Vì Gia cốp cướp mất lời chúc phước
của mình, Ê sau rất giận và nói: "Ta sẽ giết Gia cốp, em ta, đi."
(Sáng 27:41b).
Khi nghe như vậy, Y sác và Rê be
ca bảo Gia cốp Y sác trốn qua nhà Bê-tu-ên, và cưới ở đó một người vợ trong các
con gái của La-ban, là cậu của Gia cốp.
(Sáng thế ký 28: 2).
- Y sác không quở trách Gia cốp
về việc Gia cốp đã dành lấy phước của Ê sau, vì Ông biết rằng Ông đã làm sai.
- Đoạn, Y sác chúc phước cho Gia
cốp, như sau: “Cầu xin Ðức Chúa Trời toàn năng ban phước cho con… Cầu xin Ngài ban
cho con và dòng dõi con phước lành của Áp-ra-ham!” (Sáng thế ký
28:3-4).
Bây giờ Gia cốp nghe lời cha mẹ
ra đi. Trong Sáng thế ký 32: 10, Gia cốp nói khi ra đi, ông chỉ có cây gậy trên
tay mà thôi. Nhưng Gia cốp có cây gậy và còn gì nữa không? Có. Ngoài cây gậy
Ông còn được lời chúc phước của Y
sác. Nghĩa là bây giờ Gia cốp ra đi chỉ với cây gậy và niềm tin nơi Chúa, chớ trên dậm đường đời biết ra sao
ngày sau? Ông không rõ.
Ngày nay cũng vậy, chúng ta cũng theo Chúa bằng đức tin như
Gia cốp. Kinh thánh dạy: “vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng
phải bởi mắt thấy.” (2 Cô rinh tô 5:7).
Ði tới Cha ran, trời tối, Gia cốp tìm chỗ ngủ. Ông lấy hòn đá
vừa kê đầu, vừa làm khí giới tự vệ, khi cần. Trong hoàn cảnh nầy, Gia cốp chỉ
mong được ngủ bình an ở gốc cây, hay bờ suối đã là hạnh phúc. Vì tại nơi hoang
vắng nầy con gấu, con sói, con rắn đều là những kẻ thù. Hơn thế nữa người Anh Ê
sau đang giận dữ, có chịu buông tha cho mình không, hay anh ta đem theo vài chục
người chận bắt mình trói lại để hành hình? Ý nghĩ miêng mang. Nhưng dù sao thì
cũng phải ngủ để có sức tiếp tục hành trình ngày mai.
Ðêm
đó, trong giấc chiêm bao, Gia cốp “…..thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu
đến tận trời, …. Ðức Giê-hô-va ngự trên đầu thang mà phán rằng: Ta là Ðức Chúa
Trời của Áp ra ham, tổ phụ ngươi, cùng là Ðức Chúa Trời của Y-sác. Ta sẽ cho
ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi đương nằm ngủ đây. …. các
chi họ thế gian sẽ nhờ ngươi và dòng dõi ngươi mà được phước. Nầy, ta ở cùng
ngươi, …. Ta không bao giờ bỏ ngươi ….” (Sáng thế ký 28:12-15).
Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta là Ðức Chúa Trời của Áp ra ham,... Ðức
Chúa Trời của Y-sác. Áp ra ham có đời sống thế nào mà Ông được Đức Chúa
Trời xưng như vậy? Ông có đời sống hết lòng tin cậy Chúa, “bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời
Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: người đi mà không biết mình đi
đâu.” (Hê 11:8). Áp ra ham yêu Chúa dâng “một phần mười” (Sáng
14:20) cho Chúa. Đặc biệt, Kinh thánh giải thích về việc Đức Chúa Trời vui lòng
xưng mình là Đức Chúa Trời của Áp ra ham và những anh hùng đức tin là vì họ “họ
ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Ðức Chúa Trời
không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ.” (Hê bơ rơ 11:16).
Quý vị có ham muốn quê hương tốt hơn ở trên trời không, hay là chúng ta chỉ có
chăm chú lo cho quê hương trên đất tạm bợ nầy? Tôi nói quê hương trên đất tạm bợ
vì chúng ta sống trên đất nầy chỉ có mấy mươi năm nữa mà thôi. Có bài Thánh ca
hát rằng: “Đời người ngắn ngủi ví thể
hoa rơi ham chi danh lợi quyền tạm thời thôi...” Cầu xin Chúa cho chúng ta
có đời sống đẹp lòng Chúa để chúng ta được Chúa vui lòng xưng Ngài là Đức Chúa
Trời của chúng ta.
a.- Khi thức giấc, Gia cốp nói: “Thật Ðức Giê-hô-va hiện có trong nơi đây mà
tôi không biết!” (Sáng thế ký 28: 16).
Hôm qua, Gia cốp không biết có Ðức Chúa Trời ở đó với Ông.
Trên đời nầy có rất nhiều điều chúng
ta không biết. Nhưng nếu không biết có Ðức Chúa Trời ở với mình thì là một thiếu
sót lớn lao. Tại sao?
- Tại vì nếu chúng ta không biết có
Chúa ở với mình, chúng ta hay lo âu sợ hãi. Nhiều khi gặp hoàn cảnh khó khăn
trong đời chúng ta nhìn trước nhìn sau thấy mình quá cô đơn! Nhưng thật ra Ðức
Chúa Trời có ở đó. Và Ngài là Ðấng sẵn sàng thấy hoàn cảnh chúng ta, nghe nỗi
niềm chúng ta khi chúng ta trình dâng lên Chúa. Chính Ngài là đấng an ủi, là Ðấng
vùa giúp, là Ðấng bảo vệ chúng ta.
- Ðiều thiếu sót nữa là vì không biết
Chúa đang ở với mình nên đôi khi chúng ta lại làm những điều không đẹp lòng
Chúa mà tưởng Chúa ở xa. Mỗi chúng ta nên học theo Gia cốp để biết rằng dù
chúng ta ở nơi nào thì sự thật là Ðức Chúa Trời có ở đó với chúng ta.
b.- Gia cốp
nói: đây là cửa nhà của Ðức Chúa Trời:
Gia cốp nói: “Ðây
là cửa nhà của Ðức Chúa Trời.” Ðọc câu nầy của Gia cốp làm tôi suy nghĩ.
Chúng ta dễ tưởng rằng nhà của Ðức Chúa Trời ở trên Thiên đàng hoặc là ở nhà thờ.
Nhưng sự thật thì: “Ðất và muôn vật trên đất, .... đều thuộc về Ðức Giê-hô-va.”
(Thi thiên 24:1). Thế thì thưa Quý vị,
cái nhà Quý vị đang ở ……. Có phải là nhà mà Ðức Chúa Trời đang ngự ở đó không?
Hơn nữa, Phao lô nói: “Anh
em há chẳng biết mình là đền thờ của Ðức Chúa Trời, và Thánh Linh Ðức Chúa Trời
ở trong anh em sao?” (1 Cô rinh
tô 3:16). Như vậy Đức Chúa Trời đang ngự trong nhà của chúng ta và ngự trong mỗi
chúng ta. Xin Chúa nhắc nhở cho chúng ta điều nầy để chúng ta sống mỗi ngày, từ
lời nói ý nghĩ hành động cẩn thận theo ý Chúa,
vì Chúa đang ở với chúng ta, đừng tưởng Chúa ở xa chúng ta.
Bây giờ Gia cốp biết rằng mình
ra khỏi nhà cha là Y sác, nhưng lại được ở trong nhà của Ðức Chúa Trời. Thật là phước hạnh.
Sau khi gặp Chúa, Gia cốp “dậy sớm, lấy
hòn đá của mình dùng gối đầu, dựng đứng lên làm cây trụ, ….. rồi đặt tên chốn nầy
là Bê-tên; ….. Hòn đá đã dùng làm trụ đây sẽ là đền Ðức Chúa Trời….. Và tôi sẽ
nộp lại cho Ngài một phần mười mọi của cải mà Ngài sẽ cho tôi.” (Sáng
thế ký 28:18-22).
Khi nhận ra sự hiện diện của Chúa, Gia Cốp mau chóng thờ phượng
Chúa. Cám ơn Chúa, ngày nay bất cứ lúc nào chúng ta đều được phép thờ phượng
Chúa, “vững lòng đến ngôi ơn phước” (Hê bơ rơ 4:16) để cầu nguyện và
Chúa và Ngài nghe lời cầu xin của chúng
ta. Ông Gia cốp dựng hòn đá lên và gọi đây là Bê tên nghĩa là “nhà
của Ðức Chúa Trời.” Ông cầu nguyện xin Chúa dẫn Ông về nhà cha của Ông
bình an. Ông hứa nguyện sẽ dâng 1/10 cho Chúa là bày tỏ lòng yêu kính Chúa và
biết ơn Ngài.
Còn một điều quý nữa. Ðó là Ông dậy sớm để thờ phượng Chúa. Sớm
là đúng giờ phải không? Không! Sớm là trước hơn thì giờ ấn định một chút.
Ðức Chúa Jesus thường dậy sớm đi vào nơi thanh vắng để cầu
nguyện. Chúng ta nên bắt chước Chúa thức sớm để cầu nguyện mỗi ngày. Ở đây Hội
thánh ấn định 10:30 sáng học Trường Chúa nhật. Chúng ta hẹn với Chúa là 10:30
sáng chúng con học Lời Ngài, xin Chúa hiện diện với chúng con và ban phước cho
chúng con. Chúa vui lắm và Ngài có mặt đúng giờ. Còn chúng ta thì đi trễ!
Có người nói: “Ði trễ là truyền thống Việt Nam.” Truyền thống
nầy nên để hay nên bỏ? Giờ thờ phượng ấn định 11:00am, nhưng tín hữu 11:30am mới
đến. Quý vị thấy sao?
Y sác và Gia cốp phạm tội, tại sao Chúa vẫn ban phước cho họ?
Câu trả lời là:
Vì: “Ðức
Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, Chậm nóng giận, và đầy sự nhơn từ.
Ngài không bắt tôi luôn luôn, Cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời.”
(Thi thiên 103: 8-9). Ðây là điều mà Ðức
Chúa Trời đã đối đãi với Y sác và Gia cốp. Cám ơn Chúa, ngày nay Ngài cũng đối
đãi với chúng ta như vậy.
a.- Y
sác: Sau khi làm
trái lịnh Chúa, chúc phước cho Ê sau, nhưng không được, Y Sác biết mình sai,
Chúa đúng, nên Y sác đổi ý chúc phước cho Gia cốp. Hơn nữa, Ông còn dạy Gia cốp
đi cưới vợ trong dòng dõi của Chúa chọn, chớ đừng lấy vợ ngoại bang. Nghĩa là Y
sác chịu trở lại vâng theo Ý Chúa.
b- Còn
Gia cốp: Gia cốp dù là một người xấu với anh và dối gạt
cha, nhưng Gia cốp rất mau chóng nhận biết Chúa, hết lòng thờ phượng Chúa và cầu
khẩn Danh Ngài. Quý vị có thấy Y sác và Gia cốp sau khi phạm tội với Chúa, thì
hai người có tìm cách rời xa Chúa không? Không. Họ vẫn hết lòng theo Chúa và tiếp
tục tin cậy Ngài.
Thưa Quý vị, cuộc đời theo Chúa
dù của các thánh thuở xưa hay là những người bình thường như chúng ta ngày nay,
đều là những cuộc đời không trọn vẹn trước mặt Chúa. Bí quyết theo Chúa là dù
có phạm tội, chúng ta cầu xin Chúa tha tội, và tiếp tục trở lại theo Chúa và vâng
lời Chúa dạy hằng ngày. Chúng ta không bao giờ trông cậy vào sự thánh thiện của
chúng ta. Trái lại chúng ta phải trông cậy vào sự đổ huyết tha tội của Ðức Chúa
Jesus và sự nhân từ thương xót của Ðức Chúa Trời, để chúng ta nhờ Thánh Linh
Chúa dẫn dắt bước theo Chúa đến phút cuối cùng để nhận được sự cứu rỗi và gặp
Chúa trong Thiên quốc của Ngài. A-men.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét