068 - CUỘC ÐỜI THỎA LÒNG (Sáng 47: 28-31 và 48: 1-21.)

       Khi gặp vua Pha ra ôn, Gia cốp chúc phước cho Pha ra ôn. Kế đó vua hỏi Gia cốp rằng: “Ngươi hưởng thọ được bao nhiêu tuổi?” (Sáng thế ký 47:8).  Gia cốp tâu rằng: Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn-ngủi….”
     Gia cốp tâu với vua rằng “đời tôi ngắn ngủi.” Cuộc đời 130 tuổi, Gia cốp cho là ngắn ngủi. Thế thì cuộc đời chúng ta nếu Chúa cho khoảng  chừng dưới 90 tuổi thì ngắn hơn biết bao!
     Thật ra khi nghĩ rằng mình sẽ sống được bao lâu thì không ai biết cả. Chúng ta chỉ biết rằng mình được sống cho đến giờ nầy hôm nay. Không ai biết được những giây phút sắp tới của đời mình có điều gì sẽ xảy ra? Vì vậy mà Lời Chúa phán rằng: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện!” (2 Cô rinh tô 6:2).  Thuận tiện cho chúng ta suy nghĩ lại cuộc đời của chính mình. 
    Mình đã sống những ngày qua có xứng đáng hay không? Ðời sống mình có ích cho chính mình, cho những người xung quanh, cho Hội thánh của Chúa, cho Danh của Chúa và nhất là có đẹp lòng Chúa không? Hay là những điều chính mình làm trong những năm tháng qua nghĩ lại chỉ là đáng buồn mà thôi? Nếu vậy, chúng ta cầu nguyện xin Chúa tha tội, xin Chúa Thánh Linh sửa đổi và ban cho chúng ta có ơn Chúa để từ nay sống theo ý của Ngài.
Khi biết đời mình chỉ là ngắn ngủi, thì chúng ta phải vâng lời Chúa dạy: Hãy lợi dụng thì giờ.” (Ê phê sô 5:16).  Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta khôn ngoan biết dùng thì giờ Chúa cho để hầu việc Chúa làm sáng Danh Ngài.  
Gia cốp được con là Giô sép rước qua Ai cập ở, để tránh nạn đói. Lúc đó, Ông được 130 tuổi. Thắm thoát, nay Gia cốp đã 147 tuổi. Gia cốp gọi Giô sép đến để dặn biểu những điều quan trọng.
     Ở Ai cập có nhiều Kim tự tháp. Ðó là những kỳ quan của thế giới. Nơi đó, người Ai cập cất giữ thân xác của những vì vua. Người Ai cập có loại thuốc đặc biệt ướp xác người chết trải qua nhiều năm, xác chết vẫn còn nguyên vẹn.
     Gia cốp là cha của Giô sép. Giô sép là Thủ Tướng Ai cập, nếu muốn, Ông có thể bảo Giô sép tìm cho Ông một người ướp xác, để bảo tồn thân xác của Ông. Nhưng Gia cốp không nghĩ đến việc nầy. Vì Ông biết rằng thân xác chỉ là cát bụi, như Ðức Chúa Trời đã phán với tổ phụ loài người rằng: “...ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng thế ký 3:19).  Gia cốp đã gọi Giô sép đến và yêu cầu Giô sép phải thề hứa với Ông rằng sau khi Ông qua đời thì Giô sép phải đem thân xác của Ông chôn "cùng tổ phụ" (Sáng thế ký 49:29b).
Các con dân của Chúa ngày nay có nhiều người có tâm tình tốt trong Chúa. Họ rất ước ao và căn dặn là khi đã chết thì mong muốn thân nhân làm lễ an táng theo nghi thức Ðạo Chúa. Ðiều nầy rất tốt. Vì đây là dịp tiện để mọi người và các con cháu biết rằng: Người đó sống là con của Chúa và chết thì thuộc về Ngài, linh hồn thì được ở trong Nước Chúa. Còn thể xác được chôn trong lòng đất, để chờ ngày Chúa cho "sống lại” (1 Tê sa lô ni ca 4:16b).
      Gia cốp lúc đó sắp qua đời, cho nên những điều Ông nói lại cho con cháu nghe là những lời thật là thiết tha và quý báu.  Trước mặt Giô sép và hai cháu, Gia cốp đã nói những lời gì?
      Gia-cốp nói cùng Giô-sép rằng: “Ðức Chúa Trời toàn năng đã hiện ra, và ban phước cho cha tại Lu-xơ, trong xứ Ca-na-an,” (Sáng thế ký 48:3).
       Ông nói: Ðức Chúa Trời là Ðấng Toàn năng. Vì không có việc gì khó khăn cho Ðức Chúa Trời cả. Chính Ngài tạo dựng nên trời đất và mọi vật trong đó.
       Gia cốp cũng dạy cho Giô sép biết rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng “ … ban phước cho cha,” Nghĩa là Ðức Chúa Trời là Nguồn phước. Chính Ngài và chỉ có Ngài mới có quyền ban phước. Còn những hình tượng mà thế gian thờ phượng chỉ là những “… công việc tay người ta làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói; Có mắt mà chẳng thấy; Có tai mà không nghe; Có lỗ mũi mà chẳng ngửi…” (Thi thiên 115: 4-6). Cho nên hình tượng không có khả năng ban phước cho ai cả.
       Gia cốp nói thêm cùng Giô sép rằng: Trước cha tưởng chẳng còn thấy được mặt con, nhưng bây giờ Ðức Chúa Trời lại làm cho cha thấy được đến dòng dõi con nữa.” (Sáng thế ký 48:11).
       Gia cốp nói lên điều phước hạnh lớn lao mà Chúa ban cho Ông. Ô! ơn của Chúa thật vượt quá trí hiểu biết và điều ao ước của Gia cốp.
   Ðức Chúa Trời làm ơn lớn cho Gia cốp ngày xưa. Ngày nay nếu chúng ta chịu ngồi nhớ ơn lớn của Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, thì chắc chắn, chúng ta cũng sẽ thấy Chúa ban phước cho chúng ta nhiều hơn những điều chúng ta ao ước. Quý vị có nhận ra như vậy không?
   Gia cốp chúc phước cho Ép ra im và Ma na se rằng: “Cầu xin Ðức Chúa Trời mà tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã thờ phượng; là Ðức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, Thiên sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn, hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy; nối danh tôi và tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác, và cho chúng nó thêm lên nhiều vô số trên mặt đất!” (Sáng thế ký 48: 15-16).
Trước mặt con trai và hai cháu nội yêu mến của mình, Gia cốp thưa với Chúa rằng: Chúa ơi, Ngài là “Ðức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay,” Chiều dài cuộc đời của Ông suốt 147 năm, Ông nhận thức rằng Ông còn sống cho đến ngày nay là nhờ Ðức Chúa Trời chăn nuôi Ông.
            Chữ “chăn nuôi” có nghĩa gì?
-  Chữ “chăn” có nghĩa giống như người chăn chiên. Người Chăn theo dõi, giữ gìn và dẫn chiên vào đồng cỏ xanh tươi và bảo vệ khi có thú dữ rình rập cắn xé.
-  Chữ “nuôi” có nghĩa gì?
Ai có nuôi con từ khi lọt lòng mẹ thì biết. Lúc nửa đêm con khóc, cả cha lẫn mẹ thức dậy, lo sữa cho con, lo ẫm bồng, nhất là khi con yếu đau, cha mẹ thay nhau chăm sóc. Tìm thức ăn vừa sức, và vừa miệng cho con. Có khi đúc thức ăn, con phung phèo phèo, mẹ cha biết nó chê, thay đổi món khác. Lớn lên lo cho đi học. Lớn thêm nữa lo lập gia đình cho nó, rồi chỉ dạy cho nó từng lời ăn tiếng nói. Dẫn nó vào lẽ phải đường ngay.
       Liên tưởng đến những điều nầy Gia cốp cho biết rằng chính Ðức Chúa Trời đã “chăn nuôi Ông từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày nay.” Gia cốp nói lời nầy với tấm lòng biết ơn Chúa cách sâu xa.
       Học về cuộc đời Gia cốp, tôi nhớ lại cuộc đời của tôi từ lúc sanh ra trong giặc giả, lớn lên trong chiến tranh. Khi làm công chức, tôi chủ tọa một buổi sinh hoạt các viên chức ở trong Quận, bom nổ, 14 người vừa chết vừa bị thương nằm la liệt xung quanh tôi. Chúa che chở cho tôi được bình an.
Lần khác tôi đang nằm ngủ trong nhà, bích kính pháo rơi ngay cửa, nhà có cửa, các miểng đạn đã xuyên qua cửa, để lại rất nhiều dấu lỗ lủng như cái rổ, Chúa giữ gìn tôi bình an. Ðến khi chiến tranh hai miền Nam Bắc kết thúc vào tháng Tư năm 1975, tôi bị vào tù cải tạo. Nhiều người quá vất vả đã chết trong tù, nhưng Chúa ở cùng tôi, cho tôi được sống và được trở về nhà bình an.
       Ðến khi vượt biên, gia đình tôi với chiếc ghe tam bản dùng để đi sông, mà tôi lại dùng để vượt biển trùng dương. Vậy mà Chúa vẫn giữ gìn cho tôi sống. Ðức Chúa Trời thật sự đã chăn nuôi tôi từ khi lọt lòng mẹ cho đến giờ nầy. Nhiều gian nan, nhưng Chúa vẫn giữ gìn cho tôi sống, tôi có thể nói như tác giả Thi Thiên rằng: “Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, Thuật lại những công việc Ðức Giê-hô-va.” (Thi thiên 118:16).  Chúa cho tôi sống tới giờ nầy để thuật lại ơn lành mà Ðức Chúa Trời đã làm cho tôi và cả gia đình tôi. Cám tạ ơn Chúa Nhơn từ của tôi.
Thưa Quý vị, Gia cốp nói “Ðức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay,” nói vậy có quá đáng không? Xin Quý vị suy nghĩ, nếu Chúa đã "bồng ẫm" (Ê sai 46:4) Gia cốp, chăn nuôi Gia cốp từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi già cả, thì Ðức Chúa Trời cũng  đối đãi với mỗi chúng ta như vậy.
      Thưa Quý vị, có một điểm chúng ta nên học ở đây. Ðó là nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy những người không phải con dân của Chúa thì luôn luôn nghĩ rằng tôi có mọi sự, tôi làm được mọi sự là nhờ tài năng và công lao của tôi. Ngược lại đối với những người theo Chúa, kể cả những vĩ nhân trong Kinh Thánh như Gia cốp hoặc Phao lô thì không hề nghĩ mọi sự họ làm được, có được là do tài năng của họ. Gia cốp nói rằng: “Tôi được như vầy là nhờ Ðức Chúa Trời chăn nuôi từ khi mới lọt lòng mẹ.” Còn Phao lô thì nói: “Tôi làm được mọi sự là nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi líp 4: 13).
      Tấm lòng Gia cốp và Phao lô luôn luôn nghĩ rằng nhờ ơn Chúa cho nên họ biết ơn Chúa. Còn mỗi chúng ta thì sao? Chúng ta còn sống cho đến ngày nay, chúng ta có gia đình, có tất cả những gì chúng ta đang có là nhờ ai? Sự sống của chúng ta từ đâu mà có? Nhờ Chúa ban cho mình, hay nhờ chính mình ban cho mình? Chúng ta có biết ơn Chúa cách sâu xa như Gia cốp, như Phao lô không?
Hướng về tương lai, Gia cốp nói cùng Giô-sép rằng: “Nầy, cha sẽ thác, nhưng Ðức Chúa Trời sẽ phù hộ và đem các con trở về xứ tổ phụ.” (Sáng thế ký 48: 20-21).
       Gia cốp để lại cho chúng ta tấm gương quý báu. Ðó là Gia cốp đã bền tâm theo Chúa cho đến những ngày cuối của đời Ông: “Nầy, cha sẽ thác.” Cái chết sắp đến, Gia cốp vẫn tin cậy Chúa và Ông tin chắc chắn là Ðức Chúa Trời đã từng dẫn dắt Ông, thì sẽ dắt dẫn con cháu Ông, dòng dõi Ông trở về Ðất Hứa.
       Thưa Quý vị, ngày cuối cùng trên đất của chúng ta sẽ đến. Ngày đó chúng ta có nói được là “ba (hoặc mẹ) sẽ về với Chúa, các con yên tâm, Chúa sẽ dẫn dắt các con theo Ngài, rồi các con, các cháu sẽ gặp ba (hoặc mẹ) trong nước của Chúa.” Xin Chúa cho chúng ta biết rằng đến kỳ Chúa định, chúng ta sẽ về với Chúa. Ðó là một phước hạnh chớ không phải là nỗi kinh hoàng. Vì lời Chúa phán: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa!” (Khải 14:13).
      Nguyện Chúa dùng cuộc đời Gia cốp làm gương cho chúng ta bước theo Chúa cho đến khi già nhìn lại, chúng ta biết ơn Chúa và đến khi qua đời, chúng ta vẫn con ở trong Chúa và có niềm tin chắc chắn rằng Ðức Chúa Trời đã làm ơn cho chúng ta thì sẽ làm ơn cho dòng dõi của chúng ta. Cảm tạ ơn Chúa.   A-men.
            Mục sư Trần Hữu Thành.
            msthanh18@hotmail.com

                                                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét