105 - Ý NGHĨA LỄ CHÚA GIÁNG SANH (1 Ti mô thê 1:15).


Kính chào quý vị, tôi xin gởi đến quý vị lời chúc mừng lễ Chúa Giáng Sanh. Hôm nay tôi mời Quý vị tìm hiểu ý nghĩa thật về lễ Chúa Giáng sanh. Nhân dịp nầy, tôi xin thưa cùng Quý vị là Ông Trời là Ðấng Tạo Hóa đã tạo nên trời đất, muôn vật và loài người, nên chúng tôi tôn thờ Ngài và tôn xưng Ngài là Ðức Chúa Trời.
Khi tạo dựng loài người, Ðức Chúa Trời chia sẻ sự sống Ngài cho chúng ta. Nên Ngài rất yêu thương chúng ta. Ngài muốn mỗi chúng ta đều là người con yêu dấu của Ngài, để giữa Ngài và chúng ta luôn luôn có tình thân ái Cha-con với nhau. Nhưng tiếc thay, loài người không chịu vâng theo ý Cha Thiên Thượng mà lại vô tình hay cố ý làm nhiều điều lỗi lầm theo ý riêng của mình.  Những lỗi lầm đó như: “không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; giết người, dối trá, hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, không vâng lời cha mẹ; trái lời giao ước, không có lòng thương xót...” (Rô 1:29-31). Tội lỗi làm cho chúng ta càng lúc càng xa cách Ðức Chúa Trời thánh khiết và càng ngày càng phạm tội nhiều thêm. Người ta ai nấy đều phạm tội cho đến nỗi Đức Khổng Tử phải thốt lên rằng: “Ngô vị kiến thiện nhơn.” (Nghĩa là ta chưa hề thấy người lành.) Kinh thánh cũng xác nhận rằng: “Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.” (Rô ma 3:12). Chính chúng ta cũng phải tự nhận rằng: “Mình không toàn vẹn, trong đời mình có những lỗi lầm.” Kinh thánh nói rõ: “Mọi người đề đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Rô ma 3:23).
Sách nho dạy rằng: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.” (lành dữ  cuối cùng sẽ có báo trả). Đức Chúa Trời phán rằng: “linh hồn của cha cũng như linh hồn của con, đều thuộc về ta; linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ê xê chi ên 18:4). Thánh Phao lô nói rằng: “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Rô ma 6:23). Nghĩa là cái giá để trả cho tội lỗi là sự chết. Như vậy số phận của người nào có tội là bị chết mất đời đời trong Hồ lửa hình phạt.
Nhưng cảm ơn Ðức Chúa Trời là Cha Từ Ái của chúng ta, dù chúng ta phạm tội, Ngài vẫn thương yêu chúng ta. Mỗi người trong chúng ta đều có sự sống của Ngài chia sẻ, nên Ngài rất yêu thương chúng ta. Ngài phán cùng chúng ta rằng: “Lòng ta rung động trong ta; lòng thương xót của ta cả đều nóng nảy.” (Ô sê 11:8). Tình yêu của Đấng Tạo Hóa thật là vô biên đối với chúng ta. Ngài êm dịu phán rằng: “Ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi.” (Giê rê mi 31:3). Tình yêu của Ngài đối với chúng ta được minh xác rõ ràng rằng: “Ngài... không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9) trở lại làm con yêu dấu của Ngài.
Vì tình yêu cao cả của Chúa, Ngài thiết lập chương trình cứu rỗi yêu thương, để cứu chúng ta. Đấng Cứu rỗi là Ngôi Hai Đức Chúa Trời bằng lòng gánh lấy tội lỗi chúng ta, để chúng ta thoát khỏi hình phạt vì tội lỗi của chúng ta. Kinh thánh ngôn sứ Ê sai nói rằng: “Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.” (Ê sai 53:6). Kinh thánh cũng dạy rằng: “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ.” (Hê bơ rơ 9:22). Vì luật pháp đòi hỏi như vậy, và để làm trọn luật pháp Ngôi Hai là Con Đức Chúa Trời bằng lòng chịu đổ huyết để chuộc tội nhơn loại.
Muốn nói chuyện với loài chiên, phải trở thành con chiên. Muốn nói chuyện với loài người, Đức Chúa Trời Ngôi Hai phải trở nên con người.
Vì vậy, Đức Chúa Trời sai thiên sứ báo tin cho nàng trinh nữ Ma ri rằng: “Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Jêsus.” (Lu ca 1:31).
Sau đó, “Ma ri sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.” (Luca 2:7). Vậy Ngôi Hai Đức Chúa Trời trở thành loài người được sanh ra tại chuồng chiên máng cỏ. Đây là gốc tích và ý nghĩa Lễ Chúa Giáng sanh.
Thánh Phao lô nhờ ơn Đức Thánh Linh giải thích tường tận ý nghĩa việc Đức Chúa Giê su thành người là: “Ðức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy.” (1 Ti mô thê 1:15).
Ngài cứu vớt bằng cách nào? Bằng cách là “Ngài chịu chết thay cho tội nhơn trên thập giá, để họ khỏi phải chết  vì tội lỗi của họ.”
Thưa Quý vị, cứ mỗi lần Lễ Chúa Giáng sanh đến, nhà nhà mừng Giáng sanh, người người mừng Giáng sanh bằng nhiều cách. Điều nầy tốt nhưng điều đúng nhất là chúng ta tin nhận Chúa Giê su là Con Đức Chúa Trời đến trần gian cứu chính mình thoát khỏi hình phạt vì tội lỗi của mình.
Cầu xin Đức Chúa Trời cảm động lòng quý vị tin nhận Chúa Cứu Thế Giê su làm Cứu Chúa mình. A-men.