chúa Trời dẫn dân Y sơ ra
ên đến đồng vắng và họ đóng trại đối
diện ngang núi Si-na-i.
Theo
Chúa, nhưng dân Y sơ ra ên thường hay phàn nàn, nhớ nồi thịt, nhớ nồi bánh và oán
trách tôi tớ Chúa là Môi se. Khi dân Y sơ ra ên oán trách Môi se thì chính là
họ oán trách Chúa. Mỗi khi như vậy, Ðức Chúa Trời yêu thương họ nên Ngài nhịn
nhục họ. Ngài cung cấp nhu cầu cho họ rồi tiếp tục dẫn dắt họ theo con đường
của Ngài. Ngài không nở bỏ mặc cho họ trở lại Ai-cập làm kiếp nô lệ cho Pha ra
ôn.
Học điều nầy chúng ta thấy mình
rất giống dân Y sơ ra ên, nhiều lần chúng ta có lỗi với Chúa. Chúng ta sa súc,
bê tha trong sự thờ Phụng Chúa và hầu việc Ngài. Nhiều lần chúng ta có ý nghĩ
ngược với ý Chúa. Tệ hơn nữa, là có khi chúng ta dám nghi ngờ Chúa, nhưng Chúa
vẫn thương xót dẫn dắt chúng ta đi trong ân sủng của Ngài cho đến ngày hôm nay.
Chúa
phán cùng dân Y sơ ra ên và với con dân Chúa ngày nay rằng: “Các ngươi đã thấy
điều ta làm cho người Ê-díp-tô, ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và
dẫn các ngươi đến cùng ta thể nào.” (Xuất Ê díp tô
ký 19: 4).
Ðối
với dân Ê díp tô, họ phạm tội, Ðức Chúa Trời hình phạt họ. Còn đối với con dân
của Chúa, Ngài chuyên chở họ qua nhiều đoạn đường khó khăn, rồi Ngài luyện tập
như chim Phụng hoàng luyện tập con cái
trên cánh của mình. Như Kinh
Thánh nói về Y sơ ra ên rằng: “Như phụng hoàng
phấp phới dởn ổ mình, Bay chung quanh con nhỏ mình, Sè cánh ra xớt nó, Và cõng
nó trên chéo cánh mình thể nào, Thì một
mình Ðức Giê-hô-va đã dẫn dắt người thể ấy.” (Phục Truyền
luật lệ ký 32: 11-12).
Câu
Kinh Thánh nầy nói đến hình ảnh chim Phụng hoàng yêu thương con mình, bay lượn quanh ổ nhìn con mình và
vui thỏa. Rồi Phụng hoàng xòe cánh ra
cổng con trên chéo cánh mình. Thật là không thể tả hết tấm lòng yêu thương say
đắm con mình của chim Phụng hoàng đang bay phấp phới quanh đám con. Khi để con
trên chéo cánh mình, Phụng hoàng tung bay cao thẩm, rồi bất ngờ Phụng hoàng để
con rơi xuống giữa không trung. Chim con chới với đập cánh nhanh nhanh, nhưng
càng đập cánh nhanh thân nó càng rơi xuống…. Chim con sợ quá la hoảng lên, vì
nghĩ rằng phen nầy chắc chắn sẽ chết. Nhưng Phụng Hoàng lẹ làng bay đến, nhẹ
nhàng hứng lấy chim con trên chéo cánh mình. Bây giờ chim con mới bình tỉnh trở
lại vì biết rằng nó đang được bình yên trên chéo cánh của mẹ mình.
Trong
cảnh bị thử thách chim con sợ lắm. Nhưng vì thương con, Chim Phụng hoàng phải
luyện cho con của mình nhiều phen như vậy để nó học tập bình tỉnh, học tập bay
làm sao để rồi nó có thể tự đi tìm mồi để sống và tự trở về nơi tổ của nó bình
yên.
Thưa
Quý vị, đây là hình ảnh của Ðức Chúa Trời chăm sóc con dân của Ngài mà Môi se
đã mô tả rằng Ngài chở họ trên chéo cánh của Ngài. Thật vậy, nếu suy nghĩ chúng
ta sẽ nhận thấy, Ðức Chúa Trời dẫn Y sơ ra ên
đi và luyện tập họ trong sự yêu thương của Ngài, có thể kể những trường
hợp thí dụ như:
- Ô kìa, giặc phía sau, biển mênh mông
phía trước. Họ chới với la hoảng lên, oán trách Môi se, lần nầy chắc chắn chúng
tôi sẽ chết. Nhưng ngay lúc đó, Ðức Chúa Trời đưa cánh tay quyền năng của Ngài
ra tẻ nước mở đường cho họ đi qua biển như đi trên đất khô. Họ bình yên trên
chéo cánh của Chim Phụng hoàng.
- Tưởng bình yên, nhưng hoạn nạn lại tới.
Ông Môi se ơi, sao Ông dẫn chúng tôi đến xứ Ma Ra nầy toàn là nước đắng, nước
ngọt ở đâu mà uống? Vợ con của chúng ta chuyến nầy chắc chắn sẽ chết! Họ chới
với, họ la hoảng và oán trách Môi se. Ðức Chúa Trời ban cho họ nước ngọt bằng
cách bảo Môi se ném cây gỗ xuống nước, thật là dễ dàng. Họ bình yên trên chéo
cánh của Chim Phụng hoàng.
- Nhưng một lần nữa không bình an. Họ sa
vào đất Rê phi đim nước đắng còn không có, nói chi là nước ngọt. Nước uống là
sanh tử, không có nước uống là chết. Thế mà bây giờ một giọt cũng không, ở giữa
đồng không mông quạnh nầy, sa mạc mênh mông, vợ con chúng tôi chuyến nầy sẽ
chết hết. Ông Môi se ơi, Ông dẫn hai triệu người chúng tôi đi vào chỗ chết.
Nhưng vì Ðức Chúa Trời vẫn thương xót họ, Ngài bảo Môi se đập cây gậy trên Hòn
đá, nước trào ra dư dật. Một lần nữa họ bình yên trên chéo cánh Chim Phụng
hoàng.
- Tưởng vậy là được yên rồi, nhưng giặc
A-ma-léc tới khiêu chiến. Chúng đòi chém
đòi giết dân Y sơ ra ên. Từ trước giờ Ông Môi se ơi, chúng tôi chỉ biết làm nô
lệ, làm sao biết chiến đấu chống lại quân thù, chúng tôi chuyến nầy sẽ chết hết.
Lúc đó Môi se nhờ cậy Chúa đưa cây gậy của Ngài lên, dân Y sơ ra ên thắng trận.
Một lần nữa tưởng rơi vào hoàn cảnh chết mất, nhưng họ lại bình yên trên chéo
cánh Chim Phụng hoàng.
Ðức Chúa Trời thật sự yêu
thương chăm sóc mỗi con dân của Ngài, trong lúc họ bị hoạn nạn, Ngài cũng không
hề xa cách họ. Có một người con của Chúa rất thỏa lòng theo Chúa vì Ngài yêu
mến Ông. Chúa hứa cùng đi với và Ông đi đâu Chúa "sẽ theo gìn giữ đó."
(Sáng 28:15). Nhưng sau khi nhìn đoạn đường dài theo Chúa, Ông trách Chúa rằng:
-
Lạy Chúa khi con thấy dấu chân trên cát ghi lại hai người cùng đi, thật là
phước hạnh vì lúc đó có Chúa đi bên con. Nhưng thưa Chúa trong quãng đời của
con khi nghiệt ngã xảy đến, biết bao khó khăn vây quanh, con nhìn thấy dấu chân
in trên cát ghi lại chỉ có một người đi. Chúa ơi, vậy thì lúc đau thương của
con Chúa ở đâu, sao Chúa bỏ mặc con đi một mình, sao Chúa không đi với con?
-
Chúa trả lời: Con yêu dấu ơi sở dĩ con thấy dấu chân in trên cát chỉ một người
đi là vì đó là lúc Ta đang bồng ẵm con trong vòng tay yêu thương của Ta để che
chở, vỗ về an ủi con. Con yêu dấu ơi, "Dầu
núi dời, dầu đồi chuyển, lòng nhơn từ Ta đối với con chẳng dời khỏi con" (Ê sai 54:10), Ta vẫn yêu con "cho đến cuối cùng."
(Giăng 13:1b).
Trong
những ngày theo Chúa của Quý vị thì sao? Quý vị còn nhớ những ngày Ðức Chúa
Trời yêu thương nâng Quý vị trên chéo cánh Ngài không? Quý vị có lần nào vô
tình oán trách và nghi ngờ tình yêu của Chúa, khi Ngài thử thách, luyện tập đức
tin Quý vị như Phụng hoàng luyện tập con mình không? Xin nhớ là Ðức Chúa Trời
lúc nào cũng yêu thương Quý vị, vì Ngài đã mua Quý vị “bằng chính huyết của mình.”
(Công vụ các Sứ đồ 20: 28).
Chúa phán cùng dân Y sơ ra ên rằng: “Vậy, bây giờ,
nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi
sẽ thuộc riêng về ta.” (Xuất Ê díp tô ký 19:5). Trên
thế gian có nhiều dân tộc, vì tình yêu thương cao quý, nhưng Ðức Chúa Trời chỉ
chọn lựa dân Y sơ ra ên. Ðức Chúa Trời mời gọi dân Y sơ ra ên hãy vâng giữ Giao
ước của Chúa để họ là một dân thuộc về Ngài.
Hôm
nay Ðức Chúa Trời cũng mời Quý vị gìn giữ Giao Ước của Chúa, Chúa cho Quý vị là
con trai con gái của Ngài. Giao Ước mà Ðức Chúa Trời mời gọi dân Y sơ ra ên
bước vào là Giao Ước Cũ; còn Giao Ước ngày nay Ðức Chúa Trời mời gọi chúng ta
tuân giữ là Giao Ước Mới. Giao Ước Mới là gì?
Ðức Chúa Jesus giải thích: “…Chén nầy là sự
giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ
ta.” (1 Corinhto 11:25). Vậy thì Giao Ước Mới Ðức Chúa Trời mời gọi chúng ta
là chúng ta phải tin Ðức Chúa Giê su và xin huyết Ðức Chúa Giê su rửa tội cho mỗi
chúng ta để chúng ta được thánh sạch và được thuộc về Ngài và như Lời Chúa
phán: “Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi làm con trai con gái ta, Chúa Toàn
năng phán như vậy.” (2 Cô rinh tô 6:18).
Ðức
Chúa Trời phán cùng dân Y sơ ra ên rằng: “Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ,
cùng một dân tộc thánh cho ta.” (Xuất Ê díp tô ký 19: 5-6). Phi e rơ
nói về chúng ta là những con dân của Chúa rằng: "Anh em là dòng giống được lựa chọn, là
chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Ðức Chúa Trời, hầu cho
anh em rao giảng nhơn đức của Ðấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi
sáng láng lạ lùng của Ngài;"
(1 Phi e rơ 2:9). Cảm tạ ơn Chúa về ơn lành lạ lùng của Ngài ban cho chúng ta.
Chữ
“thánh” trong Kinh Thánh có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là thánh khiết, trong
sạch. Trong nghĩa nầy thì Lời Chúa kêu gọi dân Y sơ ra ên rằng: “….các ngươi phải
nên thánh, vì Ta là thánh.” (Lê vi 11:45). Ngày nay Lời Chúa dạy mỗi chúng ta
là: “Hãy
…tìm sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Ðức Chúa Trời.”
(Hê 12:14b).
Muốn được thánh sạch, ngày xưa khi dân
Y sơ ra ên dâng con chiên không tì vít làm tế lễ chuộc tội. Ðiều nầy chỉ về hình
bóng của Ðức Chúa Jesus chịu chết thay cho họ. Ngày nay chúng ta cầu xin Ðức
Chúa Giê su lấy huyết Ngài đã đổ ra trên thập giá chuộc tội cho chúng ta rửa
sạch tội cho chúng ta. Như Kinh Thánh nói rằng Ðức Chúa Giê su là "Ðấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết
mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế
lễ của Ðức Chúa Trời."
(Khải huyền 1:6). Cảm tạ ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Chữ “thánh” còn có một nghĩa nữa, đó là
"biệt riêng ra" cho Ðức Chúa Trời. Như Phao lô nói: “…chúng ta hoặc sống
hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Ro-ma 14:8). Nghĩa là đời sống của chúng ta phải sống theo
ý Chúa, chớ không sống theo ý muốn của thế gian nầy. Phao lô dạy rằng: “Ðừng
làm theo đời nầy” (Rô ma 12: 2). Và “…anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay
là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Ðức Chúa Trời mà làm.” (I Cô
rinh tô 10:31).
Khi nghe lời Chúa phán, “Cả dân sự đồng
thinh đáp rằng: Chúng con xin làm mọi việc Ðức Giê-hô-va đã phán dặn.” (Xuất Ê díp tô
ký 19:8), Còn Quý vị ngày hôm nay trả lời với Chúa thể nào?
Cầu
xin Chúa biến đổi mỗi chúng ta thuộc về Chúa và biết sống vì Danh Chúa mỗi
ngày. A-men.
Mục sư Trần Hữu Thành
msthanh18@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét