Các anh của Giô sép không biết Giô
sép sẽ đối đãi với họ ra sao trong tương lai? Họ muốn Giô sép tha thứ cho họ. Họ
gởi người trung gian đến nói với Giô sép rằng: “Trước khi qua đời, cha em
có trối rằng: Hãy nói lại cho Giô-sép như vầy: Ôi! xin hãy tha điều ác, tội phạm
của các anh con đi, vì chúng nó đã lỗi cùng con đó; nhưng bây giờ cha xin con
hãy tha tội kẻ tôi tớ của Ðức Chúa Trời cha.”
(Sáng thế ký 50: 16-17). Câu nầy có thật sự Gia cốp
đã nói không, hay là họ tự bịa ra, vì họ lo lắng quá mức?
Tại sao họ lo lắng. Tại vì: “Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn.” (Thi thiên 32:
10). Họ đã làm ác, trong lòng họ đớn đau. Họ phải tìm cách nào đó để giải quyết
cho xong cái ác nầy, nếu không họ sẽ không yên tâm. Ðây là tâm trạng của kẻ làm
ác, nghĩa là phạm tội với Chúa. Khi phạm tội với Chúa, Ða vít cũng có kinh nghiệm
như vậy, Ông nói: “Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi.” (Thi Thiên 51:3).
Thưa Quý vị, đây là tấm gương và nhắc
nhở chúng ta rằng: “Nếu phạm tội với Chúa lòng chúng ta sẽ không yên. Vì tội lỗi
như vi trùng luôn luôn gặm nhắm dần dần khiến tâm hồn chúng ta mòn mỏi.” Cho
nên nếu chúng ta đã làm điều gì không đẹp lòng Chúa, chúng ta phải cầu nguyện
ngay, xin Chúa tha thứ, đừng chậm trễ.
Nếu chúng ta có lỗi với người nào đó
thì chúng ta nên đến gặp người đó để xin lỗi hay nên nhờ người khác nói thay
cho thúng ta? Chúng ta tự mình nói cũng
được hay nhờ người khác cũng được. Nhưng khi đã nhờ người khác xong, sau đó
chính mình phải đến với người đó nói lời xin lỗi.
Các anh của Giô sép muốn xin lỗi, họ
nhờ người khác đến thuật lại lời nói của cha lúc còn sống.
Nhưng chúng ta còn nhớ, khi Giô sép bày tỏ cho các anh biết
mình là Giô sép, chàng đã nói lên lời tha thứ với các anh rằng: “Bây
giờ, đừng sầu não, và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn
đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Ðức Chúa Trời đã sai tôi đến đây
trước các anh.” (Sáng thế ký 45:5). Thế mà lòng họ không yên. Tại sao? Tại vì họ không tin Giô sép.
Trong gia đình chúng ta cũng có những
lúc giống như các anh em Giô sép. Khi vợ chồng cãi vã với nhau. Có người quấy,
có người phải. Sau đó, người chồng (hay vợ) sẵn sàng tha thứ cho người kia.
Nhưng người có lỗi lại không chịu tin là người kia đã tha thứ cho mình. Sự
không tin nầy làm cho lòng người đó nặng nề, rồi hôm nào có chuyện khác, dù chỉ
là vô tình xảy ra, thì người đó lại nói:
“Rõ ràng người kia đâu có tha thứ cho mình!” Thế là lại có chuyện gây gổ nữa và lần
nầy gây gổ gấp đôi, vì có chuyện mới và luôn cả chuyện cũ nữa.
Cho nên, khi trong gia đình nếu có
chuyện phiền hà xảy ra, nếu người sai quấy nói xin lỗi và người kia đã nói lời
tha thứ thì đừng ai nhắc lại chuyện cũ nữa.
Trong Hội Thánh cũng vậy, nếu có sự
phiền hà giữa anh em trong Chúa với nhau, thì chúng ta nhờ cậy Chúa tha thứ cho
nhau và bỏ qua đi, không nhớ đến chuyện cũ nữa. Vì lời Chúa trong Kinh Thánh dạy
mỗi chúng ta rằng: "Hãy…
tha thứ nhau như Ðức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Ðấng Christ vậy." (Ê phê sô 4:32).
Giô sép đã tha thứ cho các anh, nhưng bây giờ họ nói những lời xin tha
thứ và xin làm nô lệ của Giô sép. “Nghe qua mấy lời nầy, Giô-sép bèn khóc.”
(Sáng thế ký 50: 16-17).
Theo Quý vị nghĩ thì tại sao Giô sép
khóc? Vì chàng đã nói những lời tha thứ và kể từ ngày đó đến nay chàng đối xử với
những người anh như bát nước đầy, thế mà họ vẫn không tin. Giô sép buồn, vì bị
tổn thương. Chàng khóc.
Chúng ta thấy thương
cho Giô sép, có lòng tốt mà nay phải khóc, vì sự nghi ngờ của các anh. Rồi các
anh em Giô sép “….. đến sắp mình
xuống dưới chơn mà nói rằng: Các anh đây thật là kẻ tôi tớ của em đó.”
(Sáng thế ký 50:18). Chúng ta nhớ lại hồi nhỏ Giô sép có kể cho các anh nghe điềm
chiêm bao như thế nầy: "Chúng ta đương ở ngoài đồng bó lúa, nầy
bó lúa tôi đứng dựng lên, còn bó lúa của các anh đều đến ở chung quanh, sấp
mình xuống trước bó lúa tôi." (Sáng thế ký 37:7). Khi Giô
sép vâng lịnh cha đi tìm các anh chăn chiên tại vùng Ðô-ta-in, các anh thấy
chàng xa xa thì tính với nhau là: "Bây giờ, nào! chúng ta hãy giết nó đi, quăng xuống
một cái hố nước nào đó; đoạn ta sẽ nói rằng nó đã bị thú rừng xé ăn, rồi sẽ xem
các điềm chiêm bao của nó ra sao." (Sáng thế ký 37:20). Họ quyết tâm hại
chàng. Họ đã bắt chàng quăng xuống hố, rồi kéo chàng lên bán qua Ê díp tô làm
nô lệ. Họ nghĩ rằng giấc chiêm bao của Giô sép đã mất biệt theo chàng rồi!
Nhưng: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại
Thiên." Ðức Chúa Trời có quyền khiến cho điềm chiêm bao ứng nghiệm,
cho đến nỗi các anh của Giô sép đã sắp mình dưới chơn của chàng không phải một
lần mà đến 4 lần, được ghi lại trong Sáng thế ký 42:6, 43:26, 44:14 và 45:18.
Quả thật "Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời toàn năng, Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời toàn
năng" (Giô suê 22:22), Ngài có quyền làm tròn ý định của Ngài.
Giả
sử nếu Ðức Chúa Trời không cho giấc chiêm bao ứng nghiệm trong đời sống của Giô
sép, gia đình Gia cốp bị đói chết hết: ngày nay sẽ không có dân Y sơ ra ên là tuyển dân của Chúa, không có Kinh Thánh, không có Ðức
Chúa Cứu Thế Giê su Giáng sanh thì cả nhân loại, trong đó có quý vị và chính mình tôi đang thờ hình tượng,
đang là "những kẻ ở trong tối tăm và bóng sự chết," (Thi
107:10), vì không có Chúa Giê su là Ánh Sáng Sự sống cho chúng ta. Nghĩ tới điều
nầy chúng ta phải cúi đầu cảm tạ ơn Ðức Chúa Trời là Ðấng vô cùng yêu thương
chúng ta. Ngài đã "theo ý định đời đời của Ngài đã làm xong trong Ðức Chúa Jêsus
Christ," (Ê phê sô 3:11) để cứu chúng ta. Phao lô ca ngợi Đức Chúa Trời rằng: "Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự
phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!" (Rô ma 11:33).
Ðúng như Giô-sép đã nói cùng các anh
rằng: “Các anh đừng sợ chi, … Các anh
toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự
sống cho nhiều người, …” (Sáng thế ký 50: 19-20). Rồi Ông an ủi họ. Không những Giô sép thật sự tha thứ
cho anh em, nhưng Ông cũng còn rất chân tình an ủi anh em, để cho lần nầy họ
không nghi ngờ sự chân thành của Ông nữa.
Trong
gia đình cũng vậy. Khi người chồng (hay vợ)
đã nói bỏ qua sự lỗi lầm của người kia thì người nói tha thứ đó phải chân tình
trong cách cư xử với người kia để tránh cho người kia hiểu lầm rằng mình chưa
thật lòng tha thứ. Ngược lại, người được tha thứ đừng tự ti mặc cảm. Nếu cứ tự ti mặc cảm
thì rồi chuyện gì cũng nghĩ rằng mình “bị người kia trả thù, cơn giận chắc chưa
nguôi!” Như thế khó có hòa khí trong gia đình.
Bài học thêm nữa, đó là sự liên hệ giữa
chúng ta với Chúa thì sao? Nếu ai nói rằng tôi là con của Khổng Tử thì không
đúng. Vì Ông Khổng Tử không phải là Ðấng Tạo Hóa, Ông không tạo dựng được một
người nào cả. Trời sanh, Trời dưỡng. Ðức Chúa Trời tạo dựng ra nhân loại. Ngài là
Cha của chúng ta, nên chúng ta phải suy nghĩ về sự liên hệ giữa chúng ta với
Ngài sao cho tốt phận làm con?
Ai cũng biết Ðức Chúa Trời là Ðấng
Thánh khiết, còn loài người là tội lỗi bất toàn. Ai phạm tội đáng lẽ phải bị
hình phạt, nhưng vì yêu thương nhơn loại, Ðức Chúa Trời đưa ra giải pháp cứu rỗi
là Ngài sai Con Ngài chịu chết thay cho tội nhơn. Kinh Thánh giải thích: “Ðấng
yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,” (Khải
huyền 1:6). Cho nên hễ ai tin nhận rằng
Ngài đã chịu chết thế cho mình, thì người đó được tha thứ và được cứu.
Ðây là giải pháp tuyệt diệu của Ðức
Chúa Trời đã sắm sẵn để cứu bất cứ tội nhơn nào chịu tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu
Chúa của mình. Phao lô dạy: "Thật vậy, nhờ ân sủng, bởi đức tin mà anh chị em được cứu rỗi, đây không phải tự sức anh chị em, nhưng là một tặng phẩm của Đức Chúa Trời ban, cũng không phải do công đức anh chị em làm, để không ai có thể khoe mình." (Ê phê sô 2:8-9). Nghĩa là nhờ ân điển của Ðức Chúa Trời, và bởi đức tin của anh chị em, mà anh chị em
được cứu rỗi. Sự cứu rỗi không phải do anh chị em tạo ra được, sự cứu rỗi là của Ðức
Chúa Trời, Ngài đem biếu tặng cho anh chị em là những người tin Chúa Giê su. Sự cứu rỗi mà anh chị em nhận được không phải
nhờ vào việc làm lành của anh chị em. Cho nên không ai có thể khoe khoang về sự cứu rỗi của Chúa tặng cho mình.
Thưa Quý vị, Lời Chúa dạy rõ như vậy,
nhưng tiếc thay có người lo lắng rằng kể từ ngày tôi tin Chúa đến nay, tôi có
nhiều điều sai quấy, chưa làm lành đủ, chưa làm trọn vẹn được những điều Chúa dạy
trong Kinh Thánh cho nên tôi chưa dám tin là tôi được cứu. Xin những vị đó nhớ
rằng Chúa bảo tin Chúa thì được cứu, Chúa không bảo phải có việc làm lành trọn
vẹn để được cứu.
Chúng ta cần phải cầu
xin Chúa Jêsus tha tội để được cứu, chớ đừng trông mong là mình làm tốt trọn vẹn
Lời Chúa để được cứu. Vì ngoài Đức Chúa Giê su, không ai có đủ khả năng làm trọn
vẹn tất cả những Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Ðức Chúa Jêsus phán cùng tất cả
chúng ta rằng: “Ai tin Con được sự sống đời đời. ….” (Giăng 3: 36). Chính Ðức
Chúa Jêsus dạy như vậy, chẳng lẽ mình không chịu tin.
Nếu chúng ta nói rằng: “Thưa Chúa,
con làm chưa trọn Lời Chúa dạy, con không được cứu.” Nếu nói như vậy, Ðức Chúa
Jêsus rất buồn, như Giô sép đã khóc. Vì
chúng ta vô tình nói lời làm tổn thương đến lòng nhơn từ của Ðức Chúa Jêsus là
Ðấng dạy chúng ta rằng: “….phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự
sống đời đời….” (Giăng 6:40).
Ðức Chúa Jesus có dạy chúng ta rằng:
“…các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.” Và
“Sự
sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành
của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma thi
ơ 5: 16, 48)
Tóm lại, muốn được cứu, chúng ta cầu
xin Chúa Jêsus tha tội cho chúng ta. Khi đã được Chúa Jêsus cứu rồi, chúng ta xin
Chúa Thánh Linh giúp đỡ để chúng ta làm việc lành. Làm việc lành hầu cho sáng
Danh Cha của chúng ta trên trời, để người ta ngợi khen Chúa của chúng ta.
Cầu xin Chúa ban phước cho mỗi chúng
ta. A-men.
Mục sư Trần Hữu
Thành
msthanh18@hotmail.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét