Ở đời
chúng ta dễ thấy cùng một việc mà nhiều người, nhiều ý khác nhau. Cho nên người
ta nói chín người, mười ý. Hôm nay xin mời Quý con dân của Chúa học về người
Pha ri si và người thu thuế cùng làm một việc là lên đền thờ để cầu nguyện mà ý
nghĩ hai người hoàn toàn khác nhau và cách cầu nguyện cũng khác nhau.
Chúng
ta thấy hai người đều có một câu mở đầu lời cầu nguyện của họ giống nhau. Câu
đó là: “Lạy Ðức Chúa Trời.” Ðây là một lời bày tỏ tấm lòng tôn kính thờ phượng Ðức
Chúa Trời.
Hôm nay
trong nhà thờ nầy, tất cả chúng ta đều nên có tâm tình là tôn kính và thờ phượng Ðức Chúa Trời
hết lòng. Tại vì “cảm tạ ơn Ðức Chúa Trời, Ngài là Ðấng cứu rỗi linh hồn chúng
ta." Chúng ta vốn là những con người có tội. Sau khi từ giả trần gian, chúng
ta sẽ bị hình phạt trầm luân đời đời trong Hỏa ngục. Nhưng Chúa Cứu Thế Jêsus bằng lòng
chịu chết trên thập giá để cứu chúng ta. Chúng ta tin nhận Chúa để được điều
quý báu vô cùng. Ðiều đó là chúng ta được Chúa tha tội, đời sống chúng ta được cứu và được làm con cái Đức Chúa Trời. Nên nay Chúa nhật, chúng ta đến nhà thờ để tôn thờ Ba ngôi Ðức Chúa Trời.
Có câu
hỏi là chúng ta nên tôn thờ Đức Chúa Trời bao lâu? Ví dụ: Nếu con dân Chúa
trong Hội Thánh tốt với tôi thì tôi tôn thờ Chúa, còn nếu con dân Chúa trong Hội Thánh
không tốt với tôi thì tôi có nên tiếp tục tôn thờ Chúa không? Xin Chúa giúp đỡ cho
chúng ta tôn thờ Chúa cả đời mình, dù cho hoàn cảnh nào đến với chúng ta.
Người
Pha ri si cầu nguyện như vầy: “Lạy Ðức chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi
không phải như người khác.” Ðiều đầu tiên, chúng ta thấy người Pha ri
si nầy có tính tự cao. Tự cao là gì?
Theo tự điển Việt Nam Lê Ngọc Trụ: “Tự
cao là thấy mình cao hơn hết, không ai bằng mình cả.” Tự cao là một cái bịnh.
Bịnh nầy có cái triệu chứng là hay khoe khoang. Nguy hiểm nhất của bịnh nầy là
nó tự cao về bất cứ lảnh vực nào:
- Người
giỏi tự cao về cái giỏi của mình.
- Người
khôn tự cao về cái khôn của mình.
- Người
hung dữ tự cao về cái hung dữ của mình;
- Người tự cao khoe khoang về sự cao ngạo của mình,
- Người tự cao khoe khoang cái độc ác của mình;
Nếu mỗi
người suy nghĩ rõ về chính mình, thì mỗi chúng ta sẽ thấy không ai có gì đáng để
tự cao hoặc khoe khoang cả. Nếu anh A thông minh hơn anh X, thì đâu phải tự anh A có được như vậy, nhưng nhờ Trời cho. Cho nên thay vì lên mình khoe khoang
thì anh A nên cảm tạ ơn Chúa và nhớ rằng tự anh A không có gì cả.
Quý vị
biết Áp ra ham là ai không? Ông được Ðức Chúa Trời kể là người công bình. Ông
là tổ tiên của Dân Do Thái. Nhưng Ông biết rõ về mình, và thưa với Ðức Chúa Trời
rằng: “Tôi đây vốn là tro bụi.” (Sáng thế ký 18:27).
Phao Lô
là một người thông thái. Ông là một luật sư trẻ, giàu có. Ông là người Do Thái,
có quốc tịch La mã. Ông là một người Pha ri si, nghĩa là người có quyền thế.
Sau khi tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus, Ông đã làm biết bao nhiêu việc lớn lao ích
lợi cho Danh Ðức Chúa Trời. Ông đã đi đến Âu Châu để truyền giáo cho nhiều người,
nhiều nơi. Nhờ ơn Chúa, Ông đã lập rất nhiều Hội Thánh. Nhờ Chúa cho, Ông đã viết
hơn mười quyển thánh thơ trong Kinh Thánh. Bởi ơn Chúa, Ông giới thiệu Chúa cho
nhiều tội nhơn, đã cứu biết bao người khỏi lửa Ðịa ngục. Thế mà khi về già,
nhìn lại cuộc đời mình, Phao Lô tuyên bố rõ rằng: “Tôi làm được mọi sự nhờ Ðấng ban
thêm sức cho tôi.” (Philíp 4: 13).
Xin lưu
ý rằng Ðức Chúa Trời không bằng lòng cho chúng ta tự cao và cũng không cho phép
chúng ta khoe khoang. Chúa cảnh cáo: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo
sau; và tánh tự cao đi trước sự sa ngã!” (Châm ngôn 16:18). Xin đừng
dành giựt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đem về cho mình, vì "nước, quyền, vinh hiển đều
thuộc về Cha đời đời." (Ma thi ơ 6: 13).
Nội dung lời cầu nguyện của người Pha ri si:
Ông cho là Ông không tham lam, bất nghĩa, không gian dâm.
i.- Bất nghĩa là những người không có tình nghĩa,
bạc bẽo, lấy ơn làm oán. Ai mà lấy ơn làm oán thì tệ lắm!
ii.- Gian dâm là những kẻ thông dâm ngoài
hôn nhơn.
iii.- Tham lam: (1) Nói tới tham lam thì
trong các buổi học Kinh Thánh, chúng ta có thảo luận với nhau về ý nghĩa chữ
tham lam. Chữ tham lam có nghĩa thông thường là gặp cái gì đó dù không phải của
mình, nhưng vì tham lam nên bỏ túi riêng... (2) Nhưng chữ tham lam còn có nghĩa là tìm
cách để thu lợi vào quá nhiều so với những điều kiện mình đang có, hay so với
nhu cầu mình đang cần. Ví dụ sức của
mình chỉ có thể làm việc một sở làm, nhưng vì muốn có nhiều tiền nên đi làm việc
hai sở làm, làm việc nhiều như vậy phải
cố gắng quá sức, sinh ra bị bịnh. Khi bị bịnh đành phải nghỉ cả hai sở luôn! Tiếng Việt có câu rằng: "Tham thì thâm!" Nói
đến tham lam, Kinh Thánh dạy rằng: “Sự tin kính và sự thỏa lòng ấy là mối lợi lớn.
Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi
được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì thỏa lòng; còn như kẻ muốn nên giàu có,
ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẩy dò... Bởi chưng sự tham lam tiền bạc là cội rễ mọi
điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.”
(1 Ti 6:6-10).
Kinh
Thánh dạy như vậy, nhưng nhiều khi vì thấy dễ kiếm tiền, nhiều người Việt Nam cố
gắng kiếm nhiều hơn, nhiều hơn..... Rồi áp dụng nguyên tắc làm ngày không đủ,
tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa Nhật! Cho nên không có thì giờ đi nhà thờ thờ
phượng Chúa.
Nhưng
chúng ta là con cái Chúa, chúng ta nên dành ngày Chúa nhật để tôn thờ Chúa. Nếu
chủ công ty bảo chúng ta phải đi làm ngày Chúa nhật, chúng ta có thể thưa với
chủ rằng: “Tôi không thể đi làm ngày Cháu nhật. Vì tôi phải dành ngày Chúa nhật
để đi thờ phượng Chúa.” Nếu vì vậy mà Ông chủ đuổi sở, chúng ta bị mất việc. Hay
nói cách khác, vì kính yêu Chúa mà chúng ta mất việc làm, thì Chúa sẽ bù đắp lại
cho chúng ta. Chúa có quyền năng ban cho chúng ta có sở khác để làm việc, để có
tiền sanh sống.
Trái lại,
người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước lên trời đấm ngực mà rằng: “Lạy
Ðức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” Ở đây,
chúng ta thấy, cùng lên đền thờ để cầu nguyện mà thái độ của người thu thuế
khác hẳn thái độ của người Pha ri si.
a.- Người Pha ri si vào đền thờ mà không thấy Chúa và cũng
không thấy mình. Ông chỉ thấy người thu thuế kế bên Ông cho là hạng người thấp
kém hơn Ông, để Ông ta có cơ hội kiêu ngạo.
Ði nhà
thờ, chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta được thấy Chúa và thấy chính
mình. Ðừng nhìn người khác và đừng lo phê phán người khác, đừng đoán xét người
khác mà lại quên những lỗi lầm của mình. Ðừng nghĩ lời giảng là giảng cho người
khác. Nhưng hãy tự hỏi rằng Chúa đang dùng bài giảng hôm nay để dạy chính mình
bài học gì, hãy suy gẫm và làm theo, để nhờ lời Chúa đời thuộc linh của chính mình
được lớn lên, càng ngày càng trở nên "bậc thành nhơn, tầm thước vóc giạc trọn
vẹn của Đấng Christ." (Ê phê sô 4:12b).
b.- Trái lại người thu thuế vào đền thờ ngước mắt lên thấy Đức Chúa Trời là Ðấng Chân Thần thánh khiết. Trong khi đó nhìn lại chính mình, Ông thấy mình
bất toàn, nên không dám ngước mắt lên. Ông chỉ cúi đầu trước mặt Chúa. Ðây là một
thái độ của người biết kính sợ Chúa.
Điều nầy
cũng giống như Ê sai. Khi vào đền thờ, Ông thấy Chúa, lập tức Ê sai thấy lại
mình, Ông hoảng sợ nói: “Khốn
nạn cho tôi, xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có
môi dơ dáy!” (Ê sai 6:5). Trước sự thánh khiết của Chúa, không những
Ê-Sai thấy mình có tội mà thấy cả dân tộc mình đều có tội.
Thưa
Quý vị, mỗi khi suy nghĩ về mình trước mặt Chúa, Quý vị thấy mình ra sao? Mình
là người vĩ đại quá! Mình là người có công quá! Mình hơn hẳn người khác? Hay là
mình chỉ là kẻ có tội trước mặt Chúa và cần phải cầu xin sự thương xót của Ngài?
Người
thu thuế đấm ngực mà cầu nguyện: “Lạy Ðức Chúa Trời, xin thương xót lấy con
vì con là kẻ có tội.” Ðây là một thái độ của người khôn ngoan của
những người khôn ngoan trên đất nầy. Vì Ông biết xưng tội với Chúa và cầu xin sự
thương xót của Ngài.
Đức
Chúa Trời là Ðấng nắm vận mạng của chúng ta. Nếu chúng ta cải lại với Ngài rằng:
“Thưa Chúa, tôi tốt lắm chớ, tôi tử tế lắm chớ, tôi làm lành lánh dữ, tôi hướng
thiện, tôi lâu lâu mới giận mắng nhiếc người nầy, người kia một lần, tôi lâu
lâu mới nói dối một lần, tôi gạt vợ tôi chỉ có vài lần, tôi nói xấu bà hàng xóm
là tại vì bà ấy tệ với tôi, tôi đòi vặn họng bà kia có một lần, tại vì bà ấy
đòi bẻ cổ tôi tới năm, sáu lần v.v...” Chúng ta cố bào chữa cho mình, ngụy biện
cho mình, chớ sự thật thì mình có nhiều tội với Chúa. Thế thì số phận của chúng
ta ra sao? Chi bằng chúng ta, chân thành như người thu thuế, thưa với Chúa rằng:
“Lạy Ðức Chúa Trời xin thương xót con vì
con là người có tội.” Cảm tạ ơn Chúa, Ngài là: “Ðấng có lòng thương xót, hay làm
ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhơn từ.” (Thi thiên 103:8). Nếu chúng ta xưng tội
mình thì Ngài là Ðấng “thành tín công bình để tha thứ tội cho
chúng ta.” (1 Giăng 1:9).
Thưa
Quý vị, sự tha thứ của Đức Chúa Trời bởi dòng huyết cứu chuộc của Ðức Chúa Giê-xu là
chìa khóa để chúng ta bước vào phước hạnh cứu rỗi của Ðức Chúa Trời. Hãy nài
xin sự tha thứ bởi lòng nhơn từ của Ngài. Xin đừng theo gương người Pha ri si
khoe mình, kiêu ngạo, cứng lòng. Hãy theo gương người thu thuế đến cầu xin sự
thương xót của Chúa và xin sự tha thứ của Ngài.
Cầu xin
Chúa ban phước cho mỗi chúng ta luôn. A-men.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét