Một văn
sĩ Ba Tư thuật lại rằng, khi còn nhỏ ông có thói quen hay thức giấc nửa đêm để
đọc kinh và cầu nguyện. Một hôm thân phụ của ông cũng thức giấc, ông cụ
vốn là một nhà chân tu. Văn sĩ nói: "Thưa cha, trong khi những người con khác của
cha, là anh em con, đang say sưa trong một giấc ngủ vô độ, thì chỉ còn một mình
con thức canh để chiêm ngưỡng Thượng Đế mà thôi." Cha ông ôn tồn nói:
"Con yêu dấu ơi, thà rằng con ngủ một giấc ngủ vô đạo còn hơn là thức tỉnh
để khoe khoang với anh em con."
Tâm lý
con người thường lấy chuẩn mực đạo đức của người khác làm thước đo cho đức hạnh
của mình. Dường như họ phải có một so sánh cụ thể với ai đó để vuốt ve tấm lòng
phô trương và sự tự phụ. Người Pha-ri-si cầu nguyện trong đền thờ đã so sánh
mình với người thâu thuế, (Luca
18:9-14) như một bằng chứng trình lên Thượng Đế rằng: Chúa ôi! Con tốt hơn
những kẻ như thế!
Đức
Chúa Trời muốn chúng ta soi mình với chuẩn mực đạo đức của Ngài, và áp dụng
chuẩn mực ấy trong ánh sáng của tình yêu thương. Tình yêu thật không cho phép
phô trương. Có những kẻ kiêu căng lộ liễu, song cũng có những sự kiêu ngạo được
giấu kín trong lớp vỏ bọc của hành động khiêm nhường, mà một trong những sự
kiêu ngạo quỉ quyệt nhất, chính là sự kiêu ngạo thuộc linh! Nó ẩn nấp trong nơi
sâu thẳm của lòng người để tạo nên cảm giác khoái trá rằng chúng ta đức hạnh
hơn người khác, nó vuốt ve bản ngã!
Xin hãy
cẩn trọng trong từng ý tưởng mỗi khi chúng ta muốn so sánh mình với anh em, khi
mà ý tưởng ấy khiến chúng ta tự đẩy mình nên người cao trọng, mà lại đạp anh em
mình xuống thành kẻ thấp hèn. Lòng sùng kính Đức Chúa Trời và sự phô trương đối
với anh em, thường gắn liền với nhau; thật là một sự liên kết kỳ lạ!
“Tình
yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng
ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.” (I Cô-rinh-tô 13:4)
Trích "Chắp cánh cho tâm hồn bay cao"
của Dương Quang Thoại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét