Khi nói chuyện với một thầy dạy luật, Ðức Chúa Jêsus lại cất tiếng
phán rằng: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô.” (Luca 10:30).
Thành
Giê ri cô ở đâu? Thành Giê ri cô là một thành phố cách 9 km về phía Tây của sông Giô đanh và 11
km về phía Bắc của Biển Mặn. Thành phố nầy vào thời của Ðức Chúa Jêsus thì vua
Hê rốt cho xây cất một lâu đài Nghỉ Lễ Mùa Ðông với những trang hoàng rực rỡ và
thu lợi tức rất nhiều. Điều nầy khiến
chúng ta có thể nghĩ rằng Giê ri cô thời đó là một thành phố phồn vinh
và chắc cũng có nhiều cuộc vui chơi tội lỗi ở đó.
Quý con
dân của Chúa còn nhớ khi Môi se qua đời, Ðức Chúa Trời chọn Giô suê dẫn tuyển
dân của Ngài tiến vào Ðất Hứa Ca na an.
Giô suê đã hết lòng tin cậy Ðức Chúa Trời để bước vào đất hứa. Và dân sự
Ðức Chúa Trời đã chiếm thành Giê ri cô trước nhất.
Sau khi chiếm thành Giê ri cô thì
“….
Giô-suê phát thề rằng: Phàm ai chổi lên xây lại thành Giê-ri-cô này sẽ bị rủa sả
trước mặt Ðức Giê-hô-va! Ðặt nền nó lại, tất con trưởng nam mình phải chết; dựng
cửa nó lại, tất con út mình phải chết.”
(Giô suê 6:26). Chúng ta có thể nói rằng thành Giê ri cô là một thành đã
bị rủa sả.
Thành
Giê ri cô, nếu tính đường chim bay thì cách thành Giê ru sa lem chừng hơn 20
km.
Ðịa
Trung Hải khoảng 50km về phía Ðông Thành Giê ru sa lem, và Biển Mặn khoảng 30
km phía Tây Nam Giê ru sa lem.
Thành
Giê ru sa lem là nơi Sa lô môn đã xây cất Ðền thờ của Ðức Chúa Trời, dân Y sơ
ra ên đến đó thờ phượng Ngài. Tiên tri Ê sai nói về Giê ru sa lem như sau: “Hỡi
Si ôn hãy thức dậy. Hãy thức dậy mặc lấy sức mạnh ngươi. Hỡi Giê ru sa lem là
thành thánh, hãy mặc lấy áo đẹp! ” (Ê sai 52:1). Như vậy thành Giê ru
sa lem Thành thánh của Ðức Chúa Trời.
Ðức
Chúa Jêsus phán: “Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ
cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống
nửa chết.” Vừa đọc xong câu
Kinh thánh nầy, chúng ta thấy ngay là có một người bị nạn.
Câu
Kinh thánh nầy cho chúng ta những điều học hỏi. Ðó là,
- Ông ta đi “xuống!”
Ðời sống
của người nầy đang đi xuống! Ông ta đang từ thàng Giê ru sa lem đi xuống thành
Giê ri cô. Theo ý nghĩa của hai thành nầy thì nguời nầy đang đi từ nơi Thánh xuống
nơi bị Rủa xả!
- Ðời sống hiện tại của chúng ta thì sao?
Học điều nầy làm tôi suy nghĩ đến
đời sống của Quý con dân của Chúa và chính mình tôi. Ðời sống của chúng ta có
phải là đang đi xuống không?
Ðôi khi có những điều khiến chúng
ta đi xuống. Làm một việc gì đó, không thành công, chúng ta xuống tinh thần. Thời
tiết thay đổi, bị bịnh, chúng ta xuống sức khỏe. Chẳng may, công ty mình đang
làm việc dời đi Tiểu Bang khác, chúng ta mất việc, tình hình tài chánh gia đình
chúng ta xuống dốc v.v…. Những điều “đi xuống” kể trên, chúng ta không thích điều
nào cả. Nhưng thật ra những điều nói trên chưa nguy hiểm bằng một điều “đi xuống”
khác. Ðó là “đi xuống” niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus.
Tại sao
khi mình “đi xuống” niềm tin nơi Ðức Chúa Jêsus là một điều nguy hiểm? Vì điều
quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta là “giữ vững niềm tin trong Danh Ba
Nôi Đức Chúa Trời cho đến hơi thở cuối cùng” để được Chúa ban cho chúng ta mão
triều thiên sự sống. Vì với đời sống nầy, dù
chúng ta có đạt được tất cả mọi sự vinh hoa phú quý, mà linh hồn của
chúng ta bị hư mất thì có ích gì! Chính Đức Chúa Giê-xu đã dạy: “Người
nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy
chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Mathiơ 16:26). Ðược sống vĩnh cửu với Ðức
Chúa Jêsus trong Vương quốc của Ngài phải là mục đích tối hậu cho mỗi đời sống
của chúng ta. Muốn được như vậy, mỗi chúng ta phải cẩn thận. Khi thấy mình bị “đi
xuống” niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Jesus chúng ta phải mau tìm trở lại với Chúa, qua Lời Chúa, qua những buổi
nhóm thờ phượng Chúa ở nhà thờ và qua những thì giờ chúng ta cầu nguyện riêng tư
với Chúa mỗi ngày tại nhà của chúng ta.
Kinh
thánh chép: Nạn nhân bị “giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi
đi, để người đó nửa sống nửa chết.”
Câu
Kinh thánh nầy, Ðức Chúa Jêsus mô tả hoàn cảnh của người bị lâm nạn. Chúng ta
có thể nói rằng nạn nhân bị lâm vào hoàn cảnh tả tơi. Bao nhiêu của cải không
còn, tất cả những gì quý giá đã mất. Kể cả sức khỏe cũng bị tiêu hao gần hết,
chỉ còn lại những vết thương, máu me đầy người. Người còn sống, nhưng sự sống rất
là yếu ớt!
- Tại sao nạn nhân
bị nặng nề thế?
- Tại vì Ông ta đã
đi từ nơi Thánh để đi xuống nơi bị Rủa sả!
- Ai đã đối xử tàn
nhẫn với ông ta như vậy?
- Kẻ cướp!
- Tại sao kẻ cướp đủ
sức, đủ thì giờ hoành hành dữ dội vậy?
- Tại vì kẻ cướp mạnh
mẽ và người nầy đi trong địa phận của nó.
Hôm nay tôi xin bắt chước Ông Bà chúng ta để làm thơ lục bát
rằng:
“Mấy đời bánh đúc có
xương!
Mấy đời kẻ cướp mà
thương bộ hành!”
Với người tin
Chúa Giê su nhưng có những bước “đi xuống” về niềm tin thì sẽ ra sao? Người đó
sẽ bước vào những địa phận của Ma quỷ. Chắc chắn, nó sẽ lột hết những gì người
nầy có, từ vật chất đến tinh thần. Vì “cướp giết và hủy diệt” (Giăng 10:10)
là bản chất của Ma quỷ. Ðức Chúa Jêsus đã dạy chúng ta như vậy.
Quý vị
có bao giờ thấy Ma quỷ lấy hết tiền bạc vật chất của những người “đi xuống” bước
vào giang sơn của nó chưa? Tôi đã gặp những bà vợ khóc lóc than van rằng chồng
tôi đã thua hết tài sản rồi. Có những bà mẹ khóc lóc thở than rằng con trai tôi
khỏe mạnh, nhưng nay bị nghiện-ngập cho đến nỗi sức lực tiêu tan, thân thể gầy
mòn, tinh thần xuống dốc đến độ không còn gì nữa!
Cũng có những người thở than rằng
thân nhân tôi không đi nhà thờ nữa, vì quá mê man tội lỗi.
Ðức
Chúa Jêsus kể tiếp rằng: “Một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người
ấy, thì đi qua khỏi. Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi
qua khỏi.” (Luca 10:31-32).
Thầy Tế
lễ là những người có chức phận trong Ðạo Do Thái. Họ là những người dẫn dắt dân
sự của Chúa theo Chúa và thờ phượng Ngài. Thầy Tế lễ đi ngang nhìn thấy người bị
nạn và đi qua khỏi.
Người
Lê vi là những người trong Chi phái Lê vi được biệt riêng ra để lo về những
nghi thức thờ phượng Chúa trong Đền thờ. Người Lê vi thấy, đến gần người bị nạn,
xem ra sao, rồi đi luôn.
Sau
đó: “…. có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần
người đó, ngó thấy thì động lòng thương;
bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi
con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho. Ðến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa
cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về
sẽ trả.” (Luca 10:33-35).
Trong lớp
dạy Kinh thánh cho các cháu thiếu nhi, Cô giáo dạy về câu chuyện Người Sa ma ri
nhơn lành, Cô giáo hỏi:
- Các
em có đồng ý người Sa ma ri rất tử tế không?
- Dạ
có!
- Các
em đúng đó. Người Sa ma ri rất tử tế, Ông ta sẵn sàng giúp đỡ người khác, khi
có cần.
- Thưa
cô em có thể gặp người Sa ma ri đó được không?
- Em
gặp chi vậy?
- Ðể
xin làm quen!
Trong chuyện người từ thành Giê
ru sa lem, có Ðền thờ của Chúa đi xuống thành bị Rủa sả tên là Giê ri cô bị cướp
đánh, thì Ðức Chúa Jêsus có đề cập thêm ba người khác. Ba người nầy đều thấy
người bị nạn. Nhưng cách ứng xử của ba người khác nhau.
Thầy Tế
lễ và người Lê vi theo triết lý sống là: “Tôi không làm hại ai là tốt rồi, còn
chuyện giúp người khác thì không phải bổn phận của tôi.”
Trái lại
người Sa ma ri theo triết lý sống khác, đó là: “Tôi không làm hại ai và tôi cố
gắng giúp người khác trong khả năng để làm dịu đi sự khổ đau của người gặp cảnh
khó khăn.”
Ðây là
cách sống của người sống đẹp lòng Chúa. Vì Đức Chúa Giê-xu dạy con dân của
Ngài: “Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Mat 22:39).
Người
Sa ma ri nầy thấy người khác bị cảnh khổ thì sẵn sàng giúp đỡ hoàn cảnh đó. Người
nầy sẵn lòng bỏ tiền của, bỏ thì giờ, bỏ công sức để lo cho người gặp cảnh có cần.
Quý vị
có xót xa khi thấy anh em chúng ta trong Chúa bị hoạn nạn không? Quý vị có sẵn lòng giúp đỡ anh em
trong Hội Thánh lúc có cần không?
Còn nếu Quý vị biết anh em của
mình trong Hội Thánh gặp hoạn nạn tâm
linh, đang ở trong vòng kềm tỏa của Ma quỷ, Quý vị ngồi nhìn hay nhờ Chúa giúp
đỡ họ? Anh em chúng ta trong Hội Thánh trước đây đi nhà thờ, tôn thờ Chúa với
chúng ta, bây giờ họ tách khỏi vòng tay yêu thương của Chúa, khỏi nhà thờ của
Chúa đã đi về đâu? Vắng bóng họ rồi, chúng ta có cầu nguyện cho họ, có gọi điện
thoại thăm hỏi và nhờ cậy Chúa đỡ họ đứng lên, để họ tiếp tục theo Chúa không?
Cầu xin
Chúa giúp đỡ mỗi Quý vị và tôi biết nương nhờ sức Chúa không rời bỏ nơi Chúa
ban phước là vòng tay yêu thương của Ngài mà đi đến nơi bị Rủa sả là nơi Ma quỷ
đang hoành hành. Phi e rơ nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù
nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm
người nào nó có thể nuốt được. “ (1 Phierơ 5:8). Cầu xin Chúa cũng cho
mỗi chúng ta bởi lòng yêu Chúa, khi thấy
sự đi xuống của anh em thì thiết tha hết lòng giúp đỡ thăm viếng, cầu nguyện
cho họ, xin Chúa Thánh Linh nâng đỡ họ đứng lên, để họ tiếp tục theo Ngài.
Cầu xin Chúa dạy mỗi chúng ta biết
sống theo thánh ý của Ngài. A-men.
Mục
sư Trần Hữu Thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét